Lợi dụng sự thông thoáng trong hoạt động xuất nhập khẩu, thời gian gần đây, nhiều đối tượng doanh nghiệp đã sử dụng các chiêu trò qua mặt hải quan nhằm buôn lậu, gian lận thuế… với hành vi ngày càng tinh vi, táo tợn.
Hải quan TPHCM kiểm tra hàng nhập khẩu. Ảnh: CAO THĂNG
Khai một đằng, nhập một nẻo
Cục Hải quan TPHCM cho biết, thời gian gần đây, đơn vị phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, táo tợn đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn. Trong đó, chủ yếu thuộc hành vi nhập khẩu hàng hóa không khai báo; khai báo sai số lượng hoặc tên hàng để gian lận thuế hay nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu. Thậm chí, có đối tượng còn sửa chữa, giả mạo hồ sơ chứng từ, giả mạo con dấu, chữ ký của công chức hải quan để trốn thuế, nhập lậu hàng cấm, hàng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhập khẩu theo quy định. Để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hải quan trong thông quan, doanh nghiệp còn mở nhiều tờ khai tại nhiều chi cục hải quan khác nhau cho cùng lô hàng…
Đơn cử, mới đây qua kiểm thực tế, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 và Đội Kiểm soát Hải quan phát hiện Công ty CP D.L đăng ký tờ khai nhập khẩu 7 mục hàng, nhưng 5 mục không có hàng, 2 mục còn lại chỉ có một ít hàng đúng khai báo hải quan, gồm phụ tùng xe đạp, đinh, bulong, khóa, bản lề, vòng bi, xuất xứ Đài Loan (Trung Quốc), mới 100%. Đáng chú ý, khi cơ quan hải quan kiểm tra, lại phát hiện có đến 50 mục hàng bách hóa các loại không khai báo hải quan, trong đó có thực phẩm các loại, rượu, mỹ phẩm. Đây là những mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, nhưng doanh nghiệp không xuất trình được giấy phép kiểm tra chuyên ngành. Trị giá hàng vi phạm về hành vi khai thuế gần 400 triệu đồng, gian lận thuế gần 50 triệu đồng và trị giá hàng hóa nhập khẩu không khai báo, hàng nhập khẩu có điều kiện gần 1,2 tỷ đồng. Trước đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cũng đã kiểm tra và tạm giữ 1 container chứa động cơ ô tô đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, do Công ty TNHH Cái Bè làm thủ tục nhập khẩu qua cảng Cát Lái TPHCM. Trên tờ khai hải quan, doanh nghiệp khai báo hàng nhập khẩu 9 cái tuabin thủy lực dùng cho ghe dưới 1.000 KW, toàn bộ hàng hóa mới 100%. Thế nhưng, qua kiểm tra thực tế lô hàng, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện tất cả 9 động cơ nhập khẩu đều đã qua sử dụng, trong đó có 8 cái là động cơ ô tô, thuộc Danh mục hàng cấm nhập khẩu; 1 cái thuộc động cơ đa năng...
Đại diện Cục Hải quan TPHCM cho biết, việc kiểm tra, phát hiện hàng hóa nhập lậu như nêu trên gặp rất nhiều khó khăn do doanh nghiệp viện đủ lý do để chối bỏ hàng vi phạm pháp luật hải quan, nhất là hàng cấm. Nhiều trường hợp doanh nghiệp khai báo bổ sung nhiều lần, nhưng khi cơ quan hải quan kiểm tra vẫn phát hiện rất nhiều mặt hàng nhập lậu. Hay lô hàng được hệ thống phân vào luồng đỏ hoặc khi bị cơ quan hải quan, các lực lượng chức năng liên quan phát hiện có sai phạm, doanh nghiệp lập tức đối phó bằng cách xin sửa tờ khai, khai bổ sung cho phù hợp với bộ chứng từ thật, xin hủy tờ khai sau đó khai lại tờ khai khác, thậm chí từ chối nhận hàng.
Chấn chỉnh khâu kiểm tra
|
Trong lĩnh vực gia công, đầu tư nước ngoài, với thủ đoạn nhập khẩu thành phẩm hoặc bán thành phẩm để lấy xuất xứ Việt Nam, doanh nghiệp có hành vi gian lận về số lượng, chủng loại của nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, khai gian định mức để đưa nguyên phụ liệu dư thừa, sản phẩm hoàn chỉnh vào tiêu thụ nội địa nhằm trốn thuế nhập khẩu. Tình trạng hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng gia tăng, tập trung vào các mặt hàng rượu ngoại, thuốc lá điếu, phân bón, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh…
Theo đánh giá của Vụ Pháp chế - Tổng cục Hải quan, trên thực tế, để xảy ra hiện tượng này, một phần là do công tác thanh kiểm tra trong ngành vẫn tồn tại những hạn chế nhất định, không riêng gì địa bàn TPHCM mà diễn ra hầu hết trên cả nước. Cụ thể, một số đơn vị còn nhiều sai sót trong việc lập biên bản vi phạm hành chính như: Chưa đảm bảo tính kịp thời, trích dẫn căn cứ liên quan chưa chính xác, thông tin sơ sài… Một số vụ vi phạm có trị giá tang vật vi phạm lớn, số thuế gian lận, trốn thuế lớn (trên 100 triệu đồng) nhưng trong hồ sơ xử phạt không thể hiện kết quả điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm; không có biên bản làm việc với tổ chức, cá nhân vi phạm.
Tổng cục Hải quan cũng đề nghị các đơn vị khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải tiến hành lập biên bản vi phạm kịp thời, đầy đủ theo quy định. Khi xem xét hồ sơ vụ việc, nếu có đủ cơ sở xử lý hình sự trong trường hợp phát hiện vụ việc vi phạm xuất nhập khẩu hàng cấm, tang vật có trị giá lớn, người có thẩm quyền xem xét việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định, chuyển giao hồ sơ, tang vật vi phạm cho cơ quan điều tra tiến hành thủ tục tố tụng hình sự. Mặt khác, cần tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát các vụ vi phạm đã giải quyết, khắc phục các hạn chế, thiếu sót còn tồn tại để hoàn thiện, chấn chỉnh nhằm đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, xây dựng kế hoạch, xác lập chuyên đề, chuyên án đấu tranh hiệu quả với buôn lậu, gian lận thương mại và chống thất thu thuế.
LẠC PHONG