Làm sạch môi trường đầu tư

Sau thời gian dài vừa qua báo chí và Cục Thuế TPHCM quyết liệt đấu tranh chống chuyển giá (giao dịch liên kết, mua mắc - bán rẻ để né thuế), kết quả thật bất ngờ: số doanh nghiệp (DN) báo cáo lỗ giảm xuống! Nếu năm 2008, có 56,3% DN FDI báo cáo lỗ thì đến năm 2009 số DN này báo cáo lỗ giảm xuống còn 50,8% và đến năm 2010 giảm tiếp còn 47,6% DN báo cáo lỗ. Điển hình là Công ty TNHH TMDV Dũ Thành (quận Phú Nhuận) chuyên xuất khẩu thiết bị điện, điện lạnh, dù doanh thu năm sau cao hơn năm trước nhưng nhiều năm liền công ty khai báo lỗ, bị báo chí lên tiếng. Sau khi Cục Thuế TP mời lên làm việc, giờ đã báo cáo lời đến 4 tỷ đồng.

Hay Công ty Pou Yuen Việt Nam cũng là trường hợp cụ thể cho DN báo cáo lỗ cả chục năm sau ngày thành lập, nhưng sau khi Cục Thuế TP kiểm tra thì DN bắt đầu có lãi 3 năm nay, mỗi năm số lãi trên dưới 100 tỷ đồng. Một số DN khác cũng có chuyển biến trong báo cáo thuế, tuy chưa có lãi nhưng bắt đầu đã… giảm lỗ!

Trước nay, khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là đối tượng đáng quan tâm nhất trong công tác chống chuyển giá. Có nhiều DN đặt trụ sở chính ở các quốc gia, vùng lãnh thổ được gọi là “thiên đường thuế” - có mức thuế suất thuế thu nhập DN thấp hoặc bằng 0%. Do vậy, việc chuyển giá chỉ đơn giản là công ty “mẹ” nằm ở “thiên đường thuế” bán nguyên liệu giá cao cho công ty “con” ở Việt Nam rồi mua lại sản phẩm với giá thấp nhằm chuyển lợi nhuận sang công ty “mẹ”. Như vậy, công ty “con” ở trong nước không phải nộp thuế, mặc dù họ sử dụng nguồn tài nguyên quốc gia.

Đến nay, việc chuyển giá trở nên đáng báo động, nó không chỉ ở những DN FDI mà nó đang diễn ra rầm rộ ở những công ty liên kết trong nước. Với hoạt động quản lý đầu tư lỏng lẻo, không mấy khó khăn để Võ Văn Vi (sinh năm 1980) từ Đà Nẵng vào TPHCM chỉ trong vòng một tháng đã đăng ký thành lập 37 DN với số vốn đăng ký đến 6.500 tỷ đồng. Chuyện có vẻ như hài nhưng lại là sự thật, mà đến giờ các cơ quan chức năng chưa có biện pháp gì để xử lý.

Mới đây, một DN bán lẻ trên địa bàn TP liên tục báo lỗ nhiều năm qua, bổng dưng năm nay quảng cáo rầm rộ và công bố doanh số lên đến 8.000 tỷ đồng/năm. Sự “lớn mạnh” bất ngờ này khiến dư luận thắc mắc. Khi tìm hiểu ra thì DN này đang “đánh bóng” để chuẩn bị… lên sàn chứng khoán! Kiểm tra lại mới biết tại địa chỉ trụ sở chính của DN này được đăng ký rất nhiều công ty do một người đứng tên hoặc góp vốn. Bằng cách đó, các DN này dễ dàng chuyển giá qua lại để tập trung vào một công ty, xây dựng hình ảnh đẹp phục vụ cho việc cổ phần hóa, sau khi bán cổ phiếu, thu được tiền, để rồi người mua cổ phiếu gánh chịu. Đó cũng là một trong những lý do những DN vốn có lãi mới được lên sàn nhưng giờ giá mỗi cổ phiếu rẻ hơn ly trà đá…

Chống chuyển giá là chuyện không chỉ ở Việt Nam mà đang được các quốc gia khác quan tâm. Cái khó nhất trong công tác chống chuyển giá của nước ta không chỉ là văn bản pháp luật thiếu cơ sở thực hiện, trình độ cán bộ thấp, mà cái khó là quan điểm chống chuyển giá chưa thống nhất, thông suốt trong đội ngũ cán bộ có trách nhiệm.

Nhiều người cho rằng, chống chuyển giá gắt gao sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Đó chỉ là cách ngụy biện cho ý đồ cá nhân hoặc bao biện cho việc thiếu trách nhiệm của cán bộ. Bởi những DN chân chính tìm hiểu đầu tư thì vấn đề họ quan tâm là chính trị ổn định, pháp luật rõ ràng và nguồn tài nguyên phong phú. Còn những DN tìm cách lách luật, né thuế, làm băng hoại thị trường, chắc hẳn không phải là đối tượng mà Đảng và Nhà nước khuyến khích kêu gọi đầu tư.

Do vậy, cần phải loại bỏ DN “bẩn” để làm sạch môi trường đầu tư của Việt Nam - một quốc gia ổn định chính trị, tài nguyên phong phú được nhiều nhà đầu tư quan tâm - là điều bức bách. 

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục