Lịch sử và niềm tin

Tháng 4, thật may mắn khi gọi điện xin phép được gặp, giọng bác Tư vẫn rổn rảng, dù nay đã 95 tuổi: “Tới đi, bác đợi!”. Câu chuyện với nhân vật của tôi - Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nguyên Phó Chính ủy Phòng Tình báo miền (B2), nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316, luôn đề cập đến dấu-gạch-nối từ lớp người quá khứ với thế hệ hôm nay…

“Sợ gì cái chết bây ơi!”

* PHÓNG VIÊN: Ngày 30-4-1975, sau những “việc nước”, bác Tư đã có cuộc trở về như thế nào với gia đình nhỏ của mình?

Đại tá NGUYỄN VĂN TÀU: Buổi sáng 30-4, tôi còn ở đình Tân Thới Tứ (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn), tới trưa mới xuống tới Sài Gòn. Tối lại, tôi ghé về thăm vợ con ở khu cư xá nhân viên Việt Nam Thương Tín, bây giờ thuộc phường 21, quận Bình Thạnh. Tôi còn nhớ là căn nhà số 9, chưa tới cửa, tôi đã kêu lên: “Nhồng ơi Nhồng!”.

Bà xã chạy ra vừa mừng vừa khóc: “Em biết mà, nghe gọi tên Nhồng, em biết chỉ có anh thôi”. Hồi tôi ở chiến khu, vợ biên thơ nói sanh con gái. Bà xã tôi ở nhà thứ Sáu, dân Nam bộ mình thì “sáu” đọc cũng như “sáo” thôi, thành ra má vợ tôi đặt tên cháu ngoại là Nhồng vì con sáo sanh ra con nhồng.

Hai vợ chồng gặp lại sau gần 30 năm xa cách, vừa mừng vừa tủi, nước mắt cứ trào ra. Con gái tôi - Nhồng đã thức giấc, lay thêm đứa nhỏ 3 tuổi. Quay qua, tôi giật mình: Mình đã lên chức ông ngoại rồi. Bà xã tôi nói: “Anh đi nay đã 28 năm thì con cũng 28 tuổi rồi!”. Tôi ôm cháu ngoại vào lòng mà không cầm được nước mắt. Rồi nghĩ thầm trong bụng, tôi đã trải qua hai cuộc kháng chiến; khi đi vợ mới có bầu mấy tháng, nay toàn thắng trở về thì con gái 28 tuổi đang ngồi trước mặt và cháu ngoại 3 tuổi đang nằm trong lòng đây.

Đêm đó, ngoài Sài Gòn và xung quanh Sài Gòn, tiếng súng vẫn nổ rải rác, kẻ thù lớp rút chạy, lớp đầu hàng nhưng chắc gì chúng đã chịu thua hẳn? Cháu ngoại đã ngủ lại từ bao giờ. Tôi đặt nó xuống chiếu. Trông đứa bé thơ ngây đang ngủ mà thương. Liệu lớp trẻ này lớn lên có được sống trong hòa bình như tôi hằng mơ ước không?

Bác Tư Cang ký tặng sách "Tình báo kể chuyện". Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bác Tư Cang ký tặng sách "Tình báo kể chuyện". Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

* Mấy mươi năm sống trong chiến tranh, theo bác Tư, điều gì đã làm nên sức mạnh để một lớp người sẵn sàng ngã xuống vì hòa bình, độc lập hôm nay?

Là nhân dân đó con. Hồi đó, lúc làm Cụm trưởng Cụm tình báo H63, tôi vẫn hay nói với đồng đội: “Không có ông cụm trưởng này thì người ta thay ông cụm trưởng khác, nhưng điệp viên hay cán bộ giao thông mà lộ thì kể như bể hết đường dây”. Có một lần, cấp dưới tôi bị bắt, mấy cô giao thông nói: “Ông Tư, ông không sợ tụi nó tra tấn dã man quá, thằng nhỏ khai ra sao”, tôi chỉ khoát tay: “Lính tui, tui biết, tui tin”. Thằng nhỏ bị tra tấn dữ lắm, tụi nó còn bắt bà má lên để khuyên con mình khai ra.

Trước đêm đó, tôi có ghé thăm gia đình thằng nhỏ, thời buổi chiến tranh, loạn lạc, mình cũng chỉ biết động viên thôi. Vậy mà bà má lên gặp thằng con chỉ nói nhỏ: “Tối qua, ông Tư ghé thăm mày!”. Thằng nhỏ cắn răng chịu đựng, mà cũng phước phần, tụi nó tra tấn dã man nhưng nó mạng lớn không chết, sau được thả ra, gặp tui, nó chỉ nói: “Nghe má nói vậy tôi vững bụng, không còn biết đau, chú Tư ơi”.

Kể lại những câu chuyện này, để mọi người thấy tình quân dân gắn bó trong mấy mươi năm chiến tranh giải phóng dân tộc. Có thể khẳng định: Không có sự giúp đỡ của nhân dân thì những người công tác thành như tôi không làm nên trò trống gì, thậm chí không tồn tại nổi.

* Chiến tranh không tránh khỏi mất mát, có những cuộc gặp, những buổi tiễn đưa trở thành phút cuối. Trong những ngày gian nan ấy, có lúc nào bác Tư nghĩ cái chết hay ngày mai đến trước?

Sợ gì cái chết bây ơi! Vào trong căn cứ, mỗi bữa ăn cơm, tôi hay nói vui với anh em, cứ ghi thầm bốn chữ lên trên ngực “coi như chết rồi” thì mình không sợ cái chết nữa. Mà tụi nó, lúc đó 18, 20 tuổi, đứa nào cũng trẻ măng, hăng hái lên đường chứ không có sợ sệt, nề hà gì hết.

Chiến tranh mà, làm sao nói trước được ngày mai thế nào. Có người thấy đó rồi mất đó, có đơn vị 700-800 người nhưng đánh xong thì còn 11 người. Nên cứ ghi thầm 4 chữ “coi như chết rồi” thì mình không còn sợ cái chết nữa. Đừng sợ cái chết mà hãy xem thường nó để mình hết lòng vì nhiệm vụ được giao.

Phải tin vào lớp trẻ

* Sinh ra và lớn lên khi đất nước bị xâm lược, dù được đi học và có hạnh phúc riêng tư nhưng sẵn sàng lên đường vì một ngày non sông liền một dải, điều gì đã thôi thúc bác Tư?

Đó là nhờ những bài học lịch sử, những câu hát, vần thơ mà tới bây giờ, tôi vẫn thuộc lòng, đã bồi đắp nên tình yêu quê hương, đất nước để rồi từ đó mình sẵn sàng ra chiến trường. Ngày tôi còn đi học, ở trường dạy tiếng Pháp, hát "Quốc ca" cũng tiếng Pháp, còn trên bản đồ thế giới thì họ ghi tên nước mình là thuộc địa của Pháp.

Thời buổi khó khăn, được đi học là một hạnh phúc nhưng tôi cảm thấy trong lòng buồn lắm. Từ những điều đó, đã thấm vào từng suy nghĩ, nuôi từng hy vọng một ngày nào đó nước mình có tên trên bản đồ thế giới, con nít tới trường thoải mái hát quốc ca nước mình, đọc thơ ca ngợi quê hương mình.

Ngày tôi cưới vợ, những tưởng cuộc đời cứ êm ả trôi xuôi, vợ chồng sẽ sinh con, đẻ cái, rồi cứ thế lớn lên, lần lần già đi, rồi chết được chôn trong vuông tre của ông bà như bao cuộc đời bình dị của những người nông dân trong làng. Nhưng giặc Pháp ùn ùn kéo vào làng. Súng nổ, người chết, nhà cháy. Không thể sống yên được nữa!

* Thời gian có quy luật riêng của nó. Thế hệ của bác đang dần thưa vắng, làm thế nào để lớp trẻ hôm nay và mai sau có thể hiểu và sống xứng đáng với những gian lao của lớp người hôm qua, khi những cám dỗ vật chất dường như quá lớn?

Phải có sự tin tưởng vào lớp trẻ con à! Năm tháng chiến tranh, lãnh đạo tin vào tôi, tôi tin vào cấp dưới của mình, trong những lần khó khăn, chắc chắn sẽ không bao giờ khai ra tổ chức và quả thật như vậy, chưa có ai đầu hàng hay khai ra khi bị địch bắt. Với lớp trẻ bây giờ cũng vậy, tụi nhỏ chưa đúng hay chỗ nào chưa hay thì mình sửa lại. Nhưng phải luôn đặt một niềm tin vào thế hệ bây giờ, để tụi nhỏ luôn thấy vững vàng và có động lực từ niềm tin mà chúng trao gửi, để cố gắng phát triển kinh tế, xây dựng đất nước nhiều hơn thế nữa.

Bây giờ, dù tuổi đã cao nhưng đủ sức khỏe, tôi sẵn sàng viết và đi nói chuyện khi các đơn vị, trường học mời đến. Viết và đi nói chuyện với lớp trẻ, đó là việc mà tôi nghĩ các bạn lớn tuổi đã đi qua chiến tranh nên làm. Hãy tin và đến với các bạn trẻ nhiều hơn, bởi nếu lớp trẻ chỉ nghiên cứu khoa học để làm giàu cho đất nước, cho gia đình, cho bản thân (đó là điều rất cần thiết) mà xao lãng đối với truyền thống bảo vệ và xây dựng đất nước của ông cha, của lớp người đi trước, để phải sa vào cạm bẫy của vật chất, của những ve vãn, mua chuộc từ kẻ xấu, thì đó là điều vô cùng đáng lo cho Tổ quốc Việt Nam của chúng ta.

Chúng tôi không chọn cách kết thúc bài viết này bằng câu “cảm ơn” mà độc giả vẫn thường thấy sau những bài phỏng vấn, bởi có lẽ không một lời cảm ơn nào từ thế hệ hôm nay có thể tỏ bày hết lòng biết ơn, sự ngưỡng vọng với thế hệ đã qua.

Với chúng tôi, đây không chỉ là công việc của một người làm báo, mà cuộc trò chuyện như một dấu-gạch-nối của thế hệ hôm qua với lớp người hôm nay. Nếu người trẻ chê sách vở lịch sử quá khô khan câu chữ thì những câu chuyện, nhân vật như bác Tư có giá trị lịch sử và chân thật hơn bao giờ hết… Thời gian có quy luật của nó, cũng không biết sẽ còn được bao nhiêu ngày 30-4 có đủ các bác, các chú, nên mỗi giây phút trôi qua cũng sẽ là giá trị cho mai sau…


“Đi để làm dày kinh nghiệm sống của mình, nha con!”

Trong những lần gặp gỡ và trò chuyện cùng bác Tư Cang, một cốt cách gần gũi của ông già Nam bộ cứ đọng mãi. Một người đi qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nói về chiến công, bác đều từ chối nói về mình. Trong cuộc trò chuyện tháng 4 này, hai bác cháu dừng lại vài lần để bác Tư nghe điện thoại, là những người từng chiến đấu chung đơn vị, hẹn nhau đi đám tang của một đồng đội.

Bác Tư nói: “Bây về, bác nghỉ trưa chút rồi chiều có xe của đơn vị qua đón đi đám tang cô giao thông ngày xưa dẫn đường bác đi trong Sài Gòn mấy lần. Bây giờ hay về sau, còn khỏe thì mình còn đi thôi con, tới thắp nhang tiễn đồng đội của mình cho trọn tình trọn nghĩa”.

Có một lần, tôi xin phép đi cùng bác Tư để thắp nhang tưởng nhớ những người đã nằm lại ở cầu Rạch Chiếc, ngay cửa ngõ Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4-1975, bác Tư gật đầu cái rụp: “Đi được thì quý lắm con, đi để hiểu, để viết về lịch sử qua câu chuyện của những con người thật… Và đi để làm dày thêm kinh nghiệm sống của mình, nha con”.

Tin cùng chuyên mục