
(SGGP).- Xã Tân Phú Trung (huyện Châu Thành) và xã Tân Phú Đông (thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp) là những làng nghề làm bột nổi tiếng, có lịch sử khá lâu đời với truyền thống “cha truyền con nối”. Cách đây vài mươi năm ở thế kỷ trước, bột gạo, bột nếp hiệu “Con nai” đã làm vinh danh đất Sa Đéc. Ngày nay các loại bột và sản phẩm làm từ bột của Sa Đéc vẫn là một thương hiệu đáng tin cậy với khách hàng nhiều nơi.
Anh Mai Văn Sáu ở ấp Tân Thuận xã Tân Phú Trung làm ăn khấm khá nhờ nghề làm bột truyền thống. Mỗi ngày anh Sáu sử dụng chừng 150kg gạo nguyên liệu (thường là tấm số 1 hoặc 2) và cho ra 100kg bột thành phẩm và sau khi trừ chi phí anh còn lãi 150 đồng/ngày.
Một mối lợi khác của nghề làm bột là dùng cặn bột để nuôi heo rất hiệu quả. Heo ăn cặn bột cho chất lượng thịt rất tốt. Trại heo nhà anh Sáu thường xuyên có đàn heo thịt từ 50 con đến 100 con. Cả khu vực anh có hàng trăm hộ làm nghề sản xuất bột sơ chế và nuôi heo. Có hộ nuôi hàng trăm con. Làm bột gắn liền với nuôi heo đã giúp cho bà con xã Tân Phú Trung không chỉ thoát nghèo mà còn có nhiều hộ làm bột trở nên khá giả.

Những mẻ bột gạo của anh Sáu đang chờ thương lái đến mua. Ảnh: M.L.
Ở Tân Phú Trung còn có hộ các ông Trần Văn Tư, Nguyễn Văn Nở (ấp Tân Lập) và rất nhiều bà con làm nghề sản xuất bột, chăn nuôi heo rất hiệu quả. Chính quyền địa phương huyện Châu Thành cũng đã có nhiều hỗ trợ để làng nghề như cho vay vốn ưu đãi để đầu tư đổi mới trang thiết bị, tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý nguồn nước trước và sau quy trình sản xuất. Ưu đãi về thuế, nhờ vậy mà làng bột ở xã Tân Phú Trung đã ngày càng phát triển.
Nhờ nghề làm bột gạo mà trong nhà hai vợ chồng anh Sáu đầy đủ tiện nghi không thua gì các nhà khá giả ở chợ - xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, đầy đủ. Các con của anh Sáu, chị Hương đều được học hành tử tế và có công ăn việc làm ổn định.
Bột gạo là một nguyên liệu chủ yếu không thể thiếu được trong văn hóa ẩm thực Việt Nam cũng như một số nước châu Á. Từ bột gạo người ta làm ra bánh tráng, bún, bánh phở, hủ tiếu, bánh ướt, bánh bò và hàng chục loại bánh khác. |
Ở xã Tân Phú Trung còn có nghề làm bánh phồng tôm. Bánh phồng tôm Sa Giang của Sa Đéc cũng là một thương hiệu nổi tiếng. Từ con tôm nước ngọt như tôm tích, tép bạc, tép mòng, tép ròng... qua bàn tay chế biến khéo léo của người Sa Đéc đã trở thành bánh phồng tôm Sa Giang, sản phẩm truyền thống đặc trưng.
Những chiếc bánh hình tròn, gọn, cỡ lòng bàn tay, có màu vàng gạch non nhạt của thịt tôm xay nhuyễn, khi chiên phồng lên, cắn một miếng, bánh tan trong miệng với hương vị thơm nồng mùi thịt tôm, cay cay, béo đặc trưng.
Ngày nay bánh phồng tôm Sa Đéc hầu như có mặt khắp nơi trong nước trên những bàn tiệc sang trọng, trong những dịp lễ, giỗ, tết. Bánh phồng tôm của các làng nghề Sa Đéc còn là một thương hiệu uy tín và có chỗ đứng ổn định trên thị trường của các nước EU, Bắc Mỹ và Đông Á.
Đến với làng bột Tân Phú Trung bên “rạch Cần Thơ” thuộc huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp chúng ta khám phá thêm nhiều điều hấp dẫn từ hạt lúa của đồng đất, quê hương đồng bằng sông Cửu Long.
Mai Lý