Làng Vây nằm ở xã Tân Long, Hướng Hóa, Quảng Trị. Nơi đây, thời chiến tranh, địch xây dựng một căn cứ hết sức vững chắc, có hệ thống công sự ngầm kiên cố bằng bê tông với 4 đại đội biệt kích và thám báo tinh nhuệ chốt giữ.
Năm 1968, chúng ta đã có một chiến thắng then chốt trong chiến dịch công kích, bao vây, xâm lấn tuyến phòng thủ đường 9 - Khe Sanh. Lần đầu tiên ta sử dụng xe tăng tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc, đánh dấu bước phát triển mới về tác chiến hiệp đồng binh chủng của Quân giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ.
Tiến đánh Làng Vây, quân giải phóng đã điều Trung đoàn 24 thuộc Sư đoàn 304, tăng cường thêm Tiểu đoàn bộ binh 2 thuộc Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, thêm sức của Tiểu đoàn pháo binh 2, Trung đoàn 675, 2 tiểu đoàn công binh, 1 tiểu đoàn xe tăng, hai đại đội đặc công, 1 đại đội súng máy, cùng một trung đội súng phun lửa.
Xuất phát từ Quảng Bình, ém quân trên rừng Trường Sơn, các đơn vị nhận lệnh tấn công Làng Vây từ đêm mùng 6-2-1968. Mở màn là pháo binh bắn tới tấp của quân ta, tiếp đó là bộ binh, đặc công, rồi xe tăng bỗng nhiên xuất hiện khiến địch co cụm khiếp sợ. Đến ngày 7-2-1968 quân ta chiếm được cứ điểm Làng Vây. Sự xuất hiện của lực lượng xe tăng đã làm quân địch hoảng sợ, bởi không tiên liệu được sự bất ngờ này. Đây là kỳ tích đưa xe tăng vào chiến trường của quân và dân ta bằng cách tháo rời các bộ phận của xe bí mật vào rừng sâu, lắp ráp và xuất trận.
Làng Vây nay thanh bình nép mình hai bên cánh gà của cung đường 9 lộng lẫy xuyên rừng lên biên giới Việt - Lào qua ngã Lao Bảo. Đường 9 đã giúp cho người Làng Vây từng bước hội nhập, mà trước mắt là thoát nghèo.
Trong chiến tranh, Làng Vây anh hùng. Những người con của bản làng, dưới mái nhà sàn nào cũng giúp bộ đội đánh giặc. Nay, Làng Vây được hưởng lợi từ đường 9 tráng nhựa hiện đại. Nhưng một nửa Làng Vây vẫn sống ở mức nghèo. Và người Làng Vây cần nhiều hỗ trợ hơn nữa để phát triển.
P.Minh