Lấn chiếm hành lang ATGT trên QL1A - Báo động đỏ

Lấn chiếm tràn lan
Lấn chiếm hành lang ATGT trên QL1A - Báo động đỏ

Tuyến QL1A đoạn qua địa bàn các tỉnh, thành miền Trung được xem là trục giao thông huyết mạch của cả nước. Tuy nhiên, vài năm gần đây, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (HLATGT) trên tuyến đường này xảy ra hết sức nghiêm trọng, trở thành vấn nạn từ năm này qua năm khác...

Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên tuyến QL1A đoạn qua các tỉnh, thành miền Trung đã trở thành vấn nạn.

Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên tuyến QL1A đoạn qua các tỉnh, thành miền Trung đã trở thành vấn nạn.

Lấn chiếm tràn lan

Theo khu Quản lý đường bộ V, trong 8 tuyến đường do đơn vị này quản lý, tuyến QL1A đoạn qua các tỉnh, thành miền Trung có đến 495 trên tổng số 906 điểm vi phạm lấn chiếm HLATGT. Tình trạng hàng quán, nhà cửa của người dân, chợ tự phát và cả những công trình của nhà nước đua nhau lấn chiếm HLATGT xảy ra như cơm bữa.

Tại khu vực chợ Mới Ba Xã (thuộc xã Hòa Phước, Hòa Vang, Đà Nẵng), cảnh tượng từng đoàn xe tải, xe khách nhích từng mét một đi qua làm giao thông hết sức hỗn độn. Cứ tầm từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối, hàng trăm người buôn bán nhỏ tràn ra đường, bày bán đủ loại hàng hóa đã làm cho làn đường vốn nhỏ hẹp càng chật chội hơn. Anh Lê Văn Hồng, lái xe khách tuyến Đà Nẵng - Bình Định, cho biết mỗi khi qua đoạn đường chưa đầy 50 mét này nhưng phải mất đến hơn 10 phút. Lượng xe đông trong khi lòng đường bị chiếm dụng hết nên cánh tài xế rất vất vả. Không những thế, khi qua khu vực này, phụ xe phải nhảy xuống dẫn đường, nếu không rất dễ gây tai nạn. Những chợ tự phát kiểu này mọc lên như nấm suốt tuyến đường từ Đà Nẵng đến Bình Định.

Trung tá Lê Minh Đương, Trạm phó Trạm CSGT cửa ô Hòa Phước (Đà Nẵng), cho rằng: Chỉ tính riêng đoạn đường dài chưa đầy 15km có đến 4-5 điểm lấn chiếm HLATGT. Đặc biệt tại những khúc cua, hàng quán, che hết tầm nhìn người điều khiển phương tiện giao thông nên tai nạn luôn rình rập. Chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng giải tỏa, nhưng được một hai hôm vẫn y như cũ.

Tình trạng lấn chiếm HLATGT càng trở nên nghiêm trọng hơn khi đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Đặc biệt 2 địa phương Phú Yên và Khánh Hòa, mỗi địa phương đang tồn tại trên 100 điểm vi phạm chưa được xử lý. Trong khi 495 điểm lấn chiếm HLATGT trong năm 2011 vẫn chưa được xử lý thì riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, trên tuyến QL1A đoạn từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có thêm 177 điểm mới phát sinh.

Theo ông Lê Đức Vỹ, Trưởng Ban thanh tra đường bộ III (Thanh tra Tổng Cục đường bộ VN), hầu hết các trường hợp vi phạm HLATGT trên tuyến QL1A do người dân lấn chiếm để làm nhà cửa, hàng quán. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp đối tượng vi phạm chính là các cơ quan nhà nước, các công ty, các dự án của huyện, tỉnh. Điều này chứng tỏ việc vi phạm HLATGT trên tuyến QL1A đã trở thành vấn nạn.

Chính quyền vi phạm, ai xử?

Trong Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ nêu rõ: “Giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức giải tỏa dứt điểm trước ngày 30-3-2009 các trường hợp lấn chiếm đất HLATGT đường bộ các quốc lộ trên địa bàn trong phạm vi đã được đền bù, xử lý; Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm về việc cưỡng chế, phá dỡ các công trình trái phép trên hành lang an toàn quốc lộ; xử lý kỷ luật Chủ tịch UNBD cấp huyện, cấp xã nếu để tái lấn chiếm HLATGT; những trường hợp cố tình vi phạm phải truy cứu trách nhiệm hình sự…”.

Ông Lê Đức Vỹ, cho rằng nghị quyết của Chính phủ nêu rõ như thế, nhưng từ đó đến nay chưa có chủ tịch UBND huyện nào đã bị kỷ luật, chứ đừng nói đến truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi tình trạng tái lấn chiếm, lấn chiếm mới HLATGT trên tuyến QL1A ngày một tăng cao. Trong năm 2011, Đội Thanh tra đường bộ (thuộc Ban thanh tra đường bộ III) đã phối hợp kiểm tra phát hiện và lập hồ sơ 528 vụ công trình xây dựng vi phạm HLATGT trên các tuyến quốc lộ thuộc phạm vi quản lý của Khu Quản lý đường bộ V, chuyển hồ sơ vi phạm đề nghị cơ quan chức năng các địa phương xử lý. Thế nhưng, chỉ có 49 công trình được cưỡng chế hoặc người dân tự tháo dỡ; 479 công trình còn lại không được các cơ quan địa phương xử lý, giải quyết triệt để. Vì thế, vi phạm HLATGT trên các tuyến quốc lộ vẫn tồn tại dai dẳng.

Một cán bộ Khu Quản lý đường bộ V cho rằng trong những năm gần đây, tình trạng lấn chiếm HLATGT trên QL1A xảy ra nghiêm trọng chủ yếu tập trung vào những hành vi san lấp mặt bằng trái phép để xây dựng nhà cửa, cây xăng, quán ăn… Đây là những công trình quy mô, nếu không có sự “bật đèn xanh” của chính quyền cấp xã, huyện làm sao người ta làm được. Ví dụ như trên tuyến tránh QL1A qua thị trấn Vĩnh Điện (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) có 2 trường hợp xây dựng cây xăng dầu vi phạm HLATGT từ năm 2008, Thanh tra đường bộ đã ra quyết định xử phạt, chuyển hồ sơ vi phạm cho chính quyền địa phương xử lý. Nhưng từ đó đến nay đã hơn 4 năm quyết định vẫn là quyết định.

Điều đáng nói hơn cả, ngay chính quyền địa phương cũng cố tình vi phạm bằng việc thành lập các dự án, san lấp mặt bằng trong HLATGT đường bộ để phân lô bán nền. Theo ông Vỹ, tình trạng này hầu như huyện nào có tuyến QL1A đi qua cũng vi phạm. Bất cập ở chỗ, UBND cấp huyện, xã có trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm HLATGT nhưng không ít vị trí vi phạm lại do chính cấp huyện, xã làm chủ đầu tư. Lực lượng thanh tra đường bộ khi phát hiện vi phạm đề nghị chính họ đi xử lý họ, liệu rằng có khả thi? Với những tồn tại, bất cập trong phân cấp quản lý, xử lý vi phạm như hiện nay thì tình trạng lấn chiếm HLATGT trên QL1A cứ thế tiếp diễn và không biết đến khi nào chấm dứt. Thiết nghĩ, các bộ, ngành chức năng, đặc biệt UBND các tỉnh, thành phố cần phải quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo chính quyền cấp huyện, xã thực hiện nghiêm Nghị quyết 32 của Chính phủ thì may ra tuyến QL1A mới trở nên thông thoáng, an toàn.

Nguyễn Hùng

Tin cùng chuyên mục