Làng nghề ngắc ngoải - Bài 1: “Trùm mền”

Bỏ nghề cha ông
Làng nghề ngắc ngoải - Bài 1: “Trùm mền”

Suốt nhiều năm liền, hàng ngàn làng nghề lớn nhỏ ra đời không chỉ mang lại công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động mà còn góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế nông thôn, cải tạo diện mạo làng quê. Nhưng hiện nay, hàng loạt làng nghề lại đang lâm vào khó khăn vì sản phẩm không có đầu ra, lao động “đói” việc.

Phơi lụa ở làng Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội).

Phơi lụa ở làng Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội).

Bỏ nghề cha ông

Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) nức tiếng cả nước với những tấm lụa bền, đẹp. Đây là địa chỉ tham quan, mua sắm của hàng triệu du khách cả trong và ngoài nước. Nhờ lụa, làng mạc trở nên trù phú, cuộc sống phong lưu khác hẳn. Trong làng còn mọc lên cả dãy “phố” gồm 150 cửa hiệu tơ lụa, thời trang lộng lẫy, lúc nào cũng nườm nượp khách. Vậy mà suốt nhiều tháng qua, làng lụa đìu hiu, ế ẩm. Hy hữu mới có một vài khách nước ngoài ghé qua. Trong nhiều gia đình, các khung cửi nằm đắp chiếu, mạng nhện giăng đầy vì ngừng hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc, cho biết do lụa dệt ra không còn bán chạy như những năm trước nên 40% số máy dệt trong làng phải trùm mền. Nhiều gia đình còn tồn đọng hàng chục, hàng trăm kiện lụa. Cũng vì vậy, trong 2 năm qua, đã có 30% số hộ trong làng phải bỏ nghề dệt lụa và chuyển sang nghề khác. Năm 2011, tổng sản phẩm lụa mà làng Vạn Phúc bán được chỉ còn hơn 2 triệu mét, bằng 1/3 lượng tiêu thụ so với 3 năm trước. Trong khi vào thời kỳ thịnh vượng, năm 2005-2006, mỗi năm Vạn Phúc tiêu thụ tới 12 triệu mét lụa các loại. Bây giờ, lụa không bán được đang là nỗi lo của nhiều gia đình, nguồn thu nhập giảm đáng kể và có thể phải bỏ nghề.

Không chỉ làng lụa Vạn Phúc, ngay cả những làng nghề nổi tiếng có quy mô làm ăn rất lớn, xuất hiện hàng chục, hàng trăm tỷ phú như làng gốm sứ Bát Tràng, mây tre đan mỹ nghệ Phú Vinh, khảm trai Chuyên Mỹ, sơn mài Hạ Thái, đồ gỗ Đồng Kỵ, đồ gỗ Vân Hà... cũng đang lao đao vì nền kinh tế gặp khó khăn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.

Lao động đợi việc

* Những năm về trước, những tỷ phú làng ở Đa Hội nhiều không kể xuể. Vậy mà nay ngôi làng giàu như Đa Hội đang sa sút, lao đao với hàng loạt chủ doanh nghiệp bị vỡ nợ.

Dạo một vòng quanh làng đồ gỗ Đồng Kỵ (Từ Sơn - Bắc Ninh), nhiều “showroom” đồ nội thất gỗ đục chạm tinh xảo như những “siêu thị làng” nằm san sát, nhưng không một bóng người mua. Vì ế khách, nhiều gian hàng đành đóng cửa.

Từ lâu, làng gỗ Đồng Kỵ nổi tiếng khắp cả nước là một đại công trường gỗ mỹ nghệ thuộc loại đắt tiền. Trong đó, 80% sản phẩm được xuất khẩu sang Trung Quốc, còn lại xuất đi Nhật Bản, Malaysia. Doanh thu từ gỗ mỗi năm xấp xỉ 300 tỷ đồng. Những tháng cao điểm, thường vào cuối năm, Đồng Kỵ thu hút tới 4.500-5.000 lao động, thợ tay nghề cao từ khắp các vùng về làm việc. Thế nhưng gần 2 năm qua, sản phẩm làm ra không xuất khẩu được. Hàng không bán được nên chủ doanh nghiệp mắc nợ ngân hàng, phải cắt giảm lao động. Anh Vũ Đức Ngọc, chủ một cơ sở gỗ ở Đồng Kỵ kể, vì lo bán nốt hàng tồn, cơ sở của anh phải giảm 60%-70% lượng hàng làm mới, và chỉ giữ lại khoảng 4-5 thợ lành nghề, trong khi trước đây trong xưởng lúc nào cũng có 50-60 thợ.

Từ làng Đồng Kỵ, chúng tôi sang làng sắt thép Đa Hội ở ngay bên cạnh. Trước đây, nhắc tới Đa Hội, nhiều người phải kính nể cung cách làm ăn năng động, chí làm ăn lớn của người “làng sắt”. Cả một làng gồm 1.700 cơ sở chuyên sản xuất, cán kéo sắt thép, thậm chí nhiều người còn sang tận Lào mở cơ sở kinh doanh, lò tôi luyện thép.

Theo ông Đỗ Văn Hiền, Chủ tịch UBND phường Châu Khê (Từ Sơn - Bắc Ninh), nguyên nhân đìu hiu ở làng sắt thép Đa Hội như hiện nay là do gặp giai đoạn bất động sản bị đóng băng quá dài, nhiều công trình xây dựng bỏ dỡ, kéo theo thị trường vật liệu xây dựng ngày càng ế ẩm nên sản phẩm của làng làm ra cũng không bán được. Đã vậy, thời gian qua, nhiều chủ doanh nghiệp phải vay ngân hàng với lãi suất cao. Cuối năm ngoái, khi các ngân hàng đáo nợ, đòi thu hồi vốn mà hàng lại không tiêu thụ được, nhiều chủ doanh nghiệp buộc phải bán nhà cửa, đất đai, nhà xưởng, máy móc để trả nợ. Rồi nhiều chủ không trả được nợ, khi món nợ lên tới 10-11 tỷ đồng, thậm chí có doanh nghiệp nợ hơn 20 tỷ đồng, phải trốn khỏi làng. 

Chủ doanh nghiệp… thất nghiệp thì người làm thuê cũng không còn việc làm. Anh Trần Văn Bền, chủ cơ sở thép Thủy Bền ở xóm 4 Đa Hội, buồn rầu tâm sự: “Năm trước, mỗi ngày cơ sở tôi cán 400 tấn thép nhưng năm nay chỉ hoạt động cầm chừng khoảng 200 tấn/ngày và cũng chỉ giữ lại 10 công nhân, còn lại hơn 30 công nhân khác phải cho nghỉ việc”. Bình thường, làng thép Đa Hội thu hút khoảng 4.000 lao động từ khắp các vùng, nhưng hiện nay chỉ còn lại hơn 300 người.

Sắt thép lạnh lẽo, làng quê cũng dần vắng vẻ. Dọc đường, không còn cảnh các xe hàng vào ra ùn ùn như trước nữa, thi thoảng mới gặp vài nhóm “cửu vạn” đói việc đang túm tụm xem đánh bài tá lả. Họ bảo: “Chán không có việc, anh em bỏ về hết rồi. Chỉ còn lại vài việc vặt, chủ ưu tiên thuê anh em chúng tôi ở lại, nhưng tới cuối tháng có khi chúng tôi cũng về quê, vì tiền công chủ không trả đủ, ở lại thì không sống được”.

Văn Nguyễn

Tin cùng chuyên mục