Lịch sử không thể nào xóa bỏ

3 năm sau khi ra đời, phim tài liệu Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát, bản hùng ca giữa đời thường về những người dân tại xã Bình Châu và huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chính thức được trình chiếu tại Hà Nội sau khi đã qua nhiều nước trên thế giới. Và lúc này, André Menras Hồ Cương Quyết, người nước ngoài đầu tiên được trao quốc tịch Việt Nam, đạo diễn - tác giả  kịch bản bộ phim tài liệu đặc biệt này mới cảm thấy nhẹ lòng vì đã trả được món nợ ân tình…

Phim Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát

3 năm sau khi ra đời, phim tài liệu Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát, bản hùng ca giữa đời thường về những người dân tại xã Bình Châu và huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chính thức được trình chiếu tại Hà Nội sau khi đã qua nhiều nước trên thế giới. Và lúc này, André Menras Hồ Cương Quyết, người nước ngoài đầu tiên được trao quốc tịch Việt Nam, đạo diễn - tác giả  kịch bản bộ phim tài liệu đặc biệt này mới cảm thấy nhẹ lòng vì đã trả được món nợ ân tình…

Thông điệp về chủ quyền

Năm 1968, André Menras tới Việt Nam dạy tiếng Pháp tại Lycée Blaise Pascal ở Đà Nẵng và năm 1970 tại Trường Phổ thông Trung học Jean-Jacques Rousseau ở Sài Gòn. Với tinh thần phản đối chiến tranh và đứng hẳn về phía cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, André Menras đã cùng bạn là Jean-Pierre Debris leo lên tượng Thủy quân Lục chiến ở Sài Gòn để treo cờ xanh đỏ vàng. Vì hành động này, André Menras và Jean-Pierre Debris đã bị xử tù. Trong thời gian ở tù, ông bắt đầu học tiếng Việt và coi đó là một công cụ để đấu tranh. Ra tù, trở về Pháp, hai ông tiếp tục cuộc đấu tranh cho độc lập và thống nhất của nước Việt Nam.

André Menras Hồ Cương Quyết cho biết: “Năm 2006, khi đến Nha Trang, tôi vô tình được tin tàu cá ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắt. Hàng ngàn câu hỏi tại sao được đặt ra. Vì thế, quyết định sẽ tự mình tìm ra sự thật. Tôi bắt tay vào nghiên cứu rất kỹ lịch sử Việt Nam, về bản đồ, về luật pháp quốc tế và thấy rằng, Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam từ hàng trăm năm trước. Chính sự tò mò ấy đã dẫn tôi đến với Lý Sơn để gặp gỡ, trò chuyện với chính các ngư dân, những người đang ngày đêm giong thuyền ra biển. Không thể xóa bỏ được được lịch sử”.

Những tháng ngày cùng ăn ở, cùng ra khơi chài lưới rồi về chia nhau từng con cá, chén rượu, đã đem lại cho André Menras Hồ Cương Quyết nhiều trải nghiệm bất ngờ. Ông tâm sự: “Sinh ở Hérault, miền Nam nước Pháp, trong tôi có một sợi dây gắn bó tự nhiên với biển khơi. Khi đến vùng biển Quảng Ngãi, ban đầu tôi cũng gặp nhiều ánh mắt e ngại của những người dân nơi đây. Song sau nhiều buổi trò chuyện làm quen, mọi sự trở nên dễ dàng hơn.

Chỉ 3 tháng ở đây, được tận mắt chứng kiến cuộc vật lộn mưu sinh của những người dân hiền lành, được nghe muôn vàn câu chuyện của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, của những đứa bé mất cha, tôi mới thực sự thấu hiểu nhiều điều”. Những con tàu nhỏ bé đối diện với những cơn bão khủng khiếp ngoài biển khơi đã là một thách thức, nhưng thách thức lớn hơn mà họ không ngờ đến đó là sự hung hãn từ chính những kẻ xâm phạm ngư trường truyền thống, vùng đánh bắt cá của cha ông.

