Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cần động viên cao nhất lực lượng và công sức để hoàn thành bộ Lịch sử Việt Nam với chất lượng tốt nhất. Đây là đề nghị của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong lời phát biểu với các đại biểu về dự Đại hội Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khóa VII, diễn ra ngày 30-11, tại Hà Nội.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu tham dự Đại hội
Những chiến sĩ xung kích trong thực hiện sứ mệnh khoa học lịch sử
Sau khi lắng nghe báo cáo tóm tắt quá trình hoạt động của hội trong khóa VI (2010 - 2015), cùng nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết tại đại hội, Chủ tịch nước chỉ rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm cần được thực hiện: Hoàn tất biên soạn bộ Khoa học Lịch sử Việt Nam theo chỉ thị của Ban Bí thư. Động viên các nhà sử học và trực tiếp tham gia với tư cách là một tổ chức tư vấn, phản biện vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trước hết là vai trò, chức năng của môn lịch sử trong giáo dục phổ thông, làm rõ tầm quan trọng đặc biệt của môn lịch sử. Học tập những phương pháp và kỹ năng tiên tiến, tranh thủ sự ủng hộ của giới sử học quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và giáo dục các vấn đề lịch sử của địa phương và nâng cao hiểu biết và niềm yêu thích của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với lịch sử dân tộc.
Trước những vận hội và thử thách đang đòi hỏi đất nước phải không ngừng phát triển, Chủ tịch nước khẳng định, trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã viết nên những trang sử hào hùng, nhưng cũng từng nếm trải nhiều đắng cay, gian truân. Lịch sử không chỉ là quá khứ mà còn soi chiếu hiện tại, dự báo tương lai. Lịch sử, văn hóa là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước, cội nguồn của sức sống, của sự trường tồn của dân tộc, nền tảng tinh thần quan trọng cho sự phát triển bền vững.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, các nhà sử học cần không ngừng nâng cao trình độ, phát huy cao trách nhiệm và nhiệt huyết, thực sự là những chiến sĩ xung kích trong thực hiện sứ mệnh khoa học lịch sử, đẩy mạnh việc nghiên cứu lịch sử thế giới để xây dựng những luận cứ khoa học cho các chiến lược quốc tế. Đảng, Nhà nước sẽ tạo những điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
Nâng cao vai trò tư vấn, phản biện
Tại đại hội, các nhà sử học đã tập trung bàn tới nhiều vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đó là việc học và dạy lịch sử trong nhà trường. Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, hội đã phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức 2 hội thảo quốc gia đánh giá thực trạng dạy và học môn lịch sử trong các trường trung học và đề ra các giải pháp khắc phục. Hội cũng kiến nghị trong lúc chưa biên soạn sách giáo khoa mới, cần bổ sung nội dung về lịch sử xác lập và đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thời điểm này, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã phát triển được 6.000 hội viên, công tác tại 59 hội, chi hội thành viên, trong đó có 33 hội cấp tỉnh, thành phố và 4 hội chuyên ngành. Với chức năng và nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam, hội đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, chủ trì các đề án, tích cực tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, thực hiện chức năng tư vấn, giám định và phản biện xã hội.
Hội đã kiến nghị và được Ban Bí thư chấp thuận xây dựng đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam, gồm 25 tập, 5 tập biên niên sự kiện. Dự kiến sau khi hoàn thành, bộ quốc sử sẽ là một dấu mốc lớn trong lịch sử phát triển của khoa học Việt Nam, cống hiến vô giá của các nhà sử học với đất nước.
Tại đại hội, các đại biểu đã bỏ phiếu và tiếp tục tín nhiệm bầu ban chấp hành mới gồm 64 thành viên, GS Phan Huy Lê tiếp tục được bầu giữ vai trò Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020.
MAI AN