Làng “trường thọ” Trúc Lâm

Làng Trúc Lâm ở phía Tây Bắc thành phố Huế nổi tiếng yên bình, nằm bên cạnh dòng sông Bạch Yến thơ mộng. Ngôi làng rợp bóng tre xanh mượt với lịch sử hình thành hơn 540 năm. Điều đặc biệt, người dân ở đây sống rất thọ.
Làng “trường thọ” Trúc Lâm

Làng Trúc Lâm ở phía Tây Bắc thành phố Huế nổi tiếng yên bình, nằm bên cạnh dòng sông Bạch Yến thơ mộng. Ngôi làng rợp bóng tre xanh mượt với lịch sử hình thành hơn 540 năm. Điều đặc biệt, người dân ở đây sống rất thọ.

Vừa bước vào cổng làng Trúc Lâm, phường Hương Long, TP Huế tôi bắt gặp một màu xanh dễ chịu từ những hàng tre, khóm trúc và những vườn bưởi, thanh trà… trĩu quả. Tuy ở thành phố nhưng người dân Trúc Lâm chuyên sống về nông nghiệp, ruộng đất bao la. Từ thuở khai sinh, làng có trên 700 mẫu ruộng. Với điều kiện tự nhiên như vậy khiến người dân ở đây cần cù lao động. Đó cũng là một trong những yếu tố giúp vùng quê này trở thành “làng trường thọ”.

Người làng Trúc Lâm nổi tiếng sống thọ.
Người làng Trúc Lâm nổi tiếng sống thọ.

Cụ Trần Luyến (77 tuổi), Chi hội trưởng người cao tuổi của làng Trúc Lâm, cho biết: “Hiện trong làng có 630 hộ dân với 2.700 nhân khẩu. Nếu so số người cao tuổi khỏe mạnh đối với các vùng quê khác thì làng Trúc Lâm nổi tiếng hơn cả. Trong làng có 120 cụ già từ 80 tuổi trở lên vẫn sống khỏe mạnh. Còn người già trên 70 tuổi đếm không xuể. Mặc dù cuộc sống bận rộn trăm bề nhưng các cụ vẫn thường quan tâm chia sẻ nhau những lúc khó khăn”.

Ông Phan Văn Nhân, tổ trưởng tổ dân phố 1, cho biết: Người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, làm lúa nước và vườn tược. Chính từ việc cần cù lao động sớm tối khiến con người dẻo dai, sống thọ hơn. Hơn nữa do cuộc sống thanh bình, môi trường trong lành, thoáng mát, thức ăn tự nhiên không ô nhiễm… khiến người dân ở đây sống thọ hơn nhiều nơi khác. Làng Trúc Lâm xưa kia vốn là rừng tre, dù nay đã lên phố nhưng nhà nào cũng giữ lại hàng tre tạo không gian xanh mượt khắp làng. Ông Nhân cho hay, chuyện người dân ở làng Trúc Lâm sống thọ khiến không ít người gần xa tìm đến hỏi thăm sức khỏe, bí quyết. Vừa rồi có đoàn khách Nhật đến thôn quay phim chụp ảnh cả ngày. Cả làng ai cũng vui, không ngờ chuyện sống thọ lại được nhiều người quan tâm như vậy.

Người cao tuổi ở Trúc Lâm không chỉ nổi tiếng sống thọ mà còn lao động rất khỏe. Như bà Nguyễn Thị Thỏa, 95 tuổi vẫn đi chợ, sinh hoạt bình thường; bác Phan Quyện 93 tuổi vẫn còn làm ruộng; bà Phạm Thị Chút 105 tuổi vẫn còn khỏe mạnh. Và không ít cụ già trên 80 tuổi vẫn ngày ngày ra đồng lao động.

Tôi tìm đến gia đình cụ Trần Nghiệm, nay đã 90 tuổi nhưng cụ vẫn còn hoạt bát. Cụ Nghiệm cho hay, người dân ở đây gắn với nông nghiệp, làm ruộng, làm vườn nên con người dẻo dai. Riêng ông nay 90 tuổi, chưa  bao giờ đi bệnh viện lần nào. Thời trai trẻ, ông khỏe như voi, một mình có thể gánh cả tạ trên vai. Còn bây giờ tuổi già sức có yếu hơn nhưng vẫn còn lao động tốt, cày cấy hơn cả mẫu ruộng. Riêng vụ hè thu vừa rồi một mình ông bó hơn 200 gánh lúa. Thấy mình lớn tuổi còn gánh gồng, con cái ngăn không cho làm, nhưng ông không chịu. Dân lao động, còn sức khỏe phải làm. Nếu ở nơi khác tuổi như ông, họ đã nghỉ ngơi an hưởng tuổi già rồi. Vợ ông chỉ kém ông một tuổi, vẫn còn lanh lợi hoạt bát. Ngoài lao động thường xuyên, ông ăn toàn thức ăn khô, rau xanh, cá tươi, uống nước chè xanh. Cụ Phan Quyện 93 tuổi vẫn cùng cụ bà và cô con gái làm 3 sào ruộng, 2 sào đậu phộng. Hàng ngày, cụ đều đặn với việc đồng áng. Cụ cho hay, cứ 4 giờ sáng thức giấc, sau khi tập thể dục xong, một mình cụ ra đồng làm cỏ ruộng, cỏ đậu đến trưa về nghỉ ngơi. Chiều  cụ lại tiếp tục ra đồng đến tối mịt mới về. Cụ có 8 người con, gần 30 đứa cháu, 19 chắt.

Theo những bậc cao niên trong làng, người dân Trúc Lâm sống chan hòa, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Tình làng nghĩa xóm luôn đặt lên trên. Trong làng có người lớn tuổi đau ốm, các cụ thường thăm hỏi, động viên chia sẻ. Người lớn tuổi luôn là tấm gương cho con cháu noi theo. Những giá trị sống cao đẹp ấy luôn được người dân Trúc Lâm gìn giữ như một bí quyết để trường thọ.

PHAN LÊ

Tin cùng chuyên mục