10 mỏ đá, 2 nhà máy gạch, 1 nhà máy than cùng một số nhà máy bê tông nằm bao quanh hai ngôi làng Phước Hậu và Phước Thuận (Hòa Nhơn – Hòa Vang – Đà Nẵng) khiến nơi đây quanh năm ngập ngụa trong khói bụi, tiếng ồn, ruộng đất bị phủ kín bởi bụi đá đành bỏ hoang. Giờ đây, 2 ngôi làng chẳng khác nào… vùng đất chết.
Trong những ngày mùa hè nắng rát, con đường dài gần 3km nối từ QL 14B vào Phước Thuận ngập trong bụi bởi hàng chục chiếc xe ben chở đất đá nối đuôi nhau ra vào. Nắng nóng cộng với bụi đất đá bay mù mịt càng làm không khí ở đây ngột ngạt, khó thở. Nhà cửa 2 bên đường cửa đóng kín mít, cả khu vực bị phủ một lớp bụi xám xịt.
Đang lúi húi lau dọn bàn thờ chuẩn bị đám giỗ mẹ, ông Đặng Khôi (đội 5, thôn Phước Thuận) bức xúc: “Chỉ cái bàn thờ thôi mà tôi lau dọn cả buổi chưa xong. Bụi phủ kín tất cả. Lau xong, quay lại thì bụi đã bám vào. Ngay bữa cơm ăn cũng không ngon miệng vì bụi. Mỗi ngày, chúng tôi phải quét nhà, lau bàn, tủ cả chục lần, nhưng cứ như dã tràng xe cát. Sống thế này sao chịu nổi!”.
Vào sâu trong làng Phước Hậu đúng giờ trưa, giờ chuẩn bị nổ mìn khai thác đá. Cái nắng như thiêu như đốt cộng với tiếng chát chúa của mìn phá đá làm cho nơi đây chẳng khác nào vùng chiến sự. Mìn nổ xong bụi bay mù trời, gặp gió thổi hết xuống làng, dân ở đây hít cả.
Phước Thuận hay Phước Hậu giờ đây cây cỏ xác xơ, lúa trổ đòng nhưng toàn hạt lép, chuối trồng lên cũng bị khô hơn phân nửa. Mấy hộ dân sống dưới hành lang đường điện 500kV giờ đã di dời, nhà hoang đập bỏ càng khiến hai ngôi làng càng thêm xơ xác. Ông Lê Mẫn (Phước Hậu) nói: “Quanh nhà toàn bụi, ăn cũng bụi, giặt quần áo không dám phơi vì bụi?”.
Nghiêm trọng hơn cả là tình trạng mất đất sản xuất khiến hàng chục hộ dân hai thôn Phước Thuận và Phước Hậu như lâm vào cảnh khốn cùng. Người cố bám làng với những sào đất hiếm hoi sót lại, kẻ tha hương vào Nam lập nghiệp. Hai ngồi làng giờ đây mất hẳn nét hoang sơ tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho thung lũng dưới chân núi này.
Ông Lưu Sự, Trưởng thôn Phước Hậu, cho hay có khoảng 60 hộ dân, với diện tích đất canh tác chủ yếu trồng lúa khoảng 15ha, nhưng giờ do ô nhiễm nguồn nước, đất từ các mỏ đá, lò gạch, thêm nước than đổ xuống đen kịt, bồi lấp nên cả thôn chỉ còn lại khoảng 8ha mà sản lượng liên tục giảm.
Cách đây 4 – 5 năm, ngọn núi Phước Tường xanh mơn mởn, sừng sững đứng trấn một góc Đà Nẵng. Nhưng giờ đây, chẳng khác nào một đại công trường loang lổ với hàng chục điểm bị cày xới không thương tiếc.
Mỏ đá của DNTN Huỳnh Đức May nằm ngay trên đầu thôn Phước Hậu. Hàng ngày có gần 100 công nhân hì hục đục khoét, lôi những tảng đá hàng tấn ra ngoài để đưa vào máy xay, máy nghiền. Hiểm nguy luôn rình rập đối với những công nhân tại đây.
Anh Tuấn (nhà ở thôn Phước Hậu), đang làm công nhân tại đây, cho biết: Đất ruộng mất hết nên đành vào đây xin làm công nhân. Ngày nào cũng hít cái thứ bụi đá này nên sức khỏe ngày càng kém đi. Nhưng sợ nhất vẫn là mỏ đá sập đè chết bất cứ lúc nào. Năm 2007, tại đây đã từng xảy ra vụ sập mỏ đá làm 3 người chết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đền bù cho việc mất mùa, mất đất sản xuất, các doanh nghiệp ở đây đã có động thái hỗ trợ cho người dân, nhưng xem ra chẳng thấm tháp. Mỗi sào ruộng chỉ được hỗ trợ 500.000 đồng.
Ông Nguyễn Đăng Dự, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, thừa nhận cuộc sống người dân và môi trường thôn Phước Hậu và Phước Thuận đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi 10 mỏ đá, 2 nhà máy gạch tuy nen, 1 kho than và một công ty bê tông. Phần lớn diện tích ruộng lúa ở đây bị hoang hóa và bồi lấp. “Người dân ở đây rất bức xúc và chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần lên huyện, lên thành phố, nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết. Nghe đâu thành phố có chủ trương quy hoạch nơi đây thành cụm công nghiệp nhẹ, nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì” - ông Dự nói.
Như vậy, cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây phải tiếp tục hứng chịu nạn ô nhiễm nghiêm trọng không biết đến khi nào. Và tiếng kêu cứu của người dân vẫn tiếp tục vang vọng trong cái thung lũng đầy khói bụi và tiếng ồn.
Nguyễn Hùng