Năm học 2010 - 2011, Bộ GĐ-ĐT đặt mục tiêu trường ĐH-CĐ phải thực hiện công tác sinh viên đánh giá giảng viên. Chủ trương lấy ý kiến “khách hàng” để thay đổi cho phù hợp được đồng tình từ phía các trường, giảng viên lẫn người học. Nhưng, làm thế nào để việc đánh giá được khách quan, nói thẳng, nói thật nhưng không ảnh hưởng đến tâm lý và vị thế của người thầy trong xã hội vẫn làm nhiều trường lúng túng.
Cần phải có phản hồi từ “khách hàng”
Nhiều trường như ĐH Cần Thơ, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Sư phạm TPHCM, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM… đã thực hiện lấy ý kiến người học từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, mỗi trường có mỗi cách làm khác nhau: Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) lấy ý kiến sinh viên về giảng viên theo chuẩn đầu ra mà nhà trường xây dựng; Trường ĐH Khoa học Tự nhiên chỉ lấy ý kiến sinh viên qua mạng về khảo sát môn học, khóa học để đánh giá chất lượng đào tạo; có trường phát phiếu cho sinh viên đánh giá.
Ông Huỳnh Thanh Tiến, Phó Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH An Giang cho biết: Trường vừa thành lập Ban chỉ đạo thực hiện lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về giảng viên. Nhà trường chọn sinh viên khoa sư phạm làm thí điểm và kết quả thu được có khoảng 90% sinh viên phản hồi. Tuy nhiên, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm nên cần có lộ trình thực hiện, phải thông báo rộng rãi đến giảng viên, sinh viên để lấy ý kiến phản hồi cho chương trình khảo sát ý kiến đại trà vào tháng 2 đến tháng 5. Kết quả sẽ là một trong những tiêu chí để xếp loại thi đua, hoạt động của giảng viên và cán bộ nhà trường. Vấn đề quan trọng nhất mà nhà trường lo ngại là sinh viên đánh giá chủ quan, đôi khi người thầy dạy chưa hay, nhưng cho điểm cao thì sinh viên sẽ đánh giá tốt và ngược lại ông thầy hơi khó sẽ bị cho là không tốt… Như thế, không đảm bảo tính chính xác, khách quan nên trường đã thành lập ban kiểm tra lại những kết quả khả nghi bao gồm trưởng các bộ môn, phòng công tác sinh viên, phòng kiểm định chất lượng để đảm bảo sự công bằng cho các thầy.
Ông Lê Xuân Sinh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Trường ĐH Mở TPHCM cho rằng: Lấy người học làm trung tâm để phục vụ thì việc lấy ý kiến phản hồi của “khách hàng” về giảng viên, môn học là việc làm tốt để thay đổi cho phù hợp. Vấn đề đặt ra là làm sao khơi gợi để sinh viên chịu nói, nói thẳng thắn và đúng thực tế. Trường sẽ gợi ý những nội dung chính để lấy ý kiến của sinh viên chủ yếu xoay quanh chất lượng giảng dạy, bài giảng, tác phong… Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận công bằng hơn trong bối cảnh thầy cô cũng chịu nhiều áp lực vì đội ngũ giảng viên thiếu, việc dạy dồn, chạy xô không tránh khỏi.
Việc sinh viên đánh giá giảng viên quá tế nhị nên nhiều trường đại học rất e dè trong việc triển khai và chưa dùng kết quả để đánh giá giảng viên mà chỉ mang tính tham khảo nội bộ. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên không tổ chức lấy ý kiến SV về giảng viên, không để tên giảng viên trong phiếu khảo sát. Nhà trường chỉ lấy ý kiến sinh viên qua mạng về khảo sát môn học, khóa học để đánh giá chất lượng đào tạo.
Làm sao để khỏi mất lòng
Đánh giá giảng dạy là một công việc khá mới đối với giáo dục đại học Việt Nam cả về lý luận lẫn thực tiễn. Trong khi đó, đối với các nền giáo dục khác trên thế giới đã thực hiện điều này từ rất lâu và đây là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề áp dụng việc làm này vào nền giáo dục có truyền thống “tôn sư trọng đạo” như nước ta cần phải làm khéo léo. “Chúng ta cần xác định mục đích của đánh giá là để làm gì hay chỉ làm theo phong trào thì cách làm và kết quả cũng khác nhau. Nếu mục đích làm là để biết sai đâu sửa đó, yếu chỗ nào bổ sung chỗ đó thì nhà trường lẫn giáo viên, sinh viên sẽ làm một cách công tâm, khách quan và cả 3 cùng có lợi. Còn nếu làm cho có, thấy người ta làm mình cũng làm theo thì chẳng có ý nghĩa gì” – một giáo viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên phân tích.
Xung quanh vần đề tên gọi, nhiều ý kiến đặt vấn đề chỉ nên chọn tiêu đề “lấy ý kiến phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên” chứ không nên gọi “sinh viên đánh giá giảng viên” để tránh làm mất lòng nhau. Cách gọi như vậy dễ được sự đồng thuận lớn của đội ngũ giảng viên. Hơn nữa, cách gọi này không có nghĩa là các thầy cô né tránh, càng không phải sợ bị đánh giá. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không nên giao việc này cho giảng viên làm mà phải có một bộ phận độc lập. Hoạt động này gắn với việc kiểm định chất lượng nên giao phòng khảo thí và kiểm định chất lượng của trường thực hiện. Thời điểm để thực hiện đánh giá tốt nhất là vào buổi dạy cuối cùng hoặc gần kết thúc học phần.
Đứng dưới góc độ là cán bộ quản lý và người tham gia giảng dạy, tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ lạc quan: Được sinh viên đánh giá thì người thầy sẽ giảng dạy tốt hơn. Trong năm qua vừa qua, bậc đại học bắt đầu thực hiện việc sinh viên đánh giá thầy. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là việc làm thiếu tế nhị, đi ngược lại với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc mình. Nhưng qua nhiều năm thực hiện, lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ khẳng định việc làm này mang lại lợi ích cho cả 2 phía. Sinh viên Việt Nam có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Do đó khi được cơ hội đánh giá thầy các em cũng luôn thể hiện tinh thần kính trọng thầy, các em cũng cân nhắc rất kỹ khi thực hiện việc đánh giá. Khi nhà trường thực hiện việc sinh viên đánh giá giáo viên là tạo cho các em có cơ hội nói lên những cảm nhận của các em về việc tổ chức giảng dạy của nhà trường, về khả năng giảng dạy của người thầy, việc này sẽ làm cho các em phấn khởi vì nhà trường thể hiện sự dân chủ đối với sinh viên.
Khi xem người học là “khách hàng” thì những thông tin thu được qua “lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên” chắc chắn sẽ hữu ích cho cả giáo viên lẫn cán bộ quản lý biết được “khác hàng” cần gì và mình cần cải thiện những khâu nào để nâng chất dịch vụ ngày một tốt hơn.
THANH HÙNG-TIÊU HÀ