17 năm, một mình ông lặng lẽ, kiên trì chăm bón, thuần dưỡng một giống cây ăn trái mà mình bén “duyên”. Ông là Phạm Hữu Hiện (thường gọi Út Hiện, ở cù lao An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp - ảnh).
Idol là giống nhãn của Thái Lan được du nhập vào nước ta trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Nó có ưu điểm nổi trội hơn các giống nhãn hiện có trong vùng: Ít bị sâu bệnh, năng suất cao, tỷ lệ hao hụt thấp. Trái có hạt nhỏ, cơm dày, thơm và ngọt lịm. Năm 1997, ông Út Hiện mua 10.000 cây đem về cù lao An Hòa trồng thử.
Thời gian đầu chưa thích nghi, nên nhãn trồng không ra hoa. Hầu hết nhà vườn tham gia dự án trồng thử đều chán nản. Ông Mười Một, láng giềng với Út Hiện, cho biết: “Hồi đó tui cũng mua 20 nhánh nhãn Idol về trồng thử. Giá mắc lắm, tới 60.000 đồng/ nhánh. Lúc đó, cây nhãn tiêu da bò đang thời hưng thịnh, ra bông rất dễ, còn cây nhãn Idol lại khó ra bông”. Nhiều người độc mồm đồn thổi Út Hiện gạt gẫm, nhập giống “dỏm” về bán.
Thậm chí, có người còn gửi đơn thưa ông vì “cái tội” phá hoại kinh tế do nhập giống “cây ngoại lai” này. Biết bao điều thị phi vây bủa, nhưng Út Hiện vẫn cắn răng chịu đựng. Ông âm thầm mày mò tìm hết cách này tới cách khác xử lý đủ loại phân thuốc... Ba năm sau, cây nhãn Idol mới chịu cho bông. Ông mừng như được vàng, rồi đem kỹ thuật có được hướng dẫn lại cho bà con. Ông Mười Một nói: “Tui cũng nhờ Út Hiện chỉ cách xử lý, nên sau 3 năm trồng mới thành công, mừng hết lớn!”. Hiện mỗi năm, 10 công nhãn Idol đem lại cho gia đình ông Mười Một hơn 800 triệu đồng.
Năm 2010, Tổ hợp tác tiêu thụ nhãn An Hòa ra đời. Toàn bộ giống trồng của các tổ viên đều được lấy từ vườn nhãn Út Hiện. Trong vai trò tổ trưởng, ông Út Hiện vừa hướng dẫn kỹ thuật, vừa lo tìm đối tác thu mua. Mỗi năm tổ hợp tác bán ra hơn 300 tấn nhãn Idol với giá cao gấp 2,5 lần so với các giống nhãn khác.
Theo đại diện của Công ty Nhiệt Đới (Bến Tre), trái nhãn trồng trên cù lao An Hòa vừa được cơ quan chức năng nước Mỹ cấp mã code nhập khẩu vào thị trường nước này với tên gọi “Nhãn IDO Việt Nam”. Đầu tháng 12-2014 này, Công ty Nhiệt Đới sẽ xuất khẩu lô nhãn đầu tiên (hơn 2 tấn) vào thị trường Mỹ. Ông Hiện cho hay: Trong năm 2015, vùng trồng nhãn cù lao này sẽ sản xuất theo quy trình Global GAP để mở hướng xuất khẩu sang châu Âu. Đây là thị trường tiêu thụ số lượng lớn, giá cao… hứa hẹn sẽ giúp các nhà vườn xứ cù lao An Hòa làm giàu từ nhãn Idol.
|
NGỌC DÂN