Làm gương để trẻ có thói quen tốt

Ra đường, nếu để ý quan sát sẽ không khó nhận thấy nhiều em nhỏ uống sữa xong tiện tay vứt luôn vỏ hộp xuống đường, ăn kẹo thì bỏ luôn vỏ bất kỳ chỗ nào; ở trong trường, cũng không ít em tùy tiện xả rác hoặc thấy rác cũng không buồn nhặt… Chắc hẳn trẻ nhỏ nào cũng được cha mẹ, thầy cô dạy dỗ, dặn dò là phải giữ gìn vệ sinh, chú trọng ngăn nắp, nói lời hay, làm điều tốt…, thế nhưng vì sao vẫn có các hiện tượng đó?

Ở đây, hầu hết trường hợp đều không có lỗi của các trẻ em mà phần nhiều do người lớn. Cha mẹ tuy dạy con như thế nhưng bản thân ít khi gương mẫu thực hiện đúng những điều mình đã dạy cho con. Liệu các bậc cha mẹ có tự rà soát lại xem có lúc nào mình xả rác ngoài đường, có lúc nào mình chủ động nhắc nhở người khác đừng xả rác bừa bãi? Trong nhà trường, liệu thầy cô khi nóng giận có biết kiềm chế tránh buột miệng thốt câu gì đó nặng lời hoặc có hành động chưa hay? Thầy cô thấy học sinh xả rác có nhắc nhở ngay, có làm gương nhặt rác như một cách “thị phạm” cho trẻ? Rõ ràng, trong nhiều trường hợp, tính gương mẫu của người lớn chưa thực sự tốt, nên tính hình mẫu, tính thuyết phục để trẻ noi theo, hoặc ít nhất là bắt chước, cũng không đầy đủ.

Trong giáo dục, tính nêu gương luôn được đặt ở vị trí rất cao. Chính bản thân cách hành xử thường ngày của người thầy cũng là những bài học, chứ không phải chỉ những lời rao giảng. Bác Hồ đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vì vậy, trong gia đình, đó là tấm gương của cha mẹ đối với con cái, của anh, chị đối với các em, nhất là ông bà, cha mẹ, cô chú, cậu dì…; người càng lớn, có địa vị càng cao càng phải chú ý nêu gương hơn.

Trong nhà trường, gần như ai cũng phải làm gương; hiệu trưởng làm gương chung cho tất cả mọi người; giáo viên, giám thị, bảo vệ, bảo mẫu… làm gương cho học sinh; học sinh lớp lớn làm gương cho học sinh lớp nhỏ… Phải làm gương trong từng việc nhỏ, chứ không phải chỉ chú trọng đến những điều gì lớn lao, to tát; và từng việc nhỏ đó cũng có thể động viên để trẻ chú ý học tập, rèn luyện thành thói quen tốt, từ đó dần hình thành tính cách tốt.

Có như vậy, trẻ mới hình thành nhân cách một cách tích cực.

TRỊNH MINH GIANG (Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục