- Khai mạc lễ hội “Sóng nước Tam Giang” TT-Huế
(SGGPO).- Lễ hội "Thống nhất non sông" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Quảng Trị đã được long trọng tổ chức vào 2 ngày 30-4 và 1-5-2010 tại khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.
Từ sáng sớm 30-4, dòng người đã đổ về khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đông nghịt. Lễ Thượng cờ diễn ra trang nghiêm và xúc động ở Kỳ đài Hiền Lương – bờ bắc sông Bến Hải.
Cách đây 56 năm, kẻ thù với dã tâm phá bỏ Hiệp định Giơnevơ, biến cầu Hiền Lương, sông Bến Hải thành giới tuyến chia cắt đất nước ta vĩnh viễn, đã ngày đêm dội bom, bắn pháo hủy diệt một cách tàn khốc nhất biến nhiều nơi dọc bờ sông từ thượng nguồn Vĩnh Ô về tới hạ nguồn Cát Sơn thành bình địa. Nhà cửa tan nát, người chết bên mâm cơm, người sống như hạt gạo trên sàng, rất khốc liệt. Nhưng càng chết chóc, càng đau thương thì lòng căm thù giặc của người dân càng cao, sự quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược càng lớn. Cùng với các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, lực lượng này đã góp phần quan trọng vào cuộc tổng tiến công và giành thắng lợi mùa Xuân năm 1975.
Dòng Bến Hải đêm 30-4 lung linh sắc màu của những bè hoa tưởng nhớ công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ.
* Sáng nay, 1-5, tại bến đò Cồn Tộc (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế) Ngày hội Sóng nước Tam Giang đã được khai mạc. Lễ hội diễn ra trong hai ngày 1-2/5 với nhiều hoạt động cộng đồng, văn hóa văn nghệ, thể thao, hội chợ làng nghề, ẩm thực, trưng bày, triển lãm, các trò chơi dân gian truyền thống…
Mở đầu là chương trình khai mạc triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật về phong cảnh làng quê, hoạt động sản xuất, các di tích lịch sử, văn hóa, đời sống sinh hoạt, con người Quảng Điền… Tiếp đến là Hội trại thanh niên Quảng Điền được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian, truyền thống và Hội chợ làng nghề ẩm thực với 35 gian hàng trưng bày giới thiệu các thành tựu, sản phẩm đặc trưng của các địa phương trên địa bàn. Các làng nghề truyền thống như: đan đát, bún bánh, chằm nón, thêu ren… cũng được thể hiện tại lễ hội như một nét văn hóa đặc sắc.
Ông Trần Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, lễ hội này nhằm quảng bá văn hoá địa phương, qua đó, bảo tồn những giá trị văn hóa dân gian, những làng nghề truyền thống, đánh thức tiềm năng du lịch của phá Tam Giang mà lâu nay chưa được khai thác đúng mức.
Đến với lễ hội, du khách vừa được tham gia du lịch ở trên Phá Tam Giang mênh mang sóng nuớc, vừa thưởng thức các món ăn nổi tiếng mà dân dã từ các làng quê, như: bún, bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, tôm chấy, bánh ướt thịt heo, xôi đường… và các món ăn đặc sản của phá Tam Giang.
Bên cạnh đó, người dân các làng nghề truyền thống (đan đát, làm bún bánh, chằm nón, thêu ren…) sẽ quảng diễn tại chỗ để du khách xem và có thể tham gia làm thử. Du khách còn được tham gia các hoạt động thể thao như Đu tiên, Vật võ, đua ghe câu trên phá Tam Giang-loại hình đặc trưng của vùng sống nước Quảng Điền...
Chương trình nghệ thuật được khai mạc vào tối 1-5 sẽ là điểm nhấn của ngày hội “Sóng nước Tam Giang” nhằm giới thiệu tiềm năng và những giá trị kinh tế, văn hóa, du lịch, thắm đượm bản sắc văn hóa dân gian của vùng đầm phá ven biển. Toàn bộ chương trình nghệ thuật tổng hợp sẽ được các nghệ sỹ biển diễu trên sân khấu nổi đặt trên mặt nước phá Tam Giang.
Quảng Điền từng là vùng đất biên cương cực nam của Tổ quốc với thành Hóa Châu lừng lẫy một thời. Nơi đây cũng từng là thủ phủ của các chúa Nguyễn trên con đường mở đất về phương Nam. Mảnh đất Quảng Điền đang ôm ấp trong mình những trầm tích văn hóa đa dạng, phong phú với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội, dân ca, dân vũ ghi dấu một thời vàng son của vùng đất lịch sử này. Đặc biệt là phá Tam Giang, nằm trong hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai rộng lớn nhất khu vực Đông Nam Á với nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, du lịch…
Theo ông Trần Giải, trong lễ hội sẽ có nhiều tour du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trên phá Tam Giang như câu cá đêm, ngắm cảnh sông nước Tam Giang lúc chiều tà... gắn với các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương như: đình làng Thủ Lễ, thành Hóa Châu, khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, làng nghề đan lát Bao La… để du khách có dịp tham quan, thưởng ngoạn, nghỉ ngơi…
Ngọc Uyên - Phan Lê-Văn Thắng
>> “Lễ hội thống nhất non sông” trên đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải