Làng lâm tặc khét tiếng với hàng loạt biệt danh chỉ nghe đã sởn gai ốc như “Vũ đại ngàn”, “Hùng đại ca”, “Hải rừng xanh”, “Mắc Xim”… nay đã đổi thay. Chuyện tưởng chừng chỉ có trong cổ tích này lại có thật tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Tàn phá
Chúng tôi đến thôn Châu Sơn (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) sau hơn 15 năm cái tên “làng lâm tặc” bị xóa sổ. Không khí yên bình của một thôn kinh tế mới nằm bên cánh rừng thông xanh ngút ngàn này khiến ít ai nghĩ rằng nơi đây từng là điểm nóng phá rừng của tỉnh Lâm Đồng.
Tiếp chúng tôi là trưởng thôn Phan Ngọc Sơn, người trước đây là đầu sỏ phá rừng và chống đối kiểm lâm. Ông kể: Năm 1977, thôn kinh tế mới Châu Sơn được thành lập gồm 97 hộ dân từ thị trấn Dran vào theo chính sách giãn dân. Hồi đó, khu vực này là triền đồi khô cằn, nắng không ưa, mưa không chịu, người dân chỉ biết trồng ngô, khoai hoặc lúa nước một vụ có năng suất kém. Cuộc sống quá khó khăn nên người dân vào rừng kiếm kế sinh nhai. Ban đầu chỉ lén lút đốn củi, đốt than mang ra trung tâm xã hoặc chợ huyện bán. Dần dần cả làng bỏ ruộng nương, đua nhau vào rừng. Đàn ông, thanh niên cưa gỗ, đốn hạ cây rừng lấy gỗ, đốt than, người già và trẻ nhỏ cũng bám theo để mót than. Có ngày, đến cả trăm người phá… rừng.
Mang cho chúng tôi xem “kỷ vật” gắn với một thời chinh chiến là chiếc búa dài 30cm, nặng 2,7kg, ông Sơn nói: “Đúng là mức độ phá rừng ngày đó thật khủng khiếp, áng chừng mỗi ngày, làng này “hạ” cả hécta rừng, trong đó có nhiều loại gỗ quý như huỳnh đàn, dỗi. Hầm than thì chi chít, có hầm dài 20m – 30m. Đứng từ cuối thôn nhìn lên rừng lúc nào cũng thấy nghi ngút khói lửa, cây lá úa vàng và những con đường vận chuyển gỗ đỏ lòm chứ không còn màu xanh; tiếng búa rìu, tiếng cây đổ ầm ào không ngớt…
Những ai biết chuyện thôn Châu Sơn ngày ấy, nay nhắc lại vẫn lắc đầu ngán ngẩm. Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Xuân, ông Nguyễn Văn Hải nhớ lại: Thôn Châu Sơn ngày đó như một chảo lửa. Hầu như toàn bộ dân thôn phá rừng để kiếm sống. Gỗ phách tuồn đi Ninh Thuận, Bình Thuận; còn than, củi thì bán ngay chợ Lạc Nghiệp, Lạc Lâm, Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương) hoặc để sỉ cho thương lái mang lên Đà Lạt. Kiểm lâm địa bàn về lập trạm chốt chặn ngay đầu xã nhưng cũng không cản nổi vì lâm tặc quá đông và rất hung hãn… Ông Phạm Hiển, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương cũng thừa nhận: Hồi đó, anh em nghe đến làng Châu Sơn là đã “ớn”. Tuần tra cũng phải đi vòng chứ không dám đi ngang qua làng vì sợ dân ra chặn xe. Có đợt, xe của kiểm lâm vừa qua hết cầu Châu Sơn, cả làng ra rút ván, phá cầu rồi vây đuổi cán bộ kiểm lâm chạy tán loạn.
Trả nợ rừng
Trưởng thôn Phan Ngọc Sơn kể tiếp: “Lao lực suốt ngày đêm nơi rừng sâu nước độc vậy nhưng không dứt được đói nghèo. Hồi đó, một gánh than đổi được 2kg hạt bắp, chỉ gọi là đủ ăn qua ngày, có hôm không may bị tịch thu thì cả nhà nhịn đói. Lại còn bệnh tật, sốt rét, tai nạn do cây rừng gãy đổ…”.
