
Thuận Hưng là làng lúa nằm giữa một huyện đứng đầu toàn quốc về tổng sản lượng lúa cấp huyện mỗi năm: huyện Thốt Nốt (TP Cần Thơ). Thốt Nốt có tới 80% lúa đạt tiêu chuẩn làm gạo xuất khẩu. Giá lúa bao phen thăng trầm nhưng hạt gạo Thuận Hưng trăm năm qua vẫn dẻo thơm. Chính nơi đây nghề làm bánh tráng đã đi vào biên niên sử của làng!

Bánh tráng Thuận Hưng (Thốt Nốt - TP Cần Thơ).
Phụ nữ Thuận Hưng biết tráng bánh từ năm lên mười. Thím Ba Tảo nói: “Gạo nào của đất Thuận Hưng làm bánh cũng ngon, nhưng để có cái bánh tráng ngon thì gạo phải không mới, không cũ. Từ khi gặt về đem ví bồ cho tới khi chà gạo khoảng 6 tháng là vừa đẹp!”.
Thím giải thích: gạo mới quá thì nhúng nước bánh bị rã bết, nướng không giòn đều; gạo cũ quá nhúng nước bánh gãy, nướng thì xốp nhưng không giữ được vị thơm ngọt.
Về làng bánh Thuận Hưng, trực tiếp cầm một cái bánh vừa mới tráng mà soi trước ánh mặt trời các bạn sẽ cảm phục các má, các chị vô cùng: lá bánh trong ngừ mịn màng đồng nhất không một vết trấu, lức vì gạo được chọn lựa, sàng sảy, ngâm, vo, xay, lọc, lắng… tỉ mỉ công phu!
Các má, các chị tráng bánh; các em trai phơi bánh. Phơi bánh cũng là nghệ thuật bởi phải “canh nắng” sao cho khô đều mà bánh không cong vênh, nứt mặt. Má Út Mười Tư cười móm mém: “Má được giao việc tráng bánh từ năm mười tuổi. Thu nhập từ làm bánh tráng hiện giờ chỉ chừng 20.000đ/người/ngày nhưng mấy má con, chị em quây quần chịu khó thì hổng lo chi chuyện nghèo ngặt. Nhớ lời bà ngoại má dạy: Học tráng bánh còn là học cái “hạnh”. Vì làm nghề này phải chu đáo, nhẫn nại, nói ít, nhìn và lắng nghe nhiều… Lâu ngày cách ngồi, đi đứng, nói năng, xử sự của phụ nữ trong nghề đều điềm tĩnh, thong dong; nóng giận cách mấy cũng biết kiềm chế!”.
Má Út Mười Tư cho chúng tôi dĩa bánh tráng nóng hổi và chén nước tương dằm ớt sừng trâu. Ngon quá là ngon nhưng chúng tôi “kiềm chế” không dám ăn tốc hành kiểu “nhà – báo – nhà - beo”. Má cười: “Ừ, phụ nữ ăn từ tốn vậy là “hạnh”đó nha!”.
ĐÔNG HÀ