Miền Trung

Lãng phí tài nguyên du lịch

Lãng phí tài nguyên du lịch

Cùng với tốc độ phát triển ngành du lịch khá mạnh, những dự án du lịch ở các vị trí đắc địa tại các tỉnh miền Trung nhanh chóng được quy hoạch cấp phép, nhưng nhiều dự án triển khai rất ì ạch dẫn đến lãng phí tài nguyên du lịch và làm xấu môi trường đầu tư.

Nhiều dự án du lịch tại miền Trung chậm đưa vào sử dụng.

Nhiều dự án du lịch tại miền Trung chậm đưa vào sử dụng.


Cấp phép nhiều, làm ít

Nói đến dự án du lịch tại Khánh Hòa phải nhắc đến các dự án tại Khu du lịch Bắc bán đảo (KDL BBĐ) Cam Ranh ở cửa ngõ phía Nam của TP Nha Trang. Đây là khu vực quy hoạch phát triển du lịch được kỳ vọng sẽ tiếp thêm sức cho ngành du lịch TP biển Nha Trang  ngày một khởi sắc. Thế nhưng hiện nay, dự án này triển khai chậm hơn... rùa!

Đầu năm 2004, KDL BBĐ Cam Ranh được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích khoảng 2.300ha. Sau đó, hơn 50 nhà đầu tư (NĐT) đăng ký tham gia vào KDL này. Để tạo thuận lợi cho các NĐT đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh đáp ứng các hạng mục cơ sở hạ tầng... Thế nhưng, trái với sự ưu ái của tỉnh nhà, các NĐT lại triển khai dự án rất chậm. Năm 2007, UBND tỉnh đã thu hồi hơn 20 dự án của các NĐT năng lực tài chính yếu kém. Để tạo sự ràng buộc và nâng cao trách nhiệm của các NĐT, UBND tỉnh yêu cầu các NĐT ứng trước tiền thuê đất. Gần 30 doanh nghiệp nộp trước tiền thuê đất với số tiền hơn 560 tỷ đồng, nhưng tiến độ thực hiện dự án cũng không cải thiện bao nhiêu.

Hiện nay, KDL BBĐ Cam Ranh có 31 dự án còn hiệu lực. Toàn bộ khu đất tiềm năng này chỉ có 3 dự án được khởi công, số còn lại vẫn ì ạch.

Có thể nói, việc xé lẻ đất ở KDL BBĐ Cam Ranh rồi để các NĐT “xí phần” nhưng triển khai chậm đã gây lãng phí lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư tại Khánh Hòa, khi các NĐT chờ cơ hội sang nhượng dự án kiếm chênh lệch, trong lúc nhiều NĐT có khả năng khác lại đứng ngoài rìa.

Bao giờ “rùa bò”... tới đích?

Ở Đà Nẵng, hàng loạt dự án  ở những vị trí đắc địa ngay tại trung tâm thành phố, dọc tuyến đường ven biển có bãi biển đẹp nhất hành tinh đang bị “treo” quá lâu. Dự án đầu tư khu phức hợp Bãi Bụt Bay Resort của Công ty CP Hải Duy, với số vốn ban đầu trên 230 triệu USD, 7 năm sau ngày khởi công hiện chỉ là hàng rào cây dừa đang được trồng bao quanh; hồ bơi được xây dựng ngay trung tâm dự án, xung quanh cây cối mọc xanh um, che khuất như… ao làng.

Đường Hùng Vương (Đà Nẵng) khoảng 5 năm về trước được xem như tuyến huyết mạch của TP vì nằm ngay trung tâm. Đầu năm 2008, trên đường này có 2 dự án cỡ bự khởi công rầm rộ. Đó là Khu tổ hợp Danang Center (gần 10.000m2) do Công ty CP Vũ Châu Long làm chủ đầu tư, với tổng vốn 125 triệu USD, cao 35 tầng và Viendong Meridian (trên 17.000m2) do Công ty CP Địa ốc Viễn Đông làm chủ đầu tư, với tổng vốn 180 triệu USD, gồm tháp đôi 48 tầng được xem là cao nhất miền Trung. Ngày khởi công (tháng 3-2008) rầm rộ với những vũ điệu múa lân tưng bừng, nhưng rồi 1 năm sau, công trình đã biến thành các vũng chứa nước vào mùa mưa làm nơi ở cho muỗi.

Trước tình hình đó, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo rà soát tình hình đầu tư các dự án trên địa bàn. Qua đó có 11 dự án đầu tư trong nước đã giao đất trên 3 năm, nhưng các chủ đầu tư không triển khai; 9 dự án khác dù đang thi công nhưng tốc độ cực kỳ chậm. Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam cũng có những dự án với tình trạng tương tự.

Du lịch miền Trung được đánh giá rất tiềm năng nhưng đang thiếu những NĐT đích thực.

VĂN NGỌC – HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục