Lấy lại uy tín cho VFF

Quyền Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), ông Lê Hùng Dũng, phát biểu: “Thời điểm này không ai muốn làm Chủ tịch của VFF. Một số vị trí khác cũng chẳng có người mới. Thế nên, nếu tại kỳ bầu cử sắp đến mà không ai được tín nhiệm thì cũng đành phải chấp nhận”. Theo ông Lê Hùng Dũng lý giải, thực trạng hiện nay của bóng đá Việt Nam có quá nhiều vấn đề, như: bạo lực, chuyên môn thấp… Những điểm sáng như U.19 Việt Nam hay các trận đấu hấp dẫn tại V-League quá ít, không đủ sức hấp dẫn các nguồn lực bên ngoài tham gia gánh vác công việc của VFF.

Chúng tôi cho rằng, cần đặt ngược lại vấn đề. Phải chăng vì VFF suốt 2 nhiệm kỳ 5, 6 đã làm việc kém cỏi, thiếu hiệu quả nên bóng đá Việt Nam thay vì phát triển lại đi thụt lùi? Hơn ai hết, là Phó chủ tịch phụ trách mảng tài chính của VFF suốt 2 nhiệm kỳ nói trên, ông Lê Hùng Dũng đã chứng kiến một nguồn tài chính khổng lồ ngoài xã hội đầu tư cho bóng đá.

Có mùa giải, số tiền giải ngân cho V-League lên đến cả ngàn tỷ đồng đi cùng sự bùng nổ số lượng các CLB chuyên nghiệp. Đời sống cầu thủ tăng cao, trở thành những “tỷ phú đá bóng” đi xe sang, xài đồ hiệu.

Bóng đá nội địa tràn ngập trên truyền hình, tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa - giải trí.

Thế nhưng, thay vì tiến một bước dài đến bóng đá chuyên nghiệp thực thụ thì chính bóng đá đã lãng phí sự đầu tư của xã hội, gây ra bức xúc và tác động tiêu cực đến đời sống người dân thông qua hình ảnh bạo lực, tiêu cực và sự xuống cấp về văn hóa ứng xử. Lỗi đó của ai nếu không phải là VFF, tổ chức thay mặt nhà nước quản lý bóng đá?

Uy tín (hoặc có thể nói là sự hấp dẫn) của một tổ chức, một cá nhân phải đến từ thành quả mà công việc của họ mang lại. Từ vai trò của một hình mẫu trong hệ thống các liên đoàn thể thao tại Việt Nam, giờ đây VFF lại biến thành ví dụ tiêu biểu khi người ta đề cập đến sự sa sút chung của chiến lược xã hội hóa thể thao. Ở môn quần vợt, bóng chuyền… có chuyện gì không hay, người ta đều lấy VFF ra để so sánh theo kiểu “bóng đá còn như thế, nói gì chúng tôi”.

Tại TPHCM, các phụ huynh ở những trường tiểu học, trung học đa số từ chối cho con mình theo học ngoại khóa môn bóng đá vì sợ… hư hỏng, không có tương lai. Thậm chí, ngay ông bầu Đoàn Nguyên Đức còn từ chối quyết liệt việc cho đội U.19 của mình tham gia V-League vì sợ “dính bệnh”. VFF đã điều hành nền bóng đá như thế nào để môn thể thao số 1 của quốc gia lại trở nên như vậy?

Thế nên, muốn thay đổi thể diện của bóng đá Việt Nam trước khi thu hút được nguồn lực xã hội tham gia cùng thì VFF phải thay đổi ngay từ tổ chức của mình. Không thể đợi cho làng bóng tốt đẹp hơn để nâng cao hình ảnh của mình, mà phải bắt đầu lấy lại uy tín cho chính VFF từ những hành động và chiến lược cụ thể trong việc cải tổ bóng đá Việt Nam. Người ta không quan tâm đến việc ai ngồi vào những chiếc ghế của VFF nhiệm kỳ 7 mà là họ đã có kế hoạch sẽ làm gì cho bóng đá Việt Nam. Không thể có chuyện tuyên bố Việt Nam sẽ dự World Cup trong tương lai nhưng hiện tại lại không có một chiến lược dài hạn, được đánh giá cao về tính khả thi.

Đúng như lời ông Lê Hùng Dũng trăn trở, không thể thay đổi được thực trạng hiện nay của VFF. Chính vì thế, mới hy vọng ông Lê Hùng Dũng cùng những cộng sự của mình nếu được bầu vào khóa mới, bắt tay ngay vào việc lấy lại uy tín cho VFF bằng những hành động cụ thể hơn, quyết liệt hơn và có cái tâm với bóng đá Việt Nam hơn.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục