Chống lãng phí thời gian

Lãng phí thời gian là “căn bệnh” chậm tiến

“Lãng phí thời gian” là thái độ làm việc “vừa làm vừa chơi” ở các cơ quan, công sở, chơi bời lêu lỏng không chịu học hành, chây lười, trốn lao động, chỉ biết ăn chơi… nên phải chống một cách quyết liệt!

“Lãng phí thời gian” là thái độ làm việc “vừa làm vừa chơi” ở các cơ quan, công sở, chơi bời lêu lỏng không chịu học hành, chây lười, trốn lao động, chỉ biết ăn chơi… nên phải chống một cách quyết liệt!

Họp hành liên miên, CBCNV đi trễ về sớm, làm việc ầu ơ ví dầu, thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm, thiếu tinh thần làm việc nghiêm túc, tụm năm tụm ba chơi game, tán gẫu, rong chơi chè chén… trong giờ hành chánh, làm trở ngại công việc của nhà nước, làm mất thời gian tiền bạc của dân. Những trường hợp này phải nói là “ăn cắp thời gian” chứ không còn là “lãng phí thời gian” một cách bình thường!

Chống loại “tội phạm” này ngoài biện pháp giáo dục, phê bình, quản lý, kiểm soát chặt chẽ, nếu cần, cũng nên cho nghỉ việc.

Ngoài xã hội chúng ta vẫn còn thấy ít nhiều những kẻ “rảnh công rỗi việc”, thường xuyên la cà ở những quán bar, quán cà phê… trong khi nhiều người khác đang miệt mài học tập, lao động vất vả kiếm sống bằng mồ hôi, bằng sức lao động! Có thể nói “lãng phí thời gian” kiểu này chẳng khác nào là “ăn bám”, tạo bất công trong xã hội, có khi “nhàn cư vi bất thiện” còn làm phương hại đến an ninh, trật tự xã hội.

NGUYỄN ĐẮC NGHĨA
(92/2 Phong Thạnh, Cần Giờ, TPHCM)

  • Những buổi học phí thời gian

    Là một giáo viên, nhiều lúc ngồi nhẩm tính chỉ những buổi học thôi, đã thấy chúng ta thật hoang phí thời gian. Người ta nói "Thời gian là vàng".

Với giáo viên, ngoài giờ gác thi chấm thi không kể, nhất là những tháng hè còn có vô số “món” để học. Nào là học bồi dưỡng chuyên môn, học bồi dưỡng chính trị, học an ninh quốc phòng… Tất cả chỉ vào hội trường tán dóc, đọc báo hay làm việc riêng. Thậm chí hội trường có máy lạnh, học viên tha hồ… ngủ. Mặc cho báo cáo viên nói như cái máy.

Học bồi dưỡng chuyên môn, có báo cáo viên chỉ lập lại những gì “nghe” được từ buổi “bồi dưỡng dành cho báo cáo viên”. Nếu giáo viên thắc mắc, tức thì báo cáo viên sẽ nói: “Để ghi ý kiến đưa lên cấp trên”, hoặc: “Để về nghiên cứu lại…”. Chính vì vậy, giáo viên đến hội trường cũng để… tán dóc hoặc làm việc khác ngoài việc chăm chú nghe để ghi chép.

Đến khi viết bản thu hoạch, chỉ cần lên mạng “down” xuống, in ra và chuyền tay nhau photo nhưng che phần tên và đơn vị công tác. Sau đó, công đoàn hay các tổ trưởng gom lại và nộp “lên trên”. Tất cả đều giống nhau 100%, chỉ khác tên và tổ chuyên môn.

Hầu như không ai lướt đọc qua xem nội dung trên mạng viết gì. Và thật sự khi nộp “lên trên”, chưa chắc có ai chịu khó đọc qua! Nếu có đọc chắc sẽ phát hiện một trường học mà bài thu hoạch toàn thể giáo viên có cùng đáp án trên mạng. Một sự hoang phí thời gian “bồi dưỡng”, “down tài liệu” từ mạng và cả chi phí cho giấy và điện cho máy photo!

NGUYỄN NGỌC HÀ

  • Cần làm việc đúng giờ

Tôi rất tâm đắc khi Báo Sài Gòn Giải Phóng mở diễn đàn “Chống lãng phí thời gian” vì nội dung này rất bổ ích, để giúp cho chúng ta có dịp nhìn lại về việc thực hiện giờ giấc của cán bộ nhà nước hiện nay.

Phải thừa nhận rằng đa số công dân chúng ta hiện nay thực hiện tốt về nội quy giờ giấc của cơ quan, chính quyền đề ra. Song cũng có không ít công dân thực hiện chưa tốt như: đi làm việc trễ, không sử dụng hết giờ làm việc.

Nhân đây tôi xin kể một câu chuyện: Có một lần Bác Hồ và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác Hồ hỏi: “Chú đến chậm mấy phút?”. “Thưa Bác, chậm 10 phút ạ!”. Bác nói ngay: “Chú tính không đúng. 10 phút của chú phải nhân với 500 người ngồi đợi ở đây!”. Thế mới biết Bác Hồ quý thời gian như thế nào.

Để ngăn chặn và tránh sự lãng phí thời gian, theo tôi nên thực hiện một số biện pháp sau: Một là, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền “Làm việc đúng giờ” để cho mọi người cán bộ, công chức hiểu và làm theo chế độ giờ giấc của nhà nước. Hai là, các nhà quản lý phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cho cán bộ, nhân viên luôn có ý thức tự giác chấp hành nội quy của cơ quan. Ba là, tổ chức những buổi sinh hoạt, trao đổi, tọa đàm theo chủ đề “Học tập gương sáng của Bác Hồ về tiết kiệm thời gian”. Bốn là, có chế độ khuyến khích, động viên, khen thưởng cho những người thực hiện tốt về giờ giấc cũng như có hiệu quả trong lao động, học tập và rèn luyện bản thân.

VÕ TRI (P8 Q3, TPHCM)

Bài vở tham gia diễn đàn văn hóa xin gởi về: Báo SGGP, 438 Nguyễn Thị Minh Khai, Q3, TPHCM hoặc Email: vhvn@sggp.org.vn
 

Tin cùng chuyên mục