Nguy hiểm luôn rình rập song họ vẫn kiên cường bám biển. Cuộc sống khốn khó giữa biển khơi không quật ngã ý chí của họ, bởi họ thuộc về biển, Hoàng Sa là nhà của họ, như ngàn đời nay vẫn thế. Và đó là động lực tiếp thêm quyết tâm cho tôi để thực hiện bằng được một bộ phim tài liệu về những người anh hùng bình dị ấy”. Trước khi được chiếu ở Việt Nam, nó đã lên đường đi Pháp, Đức, CH Séc, Ba Lan… và nhận được sự ủng hộ của bạn bè thế giới. Giờ đây, khi bộ phim  được chiếu cho chính người Việt mình xem, ông đã cảm thấy trả được “món nợ” với những ngư dân Quảng Ngãi, những người không quản hiểm nguy, ngày đêm bám biển để giữ lấy chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam.

Tiếp tục làm phim về Hoàng Sa

Là một người nhiều năm gắn bó với học sinh, ông cũng cho rằng việc giáo dục mỗi học sinh, thế hệ tương lai của đất nước về lịch sử, địa lý, về cội rễ cha ông là điều cực kỳ quan trọng. André Menras Hồ Cương Quyết kể: “Năm 2011, khi đến Lý Sơn, tôi có buổi nói chuyện về địa lý và lịch sử với học sinh lớp 10 tại đảo. Tôi hỏi: Các cháu có biết Lý Sơn cách Hoàng Sa bao nhiêu kilômét và ai có thể vẽ trên bảng những đảo ở Hoàng Sa? Không có ai biết. Mặc dù trên đảo có những ngôi mộ gió, nhà tưởng niệm của Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh, những gia đình có công khai phá đảo An Hải, song các em lại không hiểu rõ đó là ai, công lao của họ thế nào.

Thậm chí, trong lớp có em Thanh, bố và 6 anh em của ông mất tích trên biển ở đảo Bom Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nhưng em cũng chưa hề tìm hiểu, thậm chí không thể hình dung ra được hòn đảo đó nằm ở vị trí nào. Tôi thấy tiếc cho các em, nhưng đó là lỗi của người lớn. Ở Pháp, các thầy cô giáo thường dạy trẻ em, đặc biệt là từ mẫu giáo đến lớp 6, giúp chúng khơi dậy tính tò mò, hiếu kỳ, để chúng luôn biết cách đặt ra muôn vàn câu hỏi trước mỗi vấn đề chúng gặp phải, rồi lại tự mình háo hức đi tìm câu trả lời.

Nhưng ở Việt Nam, cách giáo dục theo kiểu bày sẵn kiến thức cho các em đã ảnh hưởng tới cách suy nghĩ và hành động của chúng. Điều này cần phải thay đổi. Phải có một công trình lớn, là việc quan trọng, phải làm gấp, trang bị đầy đủ kiến thức về địa lý, lịch sử của đất nước cho thanh, thiếu niên - tương lai của đất nước. Mình có thừa kế thì phải hiểu được thừa kế cái gì, bao nhiêu, ở đâu. Nếu không biết thì làm sao bảo vệ được”.

André Menras Hồ Cương Quyết chia sẻ: “Tôi là một thầy giáo, tôi không có những tuyên bố mạnh mẽ về chính trị, mà mọi câu chuyện, góc nhìn của tôi đều bắt đầu từ con người. Tôi biết, muốn đấu tranh có hiệu quả thì phải thuyết phục dư luận. Chiếu phim về con người, những người vợ góa, những người kể lại câu chuyện chân thực về chính bản thân họ sẽ dễ tạo được tiếng nói đồng cảm.

 Từ những câu chuyện nhân văn đó, chính người dân ở các nước sẽ tự cảm nhận và gây áp lực với chính phủ của họ: Tại sao các ông không can thiệp? Tại sao lại để những chuyện như vậy xảy ra?”. Theo ông, đó là một cách hiệu quả để thế giới hiểu điều gì đang xảy ra ở biển Đông. Vì thế, ông lại ấp ủ kế hoạch tự mình ra Hoàng Sa và tiếp tục làm những thước phim quý giá về biển đảo nơi đây. Ông cho biết, vừa hoàn thành xong kịch bản bộ phim tiếp theo của mình. Chủ đề vẫn tiếp tục là ngư dân Việt Nam. Phim là câu chuyện về gia đình một ngư dân ở Đã Nẵng ba đời bám biển.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục