Đến ngày 30-4, tất cả các trường THPT đã hoàn tất việc đăng ký dự thi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, trong đó tỷ lệ thí sinh đăng ký môn thi tự chọn là Vật lý, Hóa học vẫn soán ngôi, còn môn Địa lý, Sinh học, Lịch sử vẫn lép vế.
Đặc biệt, số phận môn Lịch sử vẫn hẩm hiu - đứng hạng chót. Điều đáng buồn là có nhiều trường THPT trong cả nước chỉ đếm trên đầu ngón tay số học sinh chọn môn Lịch sử và có trường không một em nào đăng ký. Chưa có con số thống kê cụ thể về số học sinh cả nước đăng ký dự thi môn Lịch sử nhưng hy vọng tăng hơn năm trước (2015 tỷ lệ là 15,3%) là khá mong manh. Đây là sự thật hiển nhiên và nó cảnh báo về bức tranh đào tạo khối ngành khoa học xã hội - nhân văn tiếp tục thu hẹp quy mô, khó tuyển sinh ở khối C (Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý).
Lý giải thực tế thí sinh TPHCM không chọn môn Lịch sử, Địa lý, nhiều hiệu trưởng trường THPT cho rằng quy chế thi do Bộ GD-ĐT quy định đối với hai môn này là làm bài tự luận trong 180 phút, rất nặng, trong khi chọn Vật lý, Hóa học làm bài trắc nghiệm trong 90 phút nhẹ nhàng, dễ lấy điểm. Hơn nữa, tổ hợp xét tuyển vào ĐH, CĐ đối với môn Lịch sử, Địa lý cũng rất ít và cánh cửa nghề nghiệp đối với ngành xã hội - nhân văn cũng hẹp, thu nhập lại thấp… Chính vì thế, nhà trường đã định hướng, tư vấn nhưng nhiều học sinh dù học giỏi Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý cũng quay lưng với môn học mà mình yêu thích, có năng khiếu và quay sang chọn Vật lý, Hóa học để rộng đường chọn tổ hợp xét tuyển ĐH, CĐ lẫn việc làm trong tương lai. Tuy nhiên, những câu hỏi học ngành gì để dễ kiếm việc làm, thu nhập cao luôn đè nặng tâm trạng của thí sinh lẫn phụ huynh khi đặt bút đăng ký môn thi và chọn trường. Dù chọn tổ hợp thi khối A, A1, D… có nhiều cơ hội đậu ĐH với những ngành “hot”, thời thượng thì chắc gì sau khi ra trường, sinh viên đã chạm vào giấc mơ có việc làm ngay? Trong khi đó, nhiều ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn có triển vọng như tâm lý học, du lịch - lữ hành, công tác xã hội… có triển vọng thì chưa được nhiều thí sinh quan tâm. Lỗi tại ai?
Sự chọn lựa nghề nghiệp “lệch pha” và không sát với nhu cầu của xã hội, xu hướng hội nhập khu vực ASEAN sẽ khiến cho thị trường lao động Việt Nam mất cân đối nghiêm trọng về đào tạo ngành nghề. Trong khi nhiều ngành nghề đã bội thực, tỷ lệ thất nghiệp cao như kinh tế - tài chính, thương mại, sư phạm, y dược…thì học sinh vẫn nhào vô đăng ký, “học đại” để lấy tấm bằng. Ngược lại, thị trường lao động phát triển đang cần tuyển dụng nhiều vị trí, công việc thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn lại không tìm ra ứng viên. Tâm lý của một bộ phận giới trẻ, thích an phận, chọn học những ngành nghề dễ xin vào khu vực nhà nước để làm việc chưa hẳn là lựa chọn hoàn hảo, bởi thị trường lao động thời mở cửa, hội nhập với khu vực ASEAN có rất nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cao. Thách thức lẫn chìa khóa để mở ra cơ hội này đòi hỏi giới trẻ dám thay đổi nhận thức, dám dấn thân vào đam mê nghề nghiệp, sở trường của mình chứ không nên học đại, học ngành nghề mà mình không yêu thích, xã hội cũng không có nhu cầu.
HÀ KHÁNH