Làm thuê trên đất được giao

Đang là mùa thu hoạch keo, vậy nhưng, đồng bào Hre ở huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) vẫn chưa ưng. Bởi những tưởng sau khi được giao rừng, họ sẽ được tự do canh tác, được hỗ trợ vốn, cây giống… để no cái bụng. Nhưng giấc mơ hưởng lợi từ chính những cánh rừng được giao với họ vẫn còn xa ngái.
Làm thuê trên đất được giao

Đang là mùa thu hoạch keo, vậy nhưng, đồng bào Hre ở huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) vẫn chưa ưng. Bởi những tưởng sau khi được giao rừng, họ sẽ được tự do canh tác, được hỗ trợ vốn, cây giống… để no cái bụng. Nhưng giấc mơ hưởng lợi từ chính những cánh rừng được giao với họ vẫn còn xa ngái.

Dân khai hoang

Nhà Trưởng thôn Nước Ui Phạm Văn Dôn cách thị tứ xã Ba Vì (huyện Ba Tơ) non nửa giờ đi bộ. Nhà Dôn nghèo. Nghe chúng tôi đề cập đến chuyện đất rừng, phải sau vài phút dò xét, Dôn mới kể: “Thôn mình ai cũng có đất rừng cả, người ít thì chừng 1ha, người nhiều có cả chục hécta. Tất cả đều được Nhà nước cấp sổ đỏ cả rồi. Mừng đấy, nhưng cái bụng mấy ai đã no từ rừng đâu”.

Nhấp tiếp chén rượu, Dôn tiếp lời: “Có rừng nhưng ít người có tiền để mua cây giống, nên có người để đất hoang, có người bán bớt rừng, có người phải làm thuê cho những người ngoài thị tứ. Như thằng In khai hoang tới 15ha, nhưng 5 - 6 năm trời phải cặm cụi làm thuê trên đất của nó. Bà Quyền ở ngoài thị tứ bảo thằng In góp đất, bà góp cây con. Rồi bà thuê thằng In trồng, chăm sóc, phát chồi kiêm luôn bảo vệ, đến khi nào khai thác, lời lãi chia đôi. Vậy nhưng, vụ rồi mới thu hoạch keo, bà Quyền nói lỗ quá, thế là thằng In đành chịu. Tưởng sau vụ vừa rồi, thằng In ngộ ra nhưng bây giờ nó lại làm thuê cho bà Quyền, để trồng vụ keo mới đấy”.

Anh Phạm Văn In làm thuê trên chính mảnh đất rừng được giao. Ảnh: HÀ MINH

Anh Phạm Văn In làm thuê trên chính mảnh đất rừng được giao. Ảnh: HÀ MINH

Theo lời chỉ dẫn của trưởng thôn, chúng tôi cuốc bộ đến rẫy của Phạm Văn In khi anh đang lom khom trồng những cây keo con. In kể: “Mình làm chỉ có “hợp đồng miệng”, mình khai hoang, góp đất rừng mà Nhà nước cấp để cùng làm ăn. Thu hoạch, keo bán xong, bà Quyền nói sao nghe vậy, chứ mình có biết tính toán gì đâu. Bây giờ bà nói làm tiếp thì mình làm thôi, chứ không làm, cái bụng đói lắm, không chịu được”. Rời Nước Ui, chúng tôi sang thôn Măng Đen (cũng thuộc xã Ba Vì).

Cũng làm thuê như anh In nhưng chị Phạm Thị Bu (20 tuổi) chẳng có mét đất rừng nào. Bu nói từng tiếng nhỏ: “Cha mình cũng được cấp đất rừng nhưng ông đã bán lấy tiền tiêu xài hết. Bây giờ mình phải đi làm thuê quanh năm. Đến mùa trồng rừng, ai kêu đi phát dọn, trồng keo mình đều đi làm. Mỗi ngày được 50.000 - 60.000 đồng cũng đủ để cả nhà qua bữa”. Nói xong, Bu gói cơm, đùm túm thêm chai nước, rồi ngược lên rừng.

Doanh nghiệp “lãnh” sổ đỏ

Gần 10 năm trở lại đây khi cây keo có giá, phong trào trồng keo lai đã rộ lên ở huyện miền núi Ba Tơ. Đất rừng có giá, những người có của ăn của để ngoài thị trấn, thị tứ lục tục vào làng hỏi mua đất mì, mua không được thì kêu gọi “hợp tác” làm ăn. Trước lời cám dỗ bán rừng sẽ có nhà, có xe mới, nhiều đồng bào không cầm lòng. Vì thế, không ít mảnh rừng đã sang tên đổi chủ. Trưởng thôn Măng Đen Phạm Văn Linh nói: Dù mình đã tuyên truyền bà con phải giữ đất, giữ rừng, nhưng không ít người vẫn bán bớt rừng để mua trâu, mua bò. Có người xây nhà, sắm xe... Bán đất, bán rừng xong, họ lại trở thành người làm thuê cho chính những người mua rừng.

Phó Chủ tịch UBND xã Ba Bích Phạm Văn Chiêng giải thích thêm: Tổ làng Diều (thuộc thôn làng Mâm) là địa bàn nghèo nhất xã Ba Bích. Cả 32 hộ đều thuộc diện hộ nghèo. Nơi này, mùa mưa muốn vào đến tận nơi chỉ có cách lội bộ. Đường đến xa xôi cách trở là thế nhưng đất rừng cũng chẳng yên.

Anh Phạm Văn Đở, một người dân ở làng Diều, kể: Để mưu sinh, các hộ dân trong vùng khai hoang đất để làm lúa, trồng mì. Vùng đất này ngày xưa um tùm lắm, phải bỏ công vất vả hàng tháng trời bà con mới có đất canh tác. Nhưng đất xấu quá, trồng lúa, mì thu hoạch chẳng bằng công bỏ ra. Dù vậy, hàng năm vẫn phải làm chứ lấy gì mà sống?”.

Cách đây 2 năm, Đở và các hộ dân làng Diều chuyển sang trồng keo lai khi có người tên Ph. ở thị trấn cho mượn tiền mua cây keo giống để trồng. Họ hăm hở trồng keo, với kỳ vọng cây keo sẽ mang lại cho họ cuộc sống khấm khá hơn. Khi những cây con được 1, 2 năm tuổi, người làng Diều mắt ngắn, mắt dài ngơ ngác khi thấy nhân viên của Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ lên lấy đất ngon ơ.

Bức xúc, các hộ dân của tổ hỏi lãnh đạo xã và được trả lời: “Đất đó đã được cấp sổ đỏ cho Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ”. Mất đất rừng cho chính tay mình khai khẩn, nhưng người dân làng Diều đành cam chịu, rồi họ lại trở thành người làm thuê. Người thuê họ chính là công ty lâm nghiệp. Đàn ông, họ trả công 70.000 đồng/người/ngày, phụ nữ ít hơn. Cứ thế, họ làm theo ngày công, được ngày nào hay ngày đấy.

Thực tế hiện nay, đồng bào thiểu số đã được cấp đất rừng, giao sổ đỏ hẳn hoi nhưng họ không có tiền đầu tư trồng rừng, hoặc sản xuất kém hiệu quả, phải bán lại cho người khác. Mất đất, dân phải đi làm thuê và họ trở nên nghèo. Chưa sống được bằng rừng đã phải bán đất để ăn, để tiêu xài, dân lại tiếp tục du canh và biết đâu, họ lại… phá rừng?!

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục