
Đã có 5 nhãn hiệu nước mắm ở thôn Gành Đỏ (xã Xuân Thọ 2 huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên) được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận. Một thương hiệu chung cho nước mắm Gành Đỏ cũng đang được các ngành chức năng xúc tiến để có thể tung sản phẩm ra thị trường.

Sản phẩm mắm Bà Mười của bà Biện Thị Thiện.
Dọc theo quốc lộ 1A từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội, có hai nơi mà người ta “nghe” là biết làng làm mắm, đó là Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) và Gành Đỏ (tỉnh Phú Yên). Trên quãng đường dài chừng hơn 1 cây số ở Gành Đỏ, khoảng gần hai chục bảng hiệu “quảng cáo” nước mắm được trưng san sát nhau. Người lớn tuổi trong thôn cũng không nhớ làng làm mắm từ khi nào, có người đoán dân Gành Đỏ biết làm mắm từ khi có người biết đi biển.
Nằm sát chân sóng, Gành Đỏ được lợi thế là nơi có thể “thu gom” được tôm cá tươi từ biển đem lên khi những chiếc thuyền vừa cập bến. Làm mắm lâu đời như vậy nhưng mãi đến tháng 2- 2004, làng mắm Gành Đỏ mới có 5 nhãn hiệu đầu tiên được đăng ký. Đó là các hiệu Ông Già, Bà Mười, Bà Bảy, Tân Lập và Thanh Thủy. “Nhưng không phải cho đến bây giờ người làm mắm Gành Đỏ mới biết làm nhãn hiệu cho sản phẩm của mình đâu”, bà Dung, con dâu của ông chủ “hãng” nước mắm Ông Già, nói.
Theo bà, gia đình chồng bà đã treo biển hiệu nước mắm Ông Già cách đây 18 năm. Hơn 20 năm trước, nhiều người đi buôn trên các xe khách thường ghé lại chỗ chúng tôi để lấy mắm. “Tiếng lành đồn xa”, ngày càng có nhiều người đến mua và có người gợi ý nên đặt bảng hiệu để dễ kiếm. Vậy là năm 1986, bố chồng bà quyết định lấy bảng hiệu là “Ông Già “, tên mà nhiều người quen gọi khi đến lấy hàng của gia đình.
Cùng với Ông Già, nhiều hộ gia đình làm mắm lân cận cũng đã treo biển để khách hàng dễ tìm đến. Ban đầu, hầu hết những cái tên trên biển hiệu đều dân dã, như Bà Bảy, Bà Mười, Kà Lê... sau đó mới xuất hiện nhiều tên hiệu “tân thời” hơn, như: Thanh Tân, Tân Lập, Hương Thanh, Thanh Vân, Thanh Hải, Vạn Tín, Tiến Minh...

Các nhãn hiệu nước mắm ở Gành Đỏ.
Chuyện làm thương hiệu cho nước mắm ở Gành Đỏ mới bắt đầu cách đây chừng 2 năm, khi cán bộ của Sở Công nghiệp phối hợp cùng các ban ngành địa phương vận động bà con làm thủ tục đăng ký độc quyền nhãn hiệu sản phẩm. Bà Biện Thị Thiện, chủ hiệu nước mắm Bà Mười, cho biết: “Nghe mấy anh cán bộ ở tỉnh, huyện về nói về những tiện ích của thương hiệu, tôi hưởng ứng ngay. Toàn bộ chi phí đều được “bao cấp”, mà khi nhãn hiệu được chứng nhận thì không những tên tuổi sản phẩm chúng tôi được đi xa, mà cũng không ai có thể ăn cắp nhãn hiệu ấy được, khách hàng tin tưởng hơn. Làm thương hiệu còn để bảo vệ sản phẩm của mình, buộc mình nỗ lực hơn trong sản xuất, giúp khách hàng sử dụng hàng thật, có chất lượng”.
Còn ông Phạm Văn Cảnh, chủ hiệu nước mắm Tân Lập, thì cho rằng, kể từ khi có thương hiệu, nước mắm ở đây được nhiều người biết đến, sản phẩm đi xa hơn, doanh thu vì thế cũng tăng hơn trước đây khá nhiều. Năm cơ sở sản xuất đầu tiên có thương hiệu khiến làng mắm xôn xao. Những nhãn hiệu nước mắm khác trong thôn chưa được chứng nhận, ngay lập tức đã đến Sở Khoa học và Công nghệ để đăng ký.
Đến Phú Yên, khách thường được giới thiệu những đặc sản có tiếng như cá ngừ đại dương, bánh tráng Hòa Đa... và cả nước mắm Gành Đỏ. Những người sành sõi cho rằng nước mắm Gành Đỏ của Phú Yên có màu bắt mắt, mùi thơm và vị ngon quyến rũ. Chính vì vậy, không dừng lại ở việc làm các thương hiệu riêng, nhiều người làm mắm ở Gành Đỏ mong muốn có một thương hiệu chung cho cả làng.
Ông Phạm Văn Cảnh cho biết, 16 hộ làm nước mắm ở đây đã ký đơn gởi cơ quan chức năng đề nghị cho thành lập thương hiệu chung “Nước mắm Gành Đỏ “ nhằm tạo một thương hiệu mạnh, dễ quảng bá, dễ nhớ và đủ sức cạnh tranh với những thương hiệu nước mắm khác ở thị trường trong và ngoài nước.
Ông Lê Kim Chung, Trưởng phòng Kinh tế - Tổng hợp Sở Công nghiệp Phú Yên cho biết, hiện nay kế hoạch triển khai xây dựng thương hiệu cho làng mắm Gành Đỏ đang được thực hiện. Dự kiến đến cuối năm nay là hoàn tất để trình cho Cục Sở hữu Trí tuệ xem xét, công nhận. Nếu mọi thủ tục hoàn thành sớm, thì năm 2005, thương hiệu “Nước mắm Gành Đỏ” của Phú Yên sẽ có mặt trên thị trường.
NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG