Lập cơ quan điều tra độc lập về phòng, chống tham nhũng

Ngày 1-11, Quốc hội (QH) thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống tham nhũng
Lập cơ quan điều tra độc lập về phòng, chống tham nhũng

Ngày 1-11, Quốc hội (QH) thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống tham nhũng.

  • Cần có phương án cụ thể hơn

Phó chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Trần Đình Nhã đánh giá, chưa bao giờ từ “tham nhũng” được nói với tần suất xuất hiện nhiều như hiện nay. Tham nhũng không chỉ là thách thức với Đảng, Nhà nước mà còn là thách thức với cả QH - cơ quan quyền lực cao nhất và thách thức cả sự kiên nhẫn, chịu đựng của người dân. Dẫn con số hơn 150 vụ án với 300 bị cáo được đưa ra xét xử về các tội danh liên quan đến tham nhũng thời gian qua, ông Nhã đặt câu hỏi: Sao chỉ xử được ngần ấy vụ và toàn án nhẹ, trong khi ở đâu cũng ta thán. “Phải chăng là thực tế bị bôi đen hơn? Tôi không nghĩ thế. Chính phủ cũng không nghĩ thế nên mới nhận định tham nhũng phức tạp, có dấu hiệu tăng trong ngành tài chính, ngân hàng, ở các tập đoàn kinh tế lớn… Tội phạm tham nhũng đang thử thách niềm tin của người dân.

Tham nhũng đang thách thức nhà nước, nhân dân, đánh vào tình cảm, danh dự của nhân dân. Tham nhũng đang buộc chúng ta phải tuyên chiến. Nhưng theo tôi, cuộc chiến chưa xảy ra hoặc nếu xảy ra thì cũng chưa đáng kể lắm vì chưa có thương vong gì nhiều. Tôi đề nghị QH nên bàn và có phương án tác chiến cụ thể hơn”, ông Nhã khẳng định. Muốn chống tham nhũng phải thay đổi cách đánh và người đánh. Về cách đánh, phải xem tham nhũng như tội xâm phạm an ninh quốc gia, một kẻ nội gián, một kẻ khủng bố như thế nào thì cũng phải được phép áp dụng như vậy để điều tra chống tham nhũng.

Cùng với việc lập Ban chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư đứng đầu, ông Nhã cho rằng đây là thời điểm chín muồi để QH lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm chống tham nhũng. Cơ quan này chỉ tập trung vào điều tra các tội tham ô, hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn. Đây sẽ là một cơ quan độc lập do QH lập ra. Giải pháp “mạnh tay” khác, ông Nhã đề nghị kỳ họp này, khi ban hành Nghị quyết về công tác tư pháp, QH quán triệt ngay việc không áp dụng án treo, không đặc xá, tha tù sớm với tội phạm tham nhũng.

Lập cơ quan điều tra độc lập về phòng, chống tham nhũng ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang). Ảnh: MINH ĐIỀN

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, tội tham nhũng muốn xử triệt để, phải thu hồi được tài sản tham ô, đừng để ai đó nghĩ “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Tội phạm tham nhũng ngày càng khó phát hiện bởi mang gương mặt của kẻ “ba liên”. Đó là liên doanh trong nội bộ, liên thông từ dưới lên trên và đặc biệt là liên kết với nhau chặt chẽ. Mà khi bị phát hiện, người tham nhũng cũng lại có “3 chạy”: chạy án, từ có tội thành không tội; chạy tội, từ tội nặng thành tội nhẹ và chạy tù, từ tù ngồi thành tù treo. “Tội phạm tham nhũng vì thế tha hồ yên tâm rỉ tai, động viên nhau làm tới, như kiểu một quảng cáo, không có gì phải lo vì trời mưa đã có ô, trời lạnh có áo và ốm đã có… thuốc” - nữ đại biểu ví von. Do vậy, chống tham nhũng nghĩa là phải đấu tranh dẹp nạn bè phái, cục bộ, bao biện, móc nối.

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cũng đã làm nóng nghị trường bằng hàng loạt câu hỏi liên quan đến thực tế PCTN: Tại sao càng chống càng mạnh lên. Phát hiện thì nhiều mà xử lý thì ít? Đề nghị năm 2013 và các năm tới mở cuộc vận động về tiết chế lòng tham; mở cuộc vận động từ chức… Cũng theo đề nghị của ĐB Đỗ Văn Đương, năm 2013, Chính phủ, kiểm toán tập trung vào các lĩnh vực mà dân bức xúc. “Hiện nay, chống tham nhũng mới chỉ là xử lý các vụ án tham nhũng vặt. Thật cay đắng là tham nhũng dăm ba triệu thì bị bỏ tù còn hàng loạt các vụ án lớn thì đầu voi đuôi chuột”, ĐB Đương thẳng thắn.

Về việc ít phát hiện tham nhũng, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng đặt câu hỏi, có phải do cơ chế chưa cho phép cơ quan điều tra tiếp cận đối tượng tham nhũng. “Đề nghị xây dựng lực lượng điều tra chống tham nhũng độc lập với công an để chuyên điều tra những… ông lớn, vì trước nay mới chỉ bắt được những vụ kiểu “con mèo ăn miếng mỡ”, chưa bắt được “con cọp cắp con heo” - ông Thuyền nói.

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) phân tích sâu hơn những hạn chế trong công tác PCTN hiện hành, trong đó có việc cơ quan thanh tra chưa bảo đảm tính độc lập của mình; nội dung kết luận thanh tra không xác định trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý Nhà nước, các cá nhân, thể hiện điển hình qua kết luận thanh tra của Vinashin, Vinalines. Tiếp cận kết quả thanh tra còn nhiều khó khăn. ĐB Nga cũng cho rằng, vai trò kiểm toán chưa được đề cao theo Luật PCTN.

“Là công cụ để QH giám sát Chính phủ nhưng kiểm toán nhà nước chẳng thuộc QH cũng không thuộc Chính phủ. Điều này dẫn tới nhiều bất cập về vai trò, vị trí của kiểm toán trong PCTN. Trong khi đó, đối tượng tham nhũng là người có chức vụ quyền hạn nên nhiều khả năng họ sử dụng quyền lực để chống lại điều tra. Tôi đề nghị cho phép cơ quan công an được áp dụng cơ chế điều tra độc lập đối với PCTN”, bà Nga đề nghị.

Nữ ĐBQH này cũng đòi hỏi, cần trả lời rõ tại sao trong vụ Vinashin lại không phát hiện được tội phạm tham nhũng. Bộ trưởng Bộ Công an cần trả lời có hay không dấu hiệu tham nhũng ngay trong lực lượng làm công tác PCTN?

ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) cho rằng, tội phạm tham nhũng vẫn là nỗi đau thấu xương, không yên lòng đối với cả người còn sống lẫn người đã khuất. “Phải xây dựng niềm tin để người dân PCTN. 489 ĐBQH và toàn bộ thành viên Chính phủ cần tuyên hứa trước quốc dân đồng bào về quyết tâm PCTN; mỗi thành viên Chính phủ cam kết không phạm vào tội tham nhũng”, ĐB Dung tha thiết. Đặc biệt, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đề nghị trong trường hợp cần thiết QH cần xem xét thành lập ủy ban điều tra đặc biệt với những người giữ chức vụ cao có dấu hiệu tham nhũng, làm cơ sở để QH bỏ phiếu tín nhiệm.

