Lạm phát và phát triển

Thời gian gần đây tình hình giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước liên tục tăng đã khiến nhiều người lo ngại rằng nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn trở lại thời kỳ lạm phát. Đã có nhiều ý kiến khác nhau về cách nhìn nhận lạm phát trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, nhiều người cho rằng lạm phát năm 2010 có thể lên đến 2 con số. Vậy thực chất của vấn đề lạm phát ở Việt Nam hiện nay như thế nào?

Khi nói đến lạm phát phải xác định rằng, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dần từ nền kinh tế của một nước đang phát triển sang nền kinh tế của một nước công nghiệp hiện đại. Tiền lương trung bình và thu nhập của người lao động từ mức thấp hoặc rất thấp chuyển sang mức cao. Do đó, đòi hỏi lượng tiền trong lưu thông phải tăng lên. Đồng thời, khi đất nước chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường, có những mặt hàng phải qua nhiều lần thị trường điều chỉnh giá mới phù hợp và ổn định. Cho nên, vấn đề lạm phát ở Việt Nam hiện nay là một quy luật tất yếu. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay mà không có lạm phát sẽ rất khó tăng trưởng.

Riêng việc chỉ số giá cả (CPI) tăng phụ thuộc vào hai nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất, vấn đề quản lý của Chính phủ khi đưa ra các chính sách tài chính, tiền tệ có đúng hay không. Nếu không đúng, quản lý vĩ mô không phù hợp sẽ đẩy giá cả tăng lên. Thứ hai, giá cả tăng do xuất phát từ vấn đề thay đổi cơ cấu kinh tế và điều chỉnh hệ thống giá theo hướng thị trường. Về vấn đề này, đối với các nước khác trên thế giới khi đã có hệ thống giá và cơ cấu kinh tế ổn định rất ít điều chỉnh. Còn với đất nước ta đang trong giai đoạn chuyển dịch đòi hỏi phải có sự thay đổi để phù hợp với tình hình biến động chung. Đây là yếu tố dẫn đến ngân hàng phải đưa thêm tiền ra để ổn định lại tình hình kinh tế và phát sinh lạm phát. Đây là một giải pháp đi lệch với xu hướng chung, nhưng bắt buộc phải làm. Nếu không nền kinh tế của đất nước không thể phát triển được.

Từ tính phức tạp của vấn đề lạm phát nêu trên, để thực hiện chỉ tiêu trong năm 2010 đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển từ 6,5% - 7% như Chính phủ đề ra thì tỷ lệ lạm phát không thể dưới mức 7% mà phải xoay quanh từ trên 7% đến dưới 10%. Do đó, muốn lạm phát nằm trong khoảng này, Chính phủ cần có chính sách quản lý tài chính, tiền tệ vĩ mô một cách thích hợp.

Cụ thể, về tài chính cần đầu tư nguồn vốn cho các dự án một cách hiệu quả và đồng bộ. Bởi lẽ, trên thực tế có nhiều dự án đồng vốn bỏ ra nhiều nhưng không đồng bộ đã dẫn đến nguồn vốn không phát huy hiệu quả.

Về tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần tính toán mức độ tăng giá do điều chỉnh không hợp lý. Phải nói rõ là điều chỉnh giá không hợp lý chứ không phải tăng giá để bù lỗ. Nghĩa là tăng giá do cơ cấu thay đổi về công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ thay đổi làm giá cả tăng lên. Trên cơ sở xác định như vậy cần phải có sự thay đổi tăng tín dụng cho thích hợp.

Tiến sĩ Hồ Diệu
(Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM)

Tin cùng chuyên mục