Rồi bước ngoặt cũng đến với người dân Châu Sơn. Năm 1995, Lâm trường Đơn Dương có một quyết định táo bạo và mạo hiểm là chọn thôn Châu Sơn làm thí điểm thực hiện chương trình giao khoán bảo vệ rừng. Giao rừng cho “lâm tặc” bảo vệ? Quyết định đó lúc đầu khiến nhiều người trong cuộc (tức là cán bộ kiểm lâm là lãnh đạo địa phương) e dè, nghi ngại. Ông Võ Minh Thâm, nguyên Giám đốc Lâm trường Đơn Dương, nhớ lại: “Hồi đó, ngay giữa lâm trường và Hạt Kiểm lâm Đơn Dương cũng có đấu tranh về quan điểm. Thậm chí, có người còn nói tôi bắt tay với lâm tặc nhưng tôi vẫn kiên trì bảo vệ quan điểm là phải tiếp cận dân để vận động, bên cạnh đó là kết hợp các chương trình hỗ trợ cuộc sống để họ thấy được cái lợi của việc giữ rừng”.
Để vận động được người dân từ phá rừng quay lại bảo vệ rừng là cả một quá trình. Đích thân ông Thâm gõ cửa từng nhà để giải thích, vận động từ ngày này sang tháng khác. Và một điều cũng rất lạ là chính “đầu sỏ” phá rừng Phan Ngọc Sơn lại là người “giác ngộ” đầu tiên. Ông trở thành cầu nối để vận động, phổ biến lại cho dân làng. Rồi 43 hộ dân, hầu hết đang là “lâm tặc”, đã đặt bút ký vào bản hợp đồng nhận khoán bảo vệ 1.200ha rừng đầu nguồn Đại Ninh tại 3 tiểu khu 317, 318 và 319. Những tên “lâm tặc” khét tiếng bỗng lột xác quay lại làm người bảo vệ rừng. Họ chia làm 3 tổ, ngày ngày vừa gùi cây giống lên những ngọn đồi trọc để trồng lại rừng, vừa thay nhau tuần tra, bảo vệ rừng. “Lúc đầu, nói chuyện từ bỏ phá rừng dường như là điều không thể, vì nó đụng đến nồi cơm, bát gạo của mỗi nhà. Ngay khi đã tham gia đội bảo vệ rừng, một số người vẫn lén lút lên rừng đốn củi, đốt than. Phải ngót 3 năm sau, tình hình mới thực sự chuyển biến và từ năm 2000, khi thôn Châu Sơn ký quy ước bảo vệ rừng, toàn thôn không còn người phá rừng”, trưởng thôn Phan Ngọc Sơn tâm sự.
Sự đổi thay của thôn Châu Sơn từ “làng lâm tặc” sang thôn điểm về giữ rừng đã làm ngạc nhiên ngay đối với những người trong cuộc. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đơn Dương, ông Phạm Hiển nói rằng, điều làm ông thấy lạ là hiện cuộc sống của người dân Châu Sơn vẫn chưa hết khó khăn (toàn thôn còn 9 hộ nghèo và 23 hộ cận nghèo – PV) nhưng họ đã thật sự yêu rừng, gắn bó với rừng. Trong những chuyến phối hợp tuần tra ở khu vực rừng Ya Hoa, giáp tỉnh Ninh Thuận, thấy rừng bị phá, dù ít hay nhiều, dân lại thấy xót. Nhiều lần, họ xin tham gia đoàn truy quét lâm tặc và sẵn sàng chữa cháy rừng ở ngoài vùng rừng mà họ nhận bảo vệ.
Vậy những lâm tặc khét tiếng ngày xưa, bây giờ ra sao? Trưởng thôn Phan Ngọc Sơn phấn khởi: “Khá hết rồi. “Hải rừng xanh”, “Mắc Xim”, “Vũ đại ngàn”… đều đã có cuộc sống ấm no với nghề trồng rau thương phẩm. Riêng “Vũ đại ngàn” (tức Trần Phạm Vũ) hiện đang làm Phó ban Lâm nghiệp xã Lạc Xuân, còn tôi cũng vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng từ năm 2007".
NAM VIÊN