
Những năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng trưởng mạnh. Dự báo, làn sóng này sẽ tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Vốn ngoại tiếp tục đổ vào Việt Nam
Dù nền kinh tế Việt Nam những năm qua tăng trưởng còn thấp, nhưng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài; cùng với triển vọng kinh tế trung và dài hạn được dự báo là có tín hiệu tích cực, Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư (NĐT). Minh chứng rõ nhất là trong nửa đầu năm 2014, ngành da giày đón nhận làn sóng dịch chuyển đơn hàng của các nhà sản xuất nổi tiếng như Nike, Adidas…, cũng như ý định xây nhà máy để làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Intel, Nokia tiếp tục đầu tư hàng tỷ USD để mở rộng dây chuyền sản xuất tại Việt Nam. Tháng 7 vừa qua, dự án Samsung Display đầu tư vào KCN Yên Phong (Bắc Ninh), chuyên sản xuất các loại màn hình có độ phân giải cao, với vốn đầu tư 1 tỷ USD, đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Cuối tháng 7, Tập đoàn Intel công bố sản phẩm mới - bộ vi xử lý CPU Haswell và Việt Nam là nơi sản xuất tới 80% bộ vi xử lý hiện đại này cho thị trường toàn cầu.

Sản xuất tại Công ty TNHH Rohto Việt Nam thuộc KCN VSIP 1, tỉnh Bình Dương.
Ngoài dòng vốn đầu tư trực tiếp, thời gian gần đây dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam cũng trở nên sôi động, nhất là hoạt động mua bán và sáp nhập. Cụ thể, tại Việt Nam giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập đã tăng từ 1 tỷ USD (năm 2008) lên 5 tỷ USD (năm 2013). Theo đánh giá của các chuyên gia, trong giai đoạn 5 năm tới, sự phục hồi của nền kinh tế cùng quá trình cải cách thể chế, chương trình cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, sự trỗi dậy của các công ty tư nhân, sự quan tâm của dòng vốn ngoại đối với các cơ hội đầu tư và mua bán sáp nhập tại Việt Nam đang hình thành nên một làn sóng mua bán và sáp nhập thứ hai, với quy mô giá trị ước tính lên tới 20 tỷ USD.
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đến nay, FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp khoảng 19% GDP, 67% kim ngạch xuất khẩu, trên 14% tổng thu ngân sách. Về đầu tư gián tiếp, hiện đã có trên 17.000 tài khoản của các NĐT nước ngoài mở tại Việt Nam. Nhiều quỹ đầu tư, NĐT lớn trên thế giới đã đầu tư vào thị trường chứng khoán và trở thành cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tháo gỡ rào cản
Nhận định về xu hướng đầu tư vào Việt Nam thời gian tới, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư, Tập đoàn VinaCapital cho rằng, hiện nay, Việt Nam có nhiều yếu tố để vượt ra khỏi sự ổn định, tiến đến tính cạnh tranh. Đó là môi trường thị trường vốn đã được cải thiện đáng kể nhờ sự ổn định bền vững trở lại của kinh tế vĩ mô. Mặt khác, cam kết đầu tư nước ngoài vẫn mạnh mẽ. Các doanh nghiệp FDI hoạt động tốt, ước tính đóng góp 60% tổng giá trị xuất khẩu. Samsung đã thông báo khoản đầu tư đầu tiên của hãng tại miền Nam trị giá 1 tỷ USD để đa dạng hóa sản phẩm ngoài điện thoại di động và thiết bị điện tử. Hãng này cũng ký kết các thỏa thuận để đầu tư thêm 2 tỷ USD vào các nhà máy hiện hữu tại miền Bắc. Ngoài ra, NĐT nước ngoài phản ứng lạc quan trước đề xuất nâng trần sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết từ 49% lên 60%. Việc ký kết Hiệp định TPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu sẽ là những chất xúc tác tích cực. Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa tại Việt Nam đã đạt được một bước tiến đáng kể.
Triển vọng thu hút dòng vốn đầu tư vào Việt Nam thời gian tới là rất đáng quan tâm, nhưng theo các chuyên gia, để thu hút được nhiều NĐT, nhất là NĐT chất lượng thì Việt Nam cần sớm tháo gỡ các rào cản vốn đang tồn tại lâu nay. Theo ông Andy Ho, hiện nay có một số quan ngại đối với NĐT nước ngoài khi tham gia đầu tư ở Việt Nam, đó là sự yếu kém trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước lớn; sự ảnh hưởng từ việc tháo dỡ các rào cản thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do. Thiếu nguồn lao động chất lượng, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Giá nhân công hiện khá thấp nhưng đang có xu hướng tăng lên. Khối ngân hàng vẫn có tỷ lệ nợ xấu cao, hạn chế doanh nghiệp tiếp cận tín dụng và tăng trưởng.
Theo ông John Ditty, Tổng giám đốc KPMG Việt Nam & Campuchia, khuyến nghị, để làn sóng đầu tư không chỉ là một “gợn sóng” cần xử lý những yếu kém trong quản trị doanh nghiệp. Mặt khác, tăng cường tính minh bạch, trung thực và hạn chế các thông lệ không phù hợp và trái đạo đức. Các kỳ vọng định giá, thẩm định giá cần phải hợp lý và có thể chứng minh được. Chính phủ cần thúc đẩy việc thực hiện các chính sách đã công bố. Đồng quan điểm này, ông Alan Phan, Giám đốc điều hành Alan Phan Associates (APA) cho rằng, Việt Nam muốn thu hút những NĐT chất lượng thì không chỉ cơ chế phải thoáng, rộng mở, điều quan trọng nhất NĐT quốc tế cần là sự minh bạch, trung thực.
GIANG ĐÌNH