  • Đề nghị sửa đổi tuổi thành niên đối với tội phạm

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, trong số các nguyên nhân dẫn đến tội phạm gia tăng có nguyên nhân về kinh tế. “Có khi chỉ mấy trăm ngàn đã xảy ra án mạng; hội nhập quốc tế khiến du nhập nhiều thứ lai căng. Để chống tội phạm phải giải bài toán kinh tế, nợ xấu. Nợ xấu do tham nhũng phải xử hình sự; nợ xấu do doanh nghiệp cố ý cũng phải xử nghiêm; không được lấy một đồng cắc nào của ngân sách để giải quyết nợ xấu. Cần cơ chế đặc biệt để PCTN trong tái cơ cấu kinh tế, nhất là ở lĩnh vực ngân hàng”, bà An nói. ĐB này cũng đề xuất tăng chính sách cho ngành tòa án để có thêm nhiều “Bao công” xử án, đủ công nghệ để chống lại các hình thức tinh vi của tội phạm. Tăng đời sống của cán bộ ngành công an, tòa án để không tiêu cực.

ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) lại chỉ ra một thực tế khác, đó là nạn “bảo kê” hiện đang rất nhức nhối, làm cho tội từ nặng thành nhẹ. Bảo kê có hầu hết ở các lĩnh vực, ở khắp nơi, làm biến dạng nhiều vấn đề, rất cần ngăn chặn. Nhiều ĐBQH cũng tỏ ra lo lắng trước diễn biến ngày càng phức tạp của tội phạm, gia tăng cả về số vụ cũng như tính chất nghiêm trọng của vụ án. Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) nói tội phạm không chỉ có ở ngoài xã hội mà còn có ngay trong gia đình, nhiều vụ án con giết cha, vợ giết chồng, anh giết em... rất đau lòng, gây bức xúc trong dư luận.

Thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long), Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh nêu con số: trong các năm gần đây, mỗi năm trung bình có 16.000-18.000 trẻ em phạm tội, chiếm trên 15% tổng số tội phạm. Có 65% vụ phạm pháp của trẻ vị thành niên có sử dụng vũ khí nóng, hung khí. Nhiều vụ kẻ phạm tội dã man, mất hết tính người. “Chúng ta phải sửa đổi độ tuổi thành niên cho phù hợp. Hiện có nhiều nước đã đưa tuổi thành niên xuống 16, có nước quy định 12 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, 14 tuổi phải chịu trách nhiệm đầy đủ” - ông Ngũ kiến nghị. 

NHÓM PV


  • Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ sẽ chống tham nhũng quyết liệt hơn 

Để ngăn ngừa tội phạm, cần tăng cường công tác giáo dục ý thức của từng người dân, nhất là giới trẻ. Về PCTN, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách PCTN. Hoàn chỉnh những kẽ hở trong pháp luật, quản lý nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, ngân hàng, cán bộ công chức... để tăng cường PCTN. Thực hiện chính sách cho người làm công ăn lương tốt hơn để bảo đảm ngăn ngừa các tiêu cực. Xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm hơn, nhanh hơn, đồng thời với đó kiện toàn các cơ quan PCTN, nhất là công tác giám định tư pháp. Người đứng đầu các cơ quan phải chịu trách nhiệm nếu để cơ quan, đơn vị mình xảy ra tham nhũng; các cấp ủy, chính quyền phải tăng cường chỉ đạo, phát hiện các vụ việc tham nhũng, tránh tình trạng tội phạm tham nhũng chỉ do báo chí phát hiện.  

  • Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình: Khắt khe hơn trong xét hưởng án treo 

Tỷ lệ án treo hàng năm đã giảm nhiều, kể cả án treo tham nhũng. Việc áp dụng án treo là theo quy định của pháp luật. Có thể sửa luật để áp dụng những điều kiện khắt khe hơn trong việc cho hưởng án treo. Chúng tôi đã quy định không tái bổ nhiệm những thẩm phán cho hưởng án treo sai quy định; đình chỉ công tác xét xử đối với thẩm phán có quyết định sai trong cho hưởng án treo 2 vụ liên tiếp.  

L.NGUYÊN 

Tin cùng chuyên mục