Nếu ai chưa một lần đặt chân đến Trường Sa, khó có thể hình dung được ở trên đảo cách đất liền trên 500km lại có thể nghe được tiếng bi bô của trẻ con, tiếng gà gáy hay tiếng ụt ịt của đàn heo… Ở Trường Sa giờ đây đã hình thành nên những làng đảo, xã đảo thu hút người dân ra lập nghiệp, vừa để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, vừa phát huy thế mạnh kinh tế biển.
Làng chài Trường Sa
Lần đầu tiên đặt chân đến xã đảo Song Tử Tây (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), cũng là lúc hoàng hôn buông xuống nhìn trên đảo lung linh ánh điện như một khu phố hiện đại trên đất liền. Chị Nguyễn Thị Chí, Chủ tịch Hội LHPN xã Song Tử Tây tình nguyện đưa chúng tôi đến tham quan khu dân cư trên đảo. Xóm dân cư trên đảo là những dãy nhà ngói đỏ nằm dưới những tán bàng vuông.
Ghé hộ gia đình anh Hồ Dương, một ngư dân trẻ trên đảo, anh Dương hồ hởi khoe vừa trúng đậm một mẻ lưới nên về sớm. “Những ngày qua, biển lặng, ngư dân trúng lớn nên số hải sản thu được vừa phơi dự trữ, vừa bán cho bộ đội. Một mình đi biển, ở đất liền thì ngư dân gọi là đánh bắt xa bờ, nhưng ở đây là chúng tôi đánh bắt gần bờ, thậm chí gần nhà. Vợ làm công nhân viên quốc phòng, con đi học, kinh tế gia đình tuy chưa thật sung túc nhưng đầy đủ, hạnh phúc”, anh Dương cho biết.
Ở đây, mỗi hộ đều ở trong những căn nhà mái ngói có diện tích trên 100m², có phòng khách, phòng ngủ, bếp, khu vệ sinh khép kín cùng với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như tủ lạnh, ti vi, bàn ghế, giường tủ, thông tin liên lạc… Ngoài khai thác hải sản, mỗi hộ dân trên các xã đảo còn một mảnh vườn nho nhỏ để trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thu nhập và cải thiện bữa ăn.
Gia đình anh Trần Văn Dũng ở xã đảo Sinh Tồn vừa đi biển đánh bắt hải sản, vừa làm vườn, nuôi đàn vịt đẻ lấy trứng. Anh còn tham gia đội dân quân tự vệ sẵn sàng chiến đấu trên đảo. “Các hộ ngư dân trên đảo được chính quyền địa phương cấp một số phương tiện đánh bắt hải sản cần thiết để đánh bắt cá, có bữa đi biển kiếm trên 100kg hải sản là chuyện thường. Từ khi có điện, nhiều hộ đã sắm thêm dàn karaoke để giải trí mỗi lúc rảnh rỗi hoặc những khi giao lưu với bộ đội”, anh Dũng khoe.
Một điểm chung của các hộ dân trên đảo là hộ nào cũng có con trẻ. Tại đảo Song Tử Tây, bé Hồ Song Tất Minh là thế hệ đầu sinh ra trên huyện đảo. Giờ đây, bé Tất Minh trên 2 tuổi và bập bẹ đã biết hát Khúc quân ca Trường Sa, nối tiếp thế hệ đi trước bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Tiến ra biển...
Có dân trên đảo, bộ đội có thêm “cánh tay” đắc lực là lực lượng dân quân. Các xã đảo đều thành lập phân đội dân quân. Anh Cao Văn Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn khẳng định, việc đưa người dân ra quần đảo Trường Sa lập nghiệp, làm ăn kinh tế góp phần xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo là chủ trương đúng đắn, mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, cần tiếp tục được tổ chức thực hiện, để có thêm nhiều xã đảo, làng đảo gắn kết quân - dân, nhân lên sức mạnh tổng hợp để vừa bảo vệ chủ quyền, vừa tham gia khai thác tiềm năng kinh tế biển, đảo.
Với tinh thần “Tiến ra biển, làm chủ biển và làm giàu từ biển”, Phó Đô đốc Trần Thanh Huyền, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân chủng Hải quân cho rằng, bảo vệ chủ quyền biển đảo và khai thác tiềm năng kinh tế biển là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trong đó lực lượng hải quân làm nòng cốt. Do đó, phải huy động được sức mạnh của toàn dân tộc trong việc đầu tư nâng cao sức mạnh phòng thủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Nhiệm vụ của lực lượng hải quân là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đồng thời tham mưu cấp trên đề ra những quyết sách phù hợp để bảo vệ chủ quyền, khai thác có hiệu quả nguồn lợi từ biển, đảo. Bên cạnh đó, tổ chức tốt các hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển để thực sự là niềm tin, chỗ dựa cho ngư dân đánh bắt xa bờ.
