Làng Ho - Mơ ước đã thành

Tháng 5 năm 1971, từ Cự Nẫm (huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình), đơn vị tôi hành quân vào Trường Sơn. Trạm dừng chân đầu tiên trên Trường Sơn, chúng tôi được thông báo là địa bàn Làng Ho, làng biên giới cuối cùng của Việt Nam tiếp giáp với nước bạn Lào. Mặc dù chẳng nhìn thấy làng bản, cư dân ở đâu nhưng cái cảm giác lần cuối cùng còn được ở trên đất Mẹ, được hít thở không khí của Tổ quốc, khiến cái tên Làng Ho trở nên xúc động lạ thường...
Làng Ho - Mơ ước đã thành

Tháng 5 năm 1971, từ Cự Nẫm (huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình), đơn vị tôi hành quân vào Trường Sơn. Trạm dừng chân đầu tiên trên Trường Sơn, chúng tôi được thông báo là địa bàn Làng Ho, làng biên giới cuối cùng của Việt Nam tiếp giáp với nước bạn Lào. Mặc dù chẳng nhìn thấy làng bản, cư dân ở đâu nhưng cái cảm giác lần cuối cùng còn được ở trên đất Mẹ, được hít thở không khí của Tổ quốc, khiến cái tên Làng Ho trở nên xúc động lạ thường...

Trẻ em Làng Ho trong những túp lều tranh trước đây. Ảnh: D.M.P.

Trẻ em Làng Ho trong những túp lều tranh trước đây. Ảnh: D.M.P.

Tháng 4-2009, nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn và thành lập Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn, để chuẩn bị cho chuyến hành trình trở lại Trường Sơn, chúng tôi tìm tư  liệu lịch sử về Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, mới biết Làng Ho là căn cứ đầu tiên của Ban chỉ huy Tiểu đoàn 301 – bộ phận tiền phương của Đoàn 559 – làm nhiệm vụ vận tải gùi thồ đưa hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam; đưa bộ đội, cán bộ từ miền Bắc vào Nam và từ miền Nam ra Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Làng Ho luôn là một vị trí quan trọng, là điểm đầu tiên tập kết bộ đội và hàng hoá vận chuyển bằng xe cơ giới (năm 1962). Làng Ho cũng là điểm tập kết và xuất phát lực lượng cho chiến dịch đường 9 Nam Lào cuối năm 1970 đầu năm 1971...

Rất nhiều người lính Trường Sơn, khi nhắc đến Làng Ho đều không giấu được tình cảm, xúc động. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, một trong những chiến sĩ lái xe đến Làng Ho năm 1962, kể về ấn tượng đầu tiên với Làng Ho: “Từ hạt giao thông Vít Thù Lù, xe chúng tôi đi khoảng chục cây số đường rừng là tới một bãi đất bằng phẳng, ở đấy có một trạm biên phòng. Qua trạm biên phòng, xe ì ạch bò lên một con dốc khá dài. Kế dưới chân dốc bên kia có một bản của người dân tộc Vân Kiều, có tên là Làng Ho. Một dòng suối nhỏ chảy quanh làng, cây mít, cây chuối um tùm, trông rất nên thơ...”. Những kỷ niệm về Làng Ho, dù chỉ là một quãng ngắn trong 15 năm chiến đấu trên mặt trận Trường Sơn, nhưng tướng Hoàng Anh Tuấn vẫn không thể nào quên được.

Tháng 5-2009, sau khi kết thúc đợt tuyên truyền kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn, Báo Sài Gòn Giải Phóng phát động chương trình từ thiện mang tên Nghĩa tình Trường Sơn. Ngay những ngày đầu tiên, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân trong cả nước đã đăng ký tài trợ hơn 60 tỷ đồng để xây dựng nhà tình nghĩa, trạm xá và đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn... Tình cờ, trong danh sách các cựu chiến binh (CCB) Trường Sơn có hoàn cảnh khó khăn, do Bộ chỉ huy Biên phòng Quảng Bình lập, đề nghị Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn hỗ trợ nhà tình nghĩa, có một CCB quê quán: Làng Ho xã Kim Thủy huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình.

Và theo thông lệ, trước khi quyết định tài trợ, chúng tôi phải đi khảo sát. Tôi đã được trở lại Làng Ho như vậy. Giờ Làng Ho không còn xa ngái như trong trí nhớ của các CCB Trường Sơn. Từ Đồng Hới đi xe theo đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, rẽ vào đường 10 - nối nhánh Đông với nhánh Tây -  đến Làng Ho chỉ hơn 2 giờ đồng hồ. Làng Ho bây giờ nằm ngay trên nhánh Tây của đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa... Chúng tôi dừng xe trước ngôi trường phổ thông tiểu học, trong khuôn viên trường có một tấm bia ghi rõ “Di tích lịch sử Trường Sơn - Làng Ho” trước khi vào làng. Trước mắt tôi, ngôi làng gần 40 nóc nhà thì có đến 37 là nhà không ra nhà, lều không ra lều, trên tranh dưới lá, như một khu tạm cư tự phát. Con đường vào làng, sau cơn mưa, bùn đất nhão nhoẹt. Những đứa trẻ cởi trần phơi cái bụng ỏng và những ánh mắt nhìn theo chúng tôi ngơ ngác.

Theo cán bộ địa bàn Đồn Biên phòng Làng Ho, cư dân của làng hầu hết là đồng bào dân tộc Vân Kiều, nguồn sống chủ yếu dựa vào khai thác sản vật trong rừng và khe suối… Trong nhà không có đồ đạc nào đáng giá hơn mấy cái nồi nấu cơm và bộ mùng mền chiếu. Ngoài vườn loe hoe vài bụi sắn, còn lại thì đất đai để cho cỏ mọc tới chân cột nhà…

Bản Văn hóa - Di tích lịch sử Trường Sơn - Làng Ho với những mái nhà mới được xây dựng từ chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo Sài Gòn Giải Phóng. Ảnh: Đức Trí

Bản Văn hóa - Di tích lịch sử Trường Sơn - Làng Ho với những mái nhà mới được xây dựng từ chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo Sài Gòn Giải Phóng. Ảnh: Đức Trí

Hôm khánh thành, bàn giao căn nhà tình nghĩa cho CCB Hồ Uôi, nhìn những ánh mắt thèm muốn của bà con, những người thực hiện chương trình Nghĩa tình Trường Sơn cùng chung một nỗi niềm day dứt, áy náy: một căn nhà tình nghĩa được xây dựng chỉ với 30 triệu đồng từ tài trợ của Tổng Công ty cổ phần Phong Phú và một số ngày công của bộ đội Đồn biên phòng Làng Ho, mà đã trở thành ngôi nhà đẹp nhất làng, là mơ ước của cư dân cả bản. Những gia đình ở làng cách mạng này, không phải nhà nào cũng có người tham gia bộ đội như CCB Hồ Uôi, nhưng chắc chắn thời chiến tranh chống Mỹ, nhà nào cũng có người tham gia dân công gùi thồ hàng hóa vào tuyến trong hoặc giúp đỡ bộ đội; cùng chịu chung mưa bom bão đạn như những người lính Trường Sơn. Lẽ nào họ lại không được hưởng sự chia sẻ khó khăn từ một chương trình “đền ơn đáp nghĩa” - một trong những mục tiêu của chương trình Nghĩa tình Trường Sơn?

Tôi đem ước mơ ấy bàn với Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) lúc bấy giờ là ông Nguyễn Bá Thi. Anh Thi nhập ngũ và vào chiến trường B2 sau tôi. Năm 1974 anh mới vượt Trường Sơn, nhưng lại lăn lộn ở chiến trường biên giới Tây Nam lâu hơn; trước khi chuyển ngành đã là sĩ quan, trợ lý tác chiến trung đoàn, thương binh. Nghe nhắc đến Làng Ho, anh có ngay sự đồng cảm quen thuộc của người lính trong cuộc hành quân vượt Trường Sơn gần 40 năm trước. Chúng tôi nhẩm tính, nếu chi phí đầu tư 30-40 triệu đồng/căn nhà thì cả Làng Ho có 37 căn, chỉ hết gần 1,2 - 1,5 tỷ, thêm các công trình trạm xá, nhà văn hóa, cấp nước sạch, nhà vệ sinh, đường sá… chỉ hết khoảng 3 tỷ đồng. Trong gói 5 tỷ đồng do SABECO cam kết tài trợ thông qua chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, chỉ cần trích ra 3 tỷ đồng là đủ để thay đổi bộ mặt cả một địa danh di tích lịch sử Trường Sơn. Thông qua Chủ tịch HĐQT, các thành viên của HĐQT, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn đã nhanh chóng đồng cảm và nhất trí cao. Dự án “Cải tạo xây dựng công trình Văn hóa - Di tích lịch sử Trường Sơn - Làng Ho” do SABECO tài trợ, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình và UBND huyện Lệ Thủy làm chủ đầu tư, đã được khởi động…

Vậy là chỉ sau hơn 1 năm khởi công, ngày 18-1-2013, Công trình “Bản Văn hóa - Di tích lịch sử Trường Sơn - Làng Ho” chính thức khánh thành. Bên ngoài làng, phía đường Hồ Chí Minh là Nhà văn hóa và trạm xá quân dân y do Đồn biên phòng Làng Ho quản lý, khám chữa bệnh cho dân. Từ đường Hồ Chí Minh vào bản là con đường rộng 2m được trải bê tông ra đến tận bờ suối. Hai bên đường, 37 căn nhà sàn gỗ, mái tôn, mỗi căn rộng hơn 20m², đứng thành hàng khá đối xứng. Đường vào mỗi nhà đều được đắp cao, thẳng và sạch. Mỗi khuôn viên nhà đều có hàng rào, sân trước vườn sau, phía sau nhà là nhà vệ sinh hai ngăn như ở các gia đình nông thôn miền xuôi. Cả bản đều sử dụng nguồn nước tự chảy theo hệ thống đường ống dẫn từ trên núi về chứa vào bể lắng lọc… Làng Ho đã thay đổi đến ngỡ ngàng, một sự đổi thay không đơn thuần là những căn nhà mới, mà là một nếp sống mới, một tập quán sinh hoạt và tổ chức cuộc sống theo tiêu chí nông thôn mới đã được hình thành…

Mai này, khi đề án “Dạy nghề và tạo việc làm ổn định cho cư dân Làng Ho” được thực hiện, những ai có dịp đi lại trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, qua địa phận Quảng Bình, xin nhớ dừng chân ghé thăm Làng Ho, nghỉ lại một đêm, uống chén rượu cần và nghe bà con Làng Ho kể chuyện ước mơ và sự thực…

Nguyễn Đức

Tin cùng chuyên mục