
Ở huyện Hồng Dân, Bạc Liêu có vùng đất nổi tiếng đánh Tây là Ninh Thạnh Lợi. Bao năm qua, vùng đất này bị nhiễm mặn, phèn và năn, lác mọc như rừng. Nhưng một “cuộc cách mạng” về khoa học kỹ thuật, đổi mới cung cách làm ăn đã giúp hàng chục ngàn cư dân từ khốn khó trở nên khá giả.

Vuông tôm của lão nông Hồ Cảnh Sến
Những cựu binh tỷ phú
Ấp Nhà Lầu, ấp Chủ Chọt là tên gọi từ thời người dân Ninh Thạnh Lợi chống Tây. Thời đó, nơi này chỉ có vài ngôi nhà lầu của những điền chủ và có một ông “chủ Chọt”; giờ có đến hàng trăm lão nông tri điền kiếm tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi tôm - lúa, cá chình, cá bống tượng, cá sấu; nhà xây theo kiểu biệt thự vườn nhiều không kể xiết. Ấy cũng là nhờ lãnh đạo tỉnh, huyện biết lo cho dân, đổi mới cây trồng, vật nuôi; người dân chí thú làm ăn, sáng tạo trong lao động sản xuất, kinh doanh để làm giàu cho chính bản thân mình. Cựu sĩ quan quân đội, Trung úy Nguyễn Tấn Thiệt, năm nay đã 68 tuổi, rời quân ngũ năm 1976. Đồng đất trũng, phèn, không biết trồng gì ngoài cây khóm. Năm trúng mùa, trúng giá cũng chỉ đắp đỗi qua ngày; năm thất mùa không có tiền mua gạo. Vậy mà khi phong trào nuôi tôm phát triển hơn chục năm qua, gia đình ông gặp thời như diều gặp gió. Ông có 80 công ruộng; mùa khô, nuôi tôm sú, tôm thẻ, cua biển; mùa mưa trồng lúa một bụi đỏ, nuôi tôm càng xanh. Ông còn dành 20 công nuôi cá chình, cá bống tượng, cá sấu. Thu nhập nhà ông không dưới 2 tỷ đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Ngân 68 tuổi có 200 công đất, nhờ trồng lúa, nuôi tôm, cua, cá chình mà hàng năm thu nhập hơn 3 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Võ, 72 tuổi, nuôi 10ha tôm, cua, cá; trồng 3ha trúc; mỗi năm thu nhập cũng gần 2 tỷ đồng. Ngay như cựu quân nhân Danh Gul, 65 tuổi, người dân tộc Khmer có trên 70 công đất, nhờ hội Cựu chiến binh giúp đỡ kỹ thuật nuôi tôm, cua, trồng lúa nên mỗi năm thu nhập không dưới 800 triệu đồng… Số cựu quân nhân ở xã Ninh Thạnh Lợi A tính có đến hơn trăm người. Người nào cũng giàu có và thu nhập bạc tỷ/mỗi năm…
Đất xưa ngày ấy, bây giờ
Ở “cánh đồng chó ngáp” bây giờ, người ta “xẻ” ra rất nhiều con kênh. Cứ 1.000m có một con kênh. Kênh rạch chằng chịt như vậy để bà con dễ dẫn nước vào ao vuông nuôi tôm, trồng lúa… Có đến 80% bờ bao ở các ao vuông của mỗi gia đình đều được bê tông hóa. Kênh rạch chằng chịt nhưng 2 bên bờ kênh đều có đường nhựa, đường bê tông, ô tô con có thể đi lại dễ dàng. Chợ Ninh Thạnh Lợi sung túc không thua gì chợ huyện Hồng Dân…
Theo lịch sử đấu tranh chống Pháp, Mỹ của vùng đất Ninh Thạnh Lợi, ấn tượng nhất là cuộc nổi dậy của nhân dân chống chính quyền thực dân và bọn điền chủ Tây vào những năm 1923 - 1927 và đến Cách mạng tháng 8-1945, cả vùng đất Ninh Thạnh Lợi nổi dậy. Nhân dân đã tháo dỡ nhà bự của ông Cả Trí, lấy cột gỗ cắm xuống lòng kênh Phó Sinh - Long Đền để ngăn tàu Tây vào càn quét. Suốt bao năm chống Mỹ, nơi đây là căn cứ địa của Tỉnh ủy Bạc Liêu. Bom cày đạn xới nhưng người dân vùng đất Ninh Thạnh Lợi anh hùng vẫn “một tấc không đi, một ly không rời”, vừa đánh giặc vừa sản xuất, vừa nuôi quân, góp phần giúp bộ đội đánh Mỹ, giành nhiều trận thắng vang dội.
Anh Lê Văn Đang, Phó chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi A cho biết: Xã chúng tôi có 6.667 ha đất sản xuất, 1.945 hộ, 8.357 khẩu. Trong số này có gần 1.300 hộ khá, giàu. Tới đây, theo chỉ đạo của huyện, cơ cấu lại sản xuất sẽ có bước phát triển mới. Diện tích nuôi cá chình sẽ tăng lên để phục vụ cho việc chế biến xuất khẩu theo yêu cầu của Công ty liên doanh giữa Hồng Dân và Hàn Quốc. Cây lúa sỏi (CTV5) thuộc giống cải thiện (giống mới), chịu mặn, năng suất cao cũng sẽ xuống vuông tôm trong 2 vụ một năm.
Đất Ninh Thạnh Lợi xưa là vùng len trâu, trũng thấp, năn lác mọc như rừng; giờ “xứ khỉ ho cò gáy” ấy đã có những bước tiến nhảy vọt trong mọi mặt cuộc sống. Xưa chống Tây, đánh Mỹ giỏi; giờ lao động, xây dựng cuộc sông ấm no, hạnh phúc cũng thuộc vào bậc nhất đồng bằng Nam bộ.
LÊ BÌNH