“Làm giàu” cho biển

Những năm qua, vùng biển gần bờ của tỉnh Bình Thuận, nơi được đánh giá là một trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước, bị khai thác cạn kiệt, hệ sinh thái và nền đáy biển bị tàn phá, nhiều loài hải sản đặc trưng có giá trị kinh tế cao bị suy giảm nghiêm trọng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước vấn nạn này, cộng đồng ngư dân địa phương đã cùng bắt tay với chính quyền, ngành chức năng địa phương triển khai nhiều mô hình tái tạo nguồn lợi thủy sản, giúp hồi sinh những vùng biển “chết”.

Khoảng 7-8 năm về trước, nhiều ngư dân vùng biển xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) phải bán tàu thuyền để chuyển nghề vì các tàu giã cào từ nhiều nơi thường xuyên kéo lưới trái tuyến vào sát bờ biển khiến nguồn lợi hải sản, nhất là các loại nhuyễn thể hai mảnh bị cạn kiệt. Chứng kiến tình trạng trên, một số ngư dân địa phương đã mạnh dạn làm đơn gửi chính quyền địa phương xin quản lý mặt nước biển để nuôi, tái tạo loài sò lông đang dần biến mất.

Nhận thấy đây là ý tưởng hay, UBND tỉnh Bình Thuận đã thông qua chủ trương, thúc đẩy trao quyền và xây dựng năng lực cho cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản ven biển. Đây là mô hình thành công đầu tiên trên cả nước về trao quyền quản lý mặt nước cho ngư dân. Năm 2015, UBND huyện Hàm Thuận Nam thành lập Hội cộng đồng ngư dân đầu tiên tại xã Thuận Quý. Sau đó, 120 tấn sò lông giống, hàng chục cội chà để thu hút các loài hải sản đến sinh sống nhanh chóng được thả xuống vùng biển khoanh nuôi và được cộng đồng bảo vệ.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, sau nhiều năm triển khai mô hình, mật độ sò lông tại huyện Hàm Thuận Nam dần phục hồi, có thời điểm đạt 150 con/m². Không chỉ vậy, các loài hải sản khác cũng ngày một xuất hiện dày hơn, thu nhập của bà con ngư dân ngày một nâng lên.

Ngoài mô hình trên, năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận còn triển khai dự án “Xây dựng mô hình quản lý cộng đồng về bảo vệ, tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lợi điệp quạt tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể, huyện Tuy Phong”, nhằm khai thác bền vững nguồn điệp quạt tự nhiên, nâng cao thu nhập và đời sống của ngư dân thông qua phương thức đồng quản lý.

Ngay sau đó, dự án đã thành lập Tổ đoàn kết bảo vệ ngư trường do các ngư dân tham gia, đồng thời thả trên 21 triệu con sò điệp giống trên diện tích hơn 2.600ha mặt nước biển.

Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận thông tin, sau khoảng 3 năm thực hiện dự án, điệp quạt xuất hiện với mật độ dày chưa từng có so với 15 năm trước đó. Từ mật độ 1 con điệp quạt/100m² của năm 2013, đến nay mật độ điệp quạt đã tăng 136 con/100m². Cùng với việc bảo vệ, phát triển điệp quạt, các loại thủy sản khác cũng theo đó được bảo vệ và phục hồi, hệ sinh thái ổn định.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, nhấn mạnh, các mô hình mà tỉnh cùng với ngư dân địa phương triển khai trong những năm qua chi phí thực hiện thấp, nhưng mang lại hiệu quả cao, phát huy được vai trò, nhận thức của nhân dân trong việc tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thời gian tới, ngành thủy sản địa phương sẽ tiếp tục đề xuất tỉnh áp dụng rộng rãi hơn việc phân quyền, phân cấp quản lý khai thác vùng biển ven bờ cho cấp địa phương và cộng đồng để phát huy hiệu quả trong công tác bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Tin cùng chuyên mục