Lắng nghe ký ức

Một phần rất lớn của ký ức con người thường ngẫu nhiên mất đi qua năm tháng. Đó chính là những âm thanh cuộc sống của một vùng đất, một cộng đồng, một giai đoạn lịch sử.
Lắng nghe ký ức

Một phần rất lớn của ký ức con người thường ngẫu nhiên mất đi qua năm tháng. Đó chính là những âm thanh cuộc sống của một vùng đất, một cộng đồng, một giai đoạn lịch sử.

Chẳng hiểu vì sao giới âm nhạc cứ muốn tách bạch ra thành hai khái niệm âm thanh và tiếng động. Nó chẳng làm cho âm nhạc cao quý lên mà ngược lại chỉ làm nghèo đi các sắc thái âm thanh. Đã có nhiều thể loại nhạc mới ra đời dường như không còn cho ta thấy khoảng cách hẹp hòi ấy nữa. Những R&B, Wold Music, Hip Hop, Rap sử dụng rất nhiều tiếng động biểu cảm mà không cần đến âm thanh theo nghĩa hẹp của âm nhạc.

Thời những năm 1960 của thế kỷ trước, Hà Nội có những âm thanh đặc trưng cho một thành phố êm đềm. Tiếng leng keng tàu điện rộn ràng trên sáu tuyến đường nội thành dồn về ga chính Bờ Hồ. Cùng với nó là liến thoắng giọng rao bán thuốc tẩy của vài người tàn tật, khiếm thị và tiếng rao léo nhéo của lũ trẻ bán kem trên tàu. Có ông bán thuốc bả chuột trên tàu điện không ngần ngại rao lên thành lời về những khiếm khuyết của mình: “Tư Trê kém mắt năm cái răng vàng đây, thuốc bả chuột, chuột ăn là chuột lăn chuột chết…”. Tiếng còi tầm Nhà hát Lớn vạch ra giới hạn phía Đông bên dòng sông Hồng cồn cào bọt đỏ dưới chân cầu Long Biên. Tiếng còi ca nô trên sông trầm đục buồn tẻ hun hút xa.

Minh họa: K.T

Tiếng rao đêm của hàng phở xe đẩy, cà phê xe đẩy, tẩm quất và bánh khúc vang rền trên những con phố vắng. Tiếng rao đồng nát trễ nải nhọc nhằn nắng gắt cùng với tiếng ve hừng hực trưa hè. Tiếng bầy chim khuyên líu ran trong các tàng cây cổ thụ. Những chiếc xe đạp chậm rãi ven hồ thả xuôi dốc Bà Triệu. Dừng chân đạp, tiếng líp xe tí tách reo vui. Lâu lắm mới có tiếng nổ lạch bạch động cơ hai thì một chiếc xe máy lửng thửng chạy qua.

Tiếng ồn ào âm u không dứt dưới mái tôn chợ Đồng Xuân. Trong cái nền âm thanh ong ong ấy là trong veo giọng nói con gái Hà Nội nhỏ nhẹ bán mua mặc cả. Và tiếng còi đầu máy xe lửa hơi nước vang vọng suốt từ dưới mạn Hồ Bảy Mẫu lên đến đầu cầu Long Biên. Tiếng còi tàu cũng làm cho người Hà Nội hình dung ra rất rõ ranh giới của đô thị cổ với những phần còn lại.

Chiến tranh phá hoại nổ ra, Hà Nội vắng. Tàu hỏa và xe điện thưa chuyến. Tiếng rao hàng đêm chỉ còn lác đác. Chợ búa bán mua chớp nhoáng vào những giờ tạm được cho là an toàn. Thường vào lúc sáng sớm. Còi tầm Nhà hát Lớn không còn rúc lên báo hiệu giờ giấc nữa. Nó đã được chuyển thành còi báo động cho toàn thành phố mỗi khi có máy bay địch đến oanh tạc. Bắt đầu từ những năm 1966 là tiếng đạn bom mù mịt đất trời. Tiếng pháo cao xạ nổ đanh chát chúa. Tiếng súng máy 12,7mm giật từng loạt lửa đạn lên trời. Lác đác tiếng súng trường K44 của tự vệ sao vuông trên nóc Nhà in báo Nhân Dân, Ngân hàng nhà nước... Tiếng bom nặng trịch nổ ở phía nhà ga Hàng Cỏ, ở sứ quán Pháp, ở cầu Long Biên, ở bên kho xăng Đức Giang. Ngoài những lúc đạn bom gầm thét, thành phố tĩnh lặng đến bất ngờ. Dường như cái tĩnh lặng ấy cũng là một thứ âm thanh an ủi dân phố rất nhiều. Có thể nghe thấy tiếng gió sông Hồng rì rào thổi trên những vòm cây. Nghe được tiếng gà trưa tao tác trên sân thượng hàng xóm. Nghe được tiếng guốc gỗ gõ trên vỉa hè từ lúc chập tối. Và tiếng chổi tre miệt mài gấp ruổi quanh hồ Hoàn Kiếm.

Lần thứ hai chiến tranh phá hoại nổ ra vào cuối năm 1972. Lần này thì Hà Nội rung chuyển bởi những loạt bom B52 ở phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, ngoài bãi An Dương và trên cầu Long Biên. Lần này còn có thêm đóng góp của bộ đội tên lửa ở những trận địa quanh Hà Nội. Những con rồng lửa dũng mãnh lao lên vòm trời đêm phát ra tiếng gầm dữ dội át đi cả tiếng nổ chói tai ở trận địa pháo cao xạ 57mm trên hồ Trúc Bạch. Đài phát thanh công cộng mở gần như suốt ngày theo phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. Cứ vài bài hát lại chen vào một bản tin thắng trận hùng hồn.

Sau năm 1972, Hà Nội lại ríu ran tiếng cười của lũ trẻ vừa mới trở về từ những nơi sơ tán. Những ngôi trường Trưng Vương, Hoàn Kiếm, Lý Thường Kiệt, Trần Phú, Tô Hiệu… mở cửa lại. Lũ trẻ túm năm tụm ba trong sân trường kể chuyện không dứt. Ngần ấy năm sống ở nông thôn có biết bao nhiêu là chuyện.

Giờ thì Hà Nội cũng giống như mọi thành phố trong cả nước. Chẳng còn âm thanh tiếng động nào của riêng mình nữa. Không còi tầm, không còi tàu hỏa hơi nước. Xe điện leng keng biến mất từ những năm 1980 của thế kỷ trước rồi. Thay vào đó là ào ạt tiếng động cơ xe máy, ô tô. Và tiếng còi xe đủ cung bậc chen vào từng giấc ngủ. Con người lạc trong mớ ồn ào bất tận ấy cũng trở nên ít lời hơn xưa. Muốn nói điều gì đó thường viết lên tường facebook. Chỉ trừ vài anh có âm lượng giọng nói hơn người.

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục