“Làn điệu phương Nam” - Hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

“Làn điệu phương Nam” - Hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Hòa trong không khí chung của cả nước nô nức tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm Tổ chức biểu diễn của Nhạc viện TPHCM phối hợp với Khoa Âm nhạc dân tộc thực hiện chương trình biểu diễn “Làn điệu phương Nam”, diễn ra vào tối 12-6 tại Nhạc viện thành phố.

Đây là chương trình trọng điểm được các giảng viên, sinh viên nhạc viện ráo riết chuẩn bị và tập luyện trong 2 tháng qua để hoàn thành và trình diễn một đêm nhạc dân tộc phục vụ công chúng thành phố.

Trong chương trình này có 8 tiết mục đặc biệt được dàn dựng để tham gia “Liên hoan ca múa nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Liên hoan do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức tại Nhà hát Trưng Vương - Đà Nẵng, khai mạc vào ngày 22-6 và kết thúc vào ngày 27-6-2010.

Sinh viên khoa Âm nhạc dân tộc biểu diễn phục vụ khán giả trước Nhà hát thành phố. Ảnh: TH.BÌNH

Sinh viên khoa Âm nhạc dân tộc biểu diễn phục vụ khán giả trước Nhà hát thành phố. Ảnh: TH.BÌNH

Trong đêm diễn “Làn điệu phương Nam”, khán giả yêu nhạc truyền thống dân tộc sẽ được thưởng thức những làn điệu dân ca, cổ nhạc quen thuộc của nhiều vùng miền như: Về quê (Phó Đức Phương), Quê tôi giải phóng (Đức Nhuận), Dâng trà (nhạc lễ Nam bộ), Bình bán vắn, Sương chiều – Tú anh (nhạc tài tử cải lương Nam bộ), Vợ chồng làm biếng (dân ca Nam bộ)... bên cạnh những tác phẩm độc đáo Bản hòa tấu số 1 viết cho dàn nhạc dân tộc, ngũ tấu Quê mẹ… được các nghệ sĩ cùng sinh viên, dàn nhạc Khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TPHCM trình diễn.

Thầy Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TPHCM, chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng thực hiện thật tốt chương trình này nhằm giới thiệu đến công chúng bộ môn âm nhạc dân tộc với nhiều loại hình âm nhạc truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đó cũng là một cách giúp sinh viên của khoa có cơ hội thể hiện tài năng, bản lĩnh, có thêm kinh nghiệm biểu diễn trên sân khấu”.

Trong những năm qua, nhiều lớp sinh viên tốt nghiệp tại khoa đã ra trường, bổ sung vào đội ngũ các nhạc sĩ, nghệ sĩ, giảng viên âm nhạc tại TPHCM cũng như ở các tỉnh thành phía Nam. Không chỉ thế, họ còn tham gia các hoạt động giảng dạy, biểu diễn, giao lưu, giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới.

Thúy Bình

Tin cùng chuyên mục