Năm 1992, làng quân nhân T92 được thành lập với diện tích 400ha ở phía Tây huyện Bố Trạch, Quảng Bình, vùng đất bạt ngàn lau lách, sim mua cỏ dại và vô số bom mìn còn sót sau chiến tranh. Ông Nguyễn Văn Nguyên, người có mặt đầu tiên ở vùng đất này nói: “Hồi mới lên, là quân nhân, chết tui không sợ, nhưng ở vùng đất khó khăn cỗi cằn ni, tui lại sợ, sợ không duy trì được sức khỏe để sinh tồn, chứ không nghĩ làm giàu. Nhưng nhiệm vụ chính trị, phải sống mà khai hoang”.
Thượng úy Phạm Quý Đổng, phụ trách làng T92, cho biết: “Để từng bước tháo gỡ khó khăn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình đã giao đất lâu dài cho người dân định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng, đứng ra vay vốn tín chấp cho các gia đình quân nhân phát triển kinh tế”. Và đặt ra phương châm lấy ngắn nuôi dài, khuyến khích quân nhân chăn nuôi gà, heo để duy trì cuộc sống. Tổ công tác đã tìm ra cách làm giàu trên vùng đất này khi họ thử nghiệm trồng 44ha cao su tiểu điền đưa từ miền Nam xa xôi ra. Không ngờ, cây cao su lên tốt, xanh lá, cho mủ nhiều, năng suất cao. 10 năm đợi chờ và hy vọng, đầu năm 2003, những giọt mủ cao su đầu tiên chiết ra từ cây, bán cao giá, nguồn sống của các quân nhân như được tiếp sức.
Từ một vùng quê nghèo nàn, làng quân nhân T92 nhanh chóng vươn lên, tự đầu tư điện, đường, trường, trạm, phát triển lên hàng trăm hécta cao su, mỗi hộ dân thoát nghèo gần như từng ngày. Không dừng lại ở đây, làng quân nhân T92 còn mời hơn 30 gia đình quân nhân từ các miền quê khác ở Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa lên cùng nhau khai khẩn đất hoang.
Hiện tại, tất cả số hộ ở làng T92 đã có thu nhập vào mùa cạo mủ cao su từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày, nhiều gia đình thu nhập hơn 1 triệu đồng như gia đình ông Nguyễn Văn Cường, Trần Văn Lượng, Nguyễn Văn Nguyên. Riêng gia đình ông Trần Văn Lượng, ngoài trồng cao su lấy mủ, ông còn vay vốn lập xưởng thu mua, chế biến thô mủ cao su trong vùng, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 người địa phương với mức lương từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Giờ đây, ngược xuôi đường Hồ Chí Minh qua miền Tây huyện Bố Trạch đã thấy rõ một làng quê được xây đắp bằng chính mồ hôi, công sức của người lính thời bình trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc giữa miền biên viễn heo hút. 400 con người của 70 hộ quân nhân đã thoát được nghèo trên đỉnh Trường Sơn.
MINH PHONG