Lấy gì nuôi di tích?

Sau đợt giám sát các di tích, di sản trên địa bàn TPHCM mới đây, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng, đây là khối tài sản giá trị cực lớn nhưng khai thác chưa đúng mức so với tiềm năng và giá trị: “Đi nước ngoài, tôi thấy các tour du lịch đều giới thiệu khách vào bảo tàng. Trong khi đó, tôi thấy báo cáo của chúng ta quá khiêm tốn, như vậy tính ra không khai thác du lịch được bao nhiêu”. Cụ thể, trung bình mỗi năm TPHCM đón 7 triệu khách du lịch nước ngoài và 29 triệu khách trong nước, nhưng khi đến bảo tàng, theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao, khách trong nước chưa tới 2,7 triệu lượt và khách nước ngoài là 1,3 triệu lượt. Đây là con số quá thấp! Đó là chưa nói, trong số khách trong nước tìm đến không thể không có việc phối hợp với các trường học tổ chức đưa học sinh đến để “đếm lượt” khách tham quan. Chưa hết, có đại biểu còn ngạc nhiên vì không biết rằng ở huyện Cần Giờ có di tích khảo cổ Giồng Cá Vồ, niên đại gần 3.000 năm.

Dẫn chứng trên nói lên điều gì? Đầu tiên là việc quảng bá, gắn kết của lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng với khai thác du lịch quá sơ sài, thiếu “nhạc trưởng”. Thứ hai, vì thiếu gắn kết nên không thu hút được một phần nguồn lực của xã hội để lấy di tích nuôi di tích. Việc ai nấy làm, dẫn tới thực trạng “linh hồn” của TP bị mai một, bề dày trầm tích lịch sử nhiều trăm năm của thành phố có nguy cơ bị xóa sổ rất nhiều!

Đó là nói về khai thác, còn công tác bảo tồn, trùng tu thì sao? Mười năm qua, từ 2009 đến 2019, TPHCM chi 500 tỷ đồng cho việc bảo tồn, trùng tu 32 di tích. Theo tính toán của một vị đại biểu HĐND TPHCM, trung bình mỗi năm TP chi 50 tỷ đồng, nếu chia cho 32 di tích được trùng tu thì mỗi di tích sẽ có 1,5 tỷ đồng. Nếu lấy 50 tỷ đồng chia cho 172 di tích đã được xếp hạng và cũng rất cần trùng tu, mỗi năm có khoảng 300 triệu đồng cho mỗi di tích - một con số quá khiêm tốn so với một thành phố đóng góp 27 - 28% vào ngân sách cả nước. Vì quá ít kinh phí để tôn tạo, trùng tu nên đụng đến di tích nào cũng có vấn đề như mái ngói chợ Bến Thành, Chùa Ngọc Hoàng bị mục, hay có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào như Đình Xóm Huế, Củ Chi... Có luồng dư luận hoài nghi, vì bố trí kinh phí quá ít, lấy cớ không chi tiền trùng tu di tích mà đẻ ra thủ tục nhiêu khê, kéo dài, dẫn đến thực trạng có di tích nhiều năm qua làm đủ loại thủ tục mà không có nguồn ngân sách để trùng tu? Từ đây, lại đẻ ra thực tế hết sức báo động: ban quản lý hoặc chủ nhân không muốn đưa di tích vào xếp hạng để bảo tồn, bởi vì dễ dàng trùng tu hoặc (nếu cần) đập bỏ cũng hết sức đơn giản, chẳng cần đơn thư trình báo. Thế là, nhiều di tích dần dà biến thành phế tích, rồi mất tích, như đã xảy ra đối với 540 biệt thự cũ ở các quận trung tâm TP.

Trước tiên, muốn giữ gìn di tích, chúng ta cần phải có thái độ ứng xử đúng đắn như lời người xưa răn dạy: “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Và đây là lần đầu tiên HĐND TPHCM có chuyến giám sát khá kỹ đối với lĩnh vực di tích, di sản. Nhận thức được sự cấp bách, lãnh đạo HĐND TP đã yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở TP phải nhanh chóng hoàn thiện đề án để trình HĐND TP ban hành nghị quyết, là cơ sở pháp lý để ứng xử toàn diện với di tích, di sản một cách nghiêm túc. Đừng để con cháu chúng ta, du khách năm châu bốn bể chỉ biết TPHCM là những tòa nhà chọc trời mà quên mất một TP có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Tin cùng chuyên mục