Làng mai Vĩnh Phú, thuộc phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) có từ lâu đời. Nhiều gia đình nơi đây nuôi con em thành tài nhờ nghề trồng mai.
Ngày nay, dẫu diện tích toàn vùng đã bị thu hẹp, song nhiều gia đình vẫn theo nghề trồng mai, đem niềm vui đến cho mọi nhà khi xuân về, tết đến.
Nam bộ trong những ngày qua rét đậm kéo dài, trời vừa chớm nắng, các hộ trồng mai ở phường Vĩnh Phú đã tranh thủ ra vườn ngắt lá, bắt sâu, chuẩn bị cho vụ kinh doanh mùa tết. Chỉ tay vào vườn có hơn 1.100 gốc mai, bà Nguyễn Thị Lan, nông dân ở khu phố Hòa Long (phường Vĩnh Phú) cho hay: “Năm nay trời lạnh kéo dài, mưa nhiều hơn các năm nên các vườn mai trong tỉnh Bình Dương bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều khả năng một số cây mai sẽ không nở búp đúng ngày, hoặc nở muộn”.
Vườn mai của bà Nguyễn Thị Lan rất sung sức, hứa hẹn một mùa tết bội thu.
Trồng mai đã ngót nghét 10 năm, vườn mai bà Lan được nhiều người dân ở TPHCM và Bình Dương biết đến. Những ngày giáp tết, các khách quen ở Bình Phước, Bình Dương và một số người tại quận Gò Vấp (TPHCM) đến hỏi giá, đặt cọc nên không khí sôi động hẳn. Ấy vậy mà bà Lan lòng vẫn chạnh buồn, khi các vườn mai trong phường đã thu hẹp dần diện tích. Từ năm 2007 đến nay, mai vàng vùng đất Nhơn An, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) và một số nơi ở miền Trung đã dần xâm nhập vào Nam, khiến thị phần mai vườn ngày tết nơi đây bị cạnh tranh gay gắt. Không chỉ vậy, do nằm sát quận Thủ Đức (TPHCM), bị tác động của quá trình đô thị hóa nên một số hộ trồng mai đã bán đất vườn, chuyển kế sinh nhai. Cho đến nay, toàn phường Vĩnh Phú chỉ còn gần 7ha đất với khoảng 40 gia đình trồng hoa, trong đó có mai vàng.
Dẫu vậy, nhiều người trồng mai lâu năm ở Vĩnh Phú khẳng định, có năm được mùa, năm mất mùa, giá lên xuống thất thường, song sau một mùa mai tết, các hộ chuyên canh nghề này đều có tiền mua sắm, để dành, nhất là nuôi con ăn học. Gia đình ông Nguyễn Văn Lai sống ở phường Vĩnh Phú từ nhiều đời, việc trồng mai được truyền từ đời này sang đời khác. Hai đứa lớn con ông đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Còn đứa út đang học cấp 3. Chăn nuôi heo, gà cùng đầu tư vườn mai, gia đình ông vẫn sống “khỏe”. “Với người Việt Nam, các gia đình dù giàu hay nghèo, ngày tết đều có chậu hoa mai trong phòng khách, vì bông mai tượng trưng cho sự may mắn cả năm. Với ý nghĩa tốt đẹp như vậy, nên tôi quyết giữ nghề truyền thống của cha ông mình để lại” - ông Lai tâm sự.
Theo giá thị trường tại vùng Đông Nam bộ lúc này, cây mai nhỏ chừng 3 năm tuổi bán tại vườn khoảng 200.000 đồng. Còn cây mai lớn hơn, gốc to khoảng 10cm có giá từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Được giá là vậy, song nghề trồng mai tại Vĩnh Phú không nhàn nhã chút nào. Cụ thể, chủ vườn phải biết chọn cây giống tốt, chăm sóc chu đáo, quan trọng hơn phải canh thời gian cho hoa nở đúng 3 ngày tết mới mong bán được giá...
Ngoài kia, nắng đã vàng óng, tiết trời dần ấm lên, một vài chiếc xe tải nhỏ từ quốc lộ 13 rẽ vào khu phố Hòa Long để chở mai đi các vùng, miền. Khi xuân về, những vườn mai tết ở phường Vĩnh Phú không chỉ góp thêm hương sắc cho địa phương mà còn đem đến một cái tết đủ đầy, sung túc cho các nhà vườn truyền thống.
THỤC VY