Liên kết công nghiệp - dịch vụ - cảng biển

° Giai đoạn 1:
Liên kết công nghiệp - dịch vụ - cảng biển

Khu công nghiệp Hiệp Phước

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước chính thức khánh thành giai đoạn 2, có thể tiếp nhận tàu 50.000 DWT đầy tải và 70.000 DWT hạ tải.

Khu Công nghiệp (KCN) Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TPHCM) vốn là một trung tâm công nghiệp với nhiều thuận lợi về đường bộ, đường hàng không (có nhiều tuyến đường huyết mạch, cách khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng 10km, cách sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất 21km), nay với hệ thống Cảng biển quốc tế như Cảng Container Quốc tế trung tâm Sài Gòn (SPCT), Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước nằm ngay trong KCN Hiệp Phước đã giúp doanh nghiệp nơi đây hướng ra biển lớn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng…

Thông thương đa chiều

Nhìn riêng về vị trí địa lý, KCN Hiệp Phước chính là “mảnh đất vàng” hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Địa điểm gần trung tâm thành phố, từ nơi đây, doanh nghiệp còn có thể đến các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, ra các tỉnh miền Trung với các tuyến đường huyết mạch thuận tiện như đường Nguyễn Văn Linh - Võ Văn Kiệt, cao tốc Trung Lương, quốc lộ 1A… Vài tháng tới, tuyến đường vành đai 3 mở rộng với quốc lộ 1A hoàn thành sẽ tạo thêm thuận tiện về giao thông cho doanh nghiệp.

Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước với đầy đủ dịch vụ kho bãi, logistics.

Giờ đây có thêm hệ thống khu đô thị cảng đã biến KCN Hiệp Phước trở thành một trong những dự án chủ lực trong chiến lược “Phát triển hướng ra biển Đông” của TPHCM. Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước được coi là “bến nối dài” của Cảng Tân Cảng - Cát Lái và là điểm kết nối hàng hóa quan trọng của các nước vùng nội Á. Với sự thuận tiện về cảng biển kết hợp với các dịch vụ logistics, kho bãi, doanh nghiệp đóng tại KCN Hiệp Phước không những dễ dàng vận chuyển nguyên liệu đến… tận cửa với chi phí thấp mà còn được hưởng các dịch vụ giá rẻ. Ngoài tiết kiệm nhờ giao thông đường thủy ngắn hơn, các doanh nghiệp còn được hưởng các chính sách hỗ trợ phí nâng hạ giao nhận container trực tiếp tại cảng, ưu đãi về thời gian lưu bãi. Chưa kể, trong KCN Hiệp Phước còn có Hải quan Hiệp Phước; Cảng Vụ; Bộ đội Biên phòng… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng làm thủ tục hải quan, sử dụng dịch vụ tại cảng. 

Nhờ những thuận lợi này, KCN Hiệp Phước đã đáp ứng yêu cầu của nhiều doanh nghiệp FDI “khó tính” đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ... Điển hình là một số nhà đầu tư Nhật Bản đã hợp tác xây dựng khu kỹ nghệ Việt - Nhật xây dựng vùng công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho các doanh nghiệp FDI. Thấy được tiềm năng của nơi này, các Ngân hàng Mizuho, Tập đoàn Chodai… cũng tham gia hợp tác phát triển KCN Hiệp Phước. Để có được thành quả đó, ngay từ ngày đầu thành lập, KCN Hiệp Phước đã chuẩn bị kỹ, hướng đến thu hút đầu tư một số ngành nghề chủ yếu như cơ khí chính xác, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm tinh chế, sản xuất vật liệu xây dựng trang trí nội thất, dịch vụ phục vụ cảng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, không gây ô nhiễm môi trường… với mục tiêu biến nơi đây thành trung tâm công nghiệp của TP. Nhờ vậy mà hơn 300 ha giai đoạn 1 của KCN Hiệp Phước đã nhanh chóng được lấp đầy.

Khu đa năng - một điểm đến hấp dẫn

KCN Hiệp Phước có tổng diện tích 2.000 ha thuộc khu vực chiến lược ưu tiên phát triển công nghiệp cảng của TPHCM. KCN Hiệp Phước với cơ sở hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, dịch vụ nước sạch, xử lý nước thải, xây dựng nhà lưu trú công nhân, nhà trẻ, trung tâm sinh hoạt công nhân… Vì có hệ thống cảng nên KCN Hiệp Phước trở thành điểm đến chiến lược cho các nhà đầu tư logistics và xuất nhập khẩu tại khu vực phía Nam, ngay cả các doanh nghiệp khác đầu tư, nơi đây cũng thuận lợi trong việc nhập nguyên liệu và xuất khẩu thành phẩm ra vào cảng biển.

Ông Vương Hữu Mẫn, Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Hiệp Phước cho biết, hiện KCN này đang tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm mới ở giai đoạn 2 với diện tích 597 ha tập trung vào ngành công nghiệp hỗ trợ, xây dựng nhà xưởng cao tầng… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, chi phí thấp nhất, trải thảm đỏ mời chào các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà sản xuất vào KCN Hiệp Phước. Để đảm bảo sự phát triển đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghệ có hàm lượng chất xám cao, KCN Hiệp Phước (giai đoạn 2) sẽ thu hút các ngành công nghiệp, dịch vụ phục vụ cảng biển sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, không gây ô nhiễm môi trường như: cơ khí; điện tử - tin học; hóa chất và chế biến tinh lương thực, thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng (ngành sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, sử dụng công nghệ tiên tiến) và dịch vụ công nghiệp như khai thác cảng biển (lai dắt tàu biển, vận tải, kinh doanh kho bãi…).

Với định hướng nhất quán, cộng với những thuận lợi về vị trí đắc địa, KCN Hiệp Phước đang từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp hàng đầu của TPHCM và là lựa chọn số một của các doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, khi doanh nghiệp đầu tư vào đây còn được hưởng những đặc quyền của một TP lớn - nơi tập trung nguồn nhân lực cao, có tay nghề và cũng là thị trường tiêu thụ lớn của cả nước.

Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước đã được Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đầu tư xây dựng vào cuối năm 2013, với diện tích 16,5 ha được xây dựng chia làm 2 giai đoạn:

° Giai đoạn 1: khởi công từ tháng 12-2013 đến cuối năm 2014 hoàn thành đưa vào sử dụng, gồm 12 ha với 300m cầu tàu, tiếp nhận tàu 50.000 DWT và 253m bến trung chuyển sà lan tiếp nhận tàu, sà lan 2.000 DWT.

° Giai đoạn 2: được khởi công từ tháng 12-2014 đến tháng 5-2015 với 4,5 ha bãi hàng và 198m kè bờ trên sông Soài Rạp, 420m cầu tàu tiếp nhận tàu 50.000 DWT đầy tải và tàu 70.000 DWT hạ tải; 253m bến sà lan, tiếp nhận sà lan 2.000 DWT…

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục