Lợi thế đặc biệt của nhiều làng nghề từ trước tới nay vẫn là xuất khẩu sản phẩm ra thế giới. Nhưng trong khi nền kinh tế cả thế giới gặp khó khăn, khả năng chi tiêu giảm mạnh thì các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề càng khó xuất ngoại.
Thiếu đơn hàng xuất khẩu
Chúng tôi về thăm làng mây tre đan xuất khẩu Phú Vinh, nằm cách trung tâm TP Hà Nội chỉ 25km. Đây là nơi chuyên sản xuất hàng trăm chủng loại mặt hàng thủ công mỹ nghệ như giỏ, lẵng để hoa, chao đèn, khay đựng nước… từ chất liệu mây tre độc đáo, được thị trường cả châu Á, châu Âu ưa thích. Những năm trước, làng lúc nào cũng nhộn nhịp hàng, xe cộ vào ra. Cả làng có gần 8.000 lao động chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, chưa kể hàng ngàn lao động làm các công đoạn gia công từ các làng, xã vệ tinh. Cứ 1-2 ngày lại có một container hàng được các doanh nghiệp gửi đi Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản… Vậy mà vài tháng nay, làng dần vắng hoe.
Nhắc đến Phú Vinh, người ta nói nhiều hộ trong làng đã giải nghệ, vì chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng khủng hoảng nợ công châu Âu, sản phẩm làm ra không xuất khẩu được. Chị Nguyễn Thị Thu, chủ một cơ sở mây tre đan ở Phú Vinh than thở: “Những năm trước, tuần nào chúng tôi cũng nhận được đơn hàng từ các đối tác nước ngoài gửi về. Cứ theo các mẫu họ đặt, chúng tôi phải làm cả ngày lẫn đêm mới kịp. Vậy mà gần hai năm nay không có hợp đồng, đơn hàng mới nào”.
Làm ăn khó khăn, bà con đang tất bật lo chạy vạy, vay mượn để thanh toán các khoản nợ cũ đến hạn phải trả ngân hàng. Ngược lại, các lô hàng đã xuất đi thì đối tác lại chưa chịu thanh toán vì khó khăn do ảnh hưởng nợ công châu Âu.
Ông Vương Văn Cần, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ-Hà Nội) cho biết, do các đơn hàng xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng, sản phẩm làm ra để mốc nên hiện nay hơn 60% lao động làm mây tre đan Phú Vinh đã bỏ nghề. Trong làng, chỉ còn lại vài chục hộ gia đình không nỡ bỏ nghề, nhưng sản phẩm làm ra cũng chỉ bán ở thị trường nội địa. Tốc độ tiêu thụ chậm. Giá bán nội địa cũng rẻ hơn rất nhiều so với đơn giá xuất khẩu. Hai năm gần đây doanh thu từ sản phẩm mây tre đan xuất khẩu ở Phú Vinh đã giảm rõ rệt. Nếu như những năm trước đây, tổng doanh thu của toàn xã luôn đạt 120-130 tỷ đồng/năm thì năm 2011 chỉ đạt gần 70 tỷ đồng.
Theo ông Cần, cái khó của người Phú Vinh là nhiều cơ sở thủ công mỹ nghệ không thể trực tiếp xuất khẩu, khai thác thị trường nước ngoài mà phải thông qua các doanh nghiệp chuyên hợp đồng xuất khẩu. Vì vậy, khi một ông chủ lao đao thì trăm hộ làm gia công cùng lao đao.
Ở làng đồ gỗ Vân Hà (Đông Anh-Hà Nội), Đồng Kỵ (Từ Sơn-Bắc Ninh) hiện 80% sản phẩm làm ra phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Vì vậy, khi thị trường Trung Quốc ngừng nhập khẩu thì các doanh nghiệp trở tay không kịp. Trong các xưởng, hàng chục, hàng trăm bộ đồ gỗ mỹ nghệ đã hoàn thiện hoặc còn dang dở phần mộc nằm dài cả năm nay không bán được.
Ông Vũ Văn Liễn, một chủ cơ sở đồ gỗ ở làng Đồng Kỵ cho biết, nhà ông có 5 phân xưởng, mỗi tháng làm ra gần 20 bộ salon, tràng kỷ, sập… giả cổ để xuất cho các doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng từ đầu năm tới nay không bán được bộ nào, còn bán thị trường nội địa mới được 2-3 bộ.
“Đầu vào” tăng cao
Ông Dương Văn Canh, Chủ tịch UBND xã Đồng Kỵ cho biết, Đồng Kỵ được mệnh danh là “làng giám đốc” với hơn 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên đồ gỗ cùng hàng ngàn cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ khác. Thế nhưng hiện nay, hàng loạt cơ sở, doanh nghiệp đều gặp khó khăn chồng chất do bí đầu ra, trong khi đầu vào lại tăng cao.
Theo ông, từ năm 2011 tới nay, một loạt chi phí đầu vào như điện, than, gỗ nhập khẩu đều tăng giá. Trong khi vừa qua, các doanh nghiệp lại phải vay lãi ngân hàng với lãi suất quá cao để đầu tư. Do không chịu nổi lãi suất, tình hình thị trường ế ẩm nên có tới 30%-40% cơ sở đành phải đóng cửa, sản xuất cầm chừng. Một vài doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển sang làm đồ gia công cho các cơ sở lớn. Cũng vì hàng loạt doanh nghiệp giải thể, hoạt động khó khăn nên cuối năm 2011, các ngân hàng trên địa bàn đều đồng loạt triển khai chính sách thắt chặt tiền tệ. Vì vậy, từ đầu năm 2012 tới nay, các doanh nghiệp muốn phục hồi lại sản xuất, khai thác những thị trường mới cũng không đủ sức vì đói vốn.
Còn theo ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hội Nghệ nhân mây tre đan xuất khẩu Phú Vinh thì bên cạnh khó khăn do thị trường châu Âu sụt giảm, sản phẩm ở đây còn đang phải đối mặt với khó khăn khác là không còn đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… Nguyên nhân là do chất lượng sản phẩm không được liên tục cải tiến, đặc biệt là giá thành còn quá cao.
Theo ông, giá nguyên liệu ngày càng tăng trong khi thị trường xuất khẩu khó khăn cũng là nguyên nhân buộc người Phú Vinh phải bỏ dần nghề. Nếu như cách đây 4 năm, nguyên liệu mây có giá chỉ 4.500 đồng/kg thì nay giá mây tươi đã lên đến 12.000 đồng, mà giá bán vẫn không đổi.
Bị các sản phẩm nước ngoài cạnh tranh quyết liệt, giá nguyên liệu đầu vào quá cao cũng là thực trạng chung ở nhiều làng nghề hiện nay.
Chị Phạm Mai Hương, chủ cơ sở lụa Triệu Duy Khánh ở làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông-Hà Nội) cho biết, sản phẩm làng lụa không bán được cũng là do hàng Trung Quốc ồ ạt nhập về. Do giá bán rẻ nên người dân chuộng lụa Trung Quốc. Còn lụa Vạn Phúc dệt cầu kỳ, tinh xảo hơn, giá bán cao thì kén khách mua. Đã vậy, giá tơ đã tăng ngất ngưởng lên tới 1,3-1,7 triệu đồng/kg, cộng thêm công đoạn xe chuội thì giá thành là 2 triệu đồng/kg, trong khi trước kia chỉ khoảng 700.000-800.000 đồng, cho nên càng dệt càng lỗ.
Ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hội Sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ cũng cho biết, giá gỗ nhập khẩu hiện nay đã tăng lên tới 40% so với năm trước. Do phần lớn gỗ nguyên liệu được nhập về từ Lào, Campuchia, Thái Lan bằng đường tiểu ngạch, qua rất nhiều khâu trung gian đã đội giá lên cao. Đói việc, nhưng chi phí nhân công phải tăng thêm 25% so với năm trước, trong khi giá bán sản phẩm chỉ tăng 20%. Vì vậy, lợi nhuận thực tế chỉ chiếm 15% trong giá bán. Nếu doanh nghiệp nào phải vay vốn để sản xuất thì sẽ lỗ.
VĂN NGUYỄN
Làng nghề ngắc ngoải |
- Bài 1: “Trùm mền” |