Làng Ho (Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) nằm bên Tây Trường Sơn hùng vĩ. Những tháng năm đánh giặc, Làng Ho là địa chỉ đầu tiên tập kết hàng hóa chuyển vào Nam. Sau chiến tranh, Làng Ho nép mình dưới tán rừng trầm mặc, dân bản vật lộn với khó khăn. Nhưng tới đây, sẽ có một dự án lớn nhằm đổi thay cuộc đời người Vân Kiều tại Làng Ho từ chương trình Nghĩa tình Trường Sơn
của Báo SGGP.
Chuyện xưa
Làng Ho nằm giữa bạt ngàn núi rừng, vạn đời; ngàn đời người Vân Kiều chung thủy với bản quán, đi theo cách mạng. Họ sống ở độ cao gần 100m so với mực nước biển. Ngày xưa, muốn lên Làng Ho, không có đường nào khác ngoài bạt rừng đi bộ 3 ngày.
Ngày nay, lên Làng Ho có hai cách. Một, đi từ Đồng Hới ra Khe Gát (Bố Trạch), bắt đầu từ cây số 0, phóng xe hơn 200km sẽ chạm mốc Làng Ho nổi tiếng; hai, đi theo đường 10 nối Đông và Tây Trường Sơn tại xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) và Kim Thủy (Lệ Thủy), chỉ khoảng 100km.
Những năm đánh giặc, Đoàn 559 đã chọn Làng Ho làm điểm tập hợp vũ khí, cơm gạo, thuốc men, đạn dược gùi thồ vượt đỉnh 1001 và Khe Hó. Những người Vân Kiều lớn tuổi kể: “Lúc đầu không biết đó là bộ đội, chỉ nghe nói quân mình, người của Bác Hồ cần làm việc lớn, cần dân giúp đỡ, thế là dân bản cử những thanh niên giỏi nhất, khỏe nhất, và giữ được bí mật nhất giúp cán bộ soi đường, mở lối vượt dốc Khỉ cao cả ngàn mét để vô Quảng Trị”.
Từ chỗ là điểm tập kết nhỏ, Làng Ho trở thành địa điểm tấp nập của Binh trạm 27 Đoàn 559, số nhân công bốc vá, gùi - thồ hàng có lúc đến hàng ngàn người. Hồ Uôi, 80 tuổi, người Làng Ho kể: “Từ Làng Ho đi qua nước bạn Lào chưa đến 10km, từ Làng Ho vào Quảng Trị cũng chừng 20km nên Làng Ho được chọn đóng chốt là kho trung chuyển hàng hóa rất lớn trên đường Trường Sơn huyền thoại.
Và tại tấm bia di tích đặt bên đường Hồ Chí Minh vẫn còn ghi rõ: “Làng Ho - Tháng 10 năm 1959 đã được chọn đặt chỉ huy sở tiền phương của Đoàn 559, là điểm đầu đường gùi thồ chi viện cho chiến trường Trị Thiên và khu 5 từ 1959-1962. Năm 1966, 1967 bộ đội, TNXP Trường Sơn đã mở đường cơ giới Thạch Bàn - Làng Ho, Làng Ho - Khe Sanh, Làng Ho - Bản Đông (Lào) để chuẩn bị cho chiến dịch Khe Sanh và Mậu Thân 1968. Làng Ho là nơi tập kết lực lượng chuẩn bị đánh đường 9 Nam Lào 1971”.
Ở Làng Ho, nhà nào cũng tham gia bảo vệ bộ đội, cùng TNXP làm đường, gùi thồ hàng hóa, cáng thương, tải đạn. Làng Ho là địa danh trung chuyển có tiếng nên số lần máy bay địch ném bom lên đến hàng trăm lượt, nhưng người Làng Ho vẫn kiên trung, các lực lượng chiến đấu ở Làng Ho vẫn chuyển hàng qua Lào, vào Trị Thiên chi viện thành công cho các chiến trường.
Người Làng Ho mưu sinh
Sau ngày hòa bình lập lại, những con người cứng cỏi của Làng Ho về với bản làng, bắt tay vực lại cuộc sống. Nhưng sống ở vùng hiểm địa, đường sá đi lại khó khăn, không có ruộng sản xuất, không nương lớn rẫy rộng, bà con Vân Kiều chỉ quanh quẩn với mấy vuông sắn quanh nhà sàn ọp ẹp. Cũng đã mấy chục năm chiến tranh lùi xa, người Làng Ho vẫn toát mồ hôi với cuộc mưu sinh trên nhánh Tây Trường Sơn.
Ông Hồ Un nói: “Trước đây còn ăn trộm rừng bán lấy tiền sinh nhai. Nhưng nay, một phần rừng được giữ rất chặt, mặt khác bà con cũng hiểu phá rừng là phá cuộc sống nên dừng luôn. Chừ sinh kế duy nhất chẳng có chi ngoài đi đãi vàng dưới suối”. Hồ Dung, cô gái trẻ người Vân Kiều chia sẻ: “Con gái trong bản đi mót vàng, con trai vào rừng ăn ong, về bán cho người buôn miền xuôi để duy trì cuộc sống thôi, chẳng có ruộng mần nên phải thế mà”.
Làng Ho còn khó khăn với tình trạng sinh con đông. Cựu binh Hồ Uôi (80 tuổi) có đến hai vợ phải gồng gánh 18 đứa con, trong đó có ba người con khác đã mất do không nuôi được. Với 37 hộ, có đến gần 200 nhân khẩu, Làng Ho thật sự khó khăn để nuôi được bản thân mình khi không có đất sản xuất, toàn bản là 100% hộ nghèo.
Bản kiểu mẫu cho Làng Ho
Cuối năm 2010, Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đã có chuyến thăm bản Làng Ho và quyết định tài trợ nơi đây một bản làng kiểu mẫu để Làng Ho thoát nghèo.
Vào cuối tháng 4-2011, đại diện thường trực Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đã làm việc với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cùng Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy về dự án. Sau đó, Tổng Công ty Bia rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) đã đồng ý tài trợ cho dự án đầy ý nghĩa này.
Theo kế hoạch, dự án sẽ xây mới 33 căn nhà gỗ trị giá 1 tỷ 485 triệu đồng, sửa lại 3 căn khác đã xuống cấp trị giá 75 triệu đồng; xây dựng trạm dân quân y kết hợp, làm đường nội bộ 100 triệu đồng, làm cổng chào vào bản, xây dựng nhà vệ sinh cho mỗi hộ và ủng hộ mỗi hộ dân 500.000 đồng mua giống. Tổng giá trị đầu tư 3 tỷ đồng.
Có một chi tiết nhỏ cũng cần được nhắc đến, ấy là tên Làng Ho đã không còn mà chuyển thành bản Trung Đoàn. Đại diện Báo SGGP có ý kiến cần lấy lại tên Làng Ho, bởi Làng Ho là một địa danh lịch sử. Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Thái Tôn nhất trí việc này và cho biết sẽ có đề xuất điều chỉnh.
Rồi đây trên Tây Trường Sơn sẽ có một Làng Ho - bản kiểu mẫu của người Vân Kiều trên con đường Hồ Chí Minh. Chắc chắn Làng Ho sẽ đổi thay phát triển bằng sự đầu tư xứng tầm ấy. Làng Ho, một bản làng không thể nào quên.
MINH PHONG