Hiện nay, ngoài việc tạo điều kiện cho người dân định cư trên đảo, tại một số đảo cũng đã xây dựng các khu dịch vụ hậu cần nghề cá để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Điển hình là tại đảo Song Tử Tây đã xây dựng một âu tàu lớn đủ sức chứa hàng trăm tàu thuyền vào tránh trú bão. Những bồn cấp nước ngọt, cấp xăng dầu, trạm sửa chữa tàu thuyền cũng đã đi vào hoạt động, các bệnh xá trên các đảo đã được nâng cấp, dự án năng lượng sạch được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Hồ Thu
Nơi ầm ào sóng gió
Tôi thường háo hức về với đảo vào mùa biển động. Ở đất liền, ấy là những ngày “tháng tám trời thu xanh thắm”. Nhưng ở đảo, lính đảo thường gọi bằng cái tên thật gợi: Mùa mây. Mà thật! Khi mặt trời chưa ngoi lên mặt biển, mây trắng mịt mù như dâng lên từ muôn con sóng bạc đầu, giăng giăng khắp đảo, đậu cả lên vai, quấn quanh nòng súng người lính. Rồi chiều xuống, chẳng hiểu từ đâu, mây cứ cuồn cuộn kéo về giăng lũy, giăng thành lớp lớp chân trời…
Tôi đã gặp gỡ, quen thân với nhiều người lính đảo. Thường thì họ có chung gương mặt cương nghị, sạm nắng gió, dãi dầu biển mặn và có chung nỗi nhớ da diết đất liền. Một trong những người lính để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi là Nguyễn Ngọc Sơn, người xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Sơn đã về với đảo, ở lại với đảo gần 5 mùa biển động. Khi nghe tôi hỏi anh về nỗi nhớ, Sơn tâm tình: “Nhiều khi nỗi nhớ làm người ta mềm lòng. Nhưng với người lính đảo, nỗi nhớ càng da diết bao nhiêu càng cho chúng tôi chắc thêm tay súng”. Lời nói thật giản dị. Người lính sống nơi ầm ào sóng gió này vốn ăn sóng, nói gió nên rất giản dị khi nói về mình.
Nhìn Sơn, nhìn những người lính đảo đang ôm súng dõi mắt ra khơi xa tôi nghĩ: “Đó là nỗi nhớ của những đứa con dũng cảm về Mẹ - Tổ quốc mà bổn phận của họ - những người lính đảo - được giao sứ mệnh thiêng liêng trấn giữ cho Mẹ bình yên, cho vẹn tròn trung hiếu”. Một lần trên đảo Song Tử Tây, Nguyễn Ngọc Sơn rủ rỉ: “Ở đây xa đất liền thật. Nhưng chúng tôi hiểu rằng, đất liền gần lắm, ngay giữa trái tim mình. Bởi đảo là núm ruột của Mẹ - Đất liền. Núm ruột của đất mẹ nối dài ra biển khơi. Sứ mệnh của chúng ta là phải giữ gìn, bảo vệ núm ruột ấy để Mẹ yên lành. Phải không anh?”.
Tháng 8 năm nay, Nguyễn Ngọc Sơn trở về đất liền. Anh sắp được sống những ngày gần gũi hơn với cha mẹ, với người con gái anh yêu đang ngày đêm mong nhớ, đợi chờ. Nhưng những ngày này, biển đang động. Qua câu chuyện dài Sơn kể với tôi về hòn đảo của mình cứ như một điều nung nấu, như thể anh và đồng đội của anh được sinh ra trên hòn đảo vậy. Câu chuyện về những chuyến ra đảo giữ gìn đất đai cốt nhục non sông của những người lính Hải đội Hoàng Sa. Dù biết một đi không trở lại, họ vẫn kiên gan vượt trùng khơi bằng tấm lòng “trung quân, ái quốc”. Câu chuyện về người lính hôm qua ngẩng cao đầu trong mưa bom, bão đạn đế quốc Mỹ, bảo vệ từng tấc đất ngàn lần thiêng liêng cha ông để lại; câu chuyện về người lính hôm nay cần mẫn, kiên trung giữ gìn cho núm ruột Mẹ yên lành…
Và cũng như Nguyễn Ngọc Sơn, cũng như những người lính đảo, biết bao triệu con tim ngày đêm hướng về đảo, hướng về biển, nhớ về những người lính xưa và nay từng sống, chết cùng đảo như nhớ về những người ruột thịt của mình. Cũng như thế, tình người lính đảo - tình biển - tình đảo, mang hồn thiêng sông núi, mãi trường tồn trong trái tim Mẹ - Đất liền - Tổ quốc; mãi trường tồn với thời gian, trong trái tim mỗi người dân đất Việt.
Nguyễn Xuân Diệu