Lãng phí lớn do đầu tư công chậm trễ

Trong muôn mặt của thất thoát, lãng phí, không thể không kể đến sự chậm trễ trong đầu tư công.

Báo cáo về vấn đề này với Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhìn nhận, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của một số dự án chưa sát với khả năng thực hiện; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch được giao, thậm chí là “rất chậm”. Sau năm 2022 ì ạch, bước sang 2023, vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư công tăng khoảng 25% với tổng số lên tới khoảng 711.000 tỷ đồng. Đến nay đã giao được hơn 90% tổng số vốn Quốc hội đã quyết nghị nhưng giải ngân chỉ đạt gần 16%.

Tuy rằng, theo thông lệ, những tháng đầu năm tập trung giải quyết các khối lượng của năm ngoái; hoàn thiện thủ tục và khởi công các dự án mới, nên tỷ lệ giải ngân thường thấp; song nếu không tăng tốc thì khả năng tiếp tục không hoàn thành kế hoạch vẫn hiện hữu. Nhưng việc giải ngân đầu tư công bị chậm, lại còn do nguyên nhân chủ quan là khuôn khổ pháp lý chưa đồng bộ. Cụ thể, Luật Đầu tư công quy định có tiền mới được lập dự án, nhưng lập dự án rồi thì mới được phân bổ tiền, dẫn tới vòng lẩn quẩn.

Cụ thể, công trình trọng điểm mà Quốc hội đã có nghị quyết phân bổ là xây dựng trụ sở của hải quan trong dự án sân bay Long Thành, đến nay vẫn chưa nhận được thông báo vốn, vì chưa lập được dự án, mà muốn lập được dự án thì phải có tiền.

Bên cạnh đó, thực tiễn cũng cho thấy, trong cùng một khung khổ pháp luật nhưng kết quả lại khác nhau. Chẳng hạn, có 3 bộ và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%; 47/52 bộ, cơ quan trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, đặc biệt là có tới 32 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch.

Vấn đề đặt ra, việc đầu tư công phải được cải thiện về tiến độ để mang lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội. Và đó cũng là một trong những giải pháp hết sức quan trọng và thiết thực để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tin cùng chuyên mục