Liên kết đào tạo: Thả nổi từ lượng đến chất - Bài 2: Chất lượng mù mờ

Bất chấp mọi quy định, quy chế của cấp quản lý, các đơn vị đào tạo dù tay không nhưng vẫn lao vào liên kết. Như vậy, từ chỗ không giảng viên, không thiết bị thực hành thực tập đến cắt xén chương trình, rõ ràng chất lượng đào tạo của hàng loạt chương trình liên kết đào tạo trong nước đang khiến cho dư luận hồ nghi.
Liên kết đào tạo: Thả nổi từ lượng đến chất - Bài 2: Chất lượng mù mờ

Bất chấp mọi quy định, quy chế của cấp quản lý, các đơn vị đào tạo dù tay không nhưng vẫn lao vào liên kết. Như vậy, từ chỗ không giảng viên, không thiết bị thực hành thực tập đến cắt xén chương trình, rõ ràng chất lượng đào tạo của hàng loạt chương trình liên kết đào tạo trong nước đang khiến cho dư luận hồ nghi.

        Thu chi nằm ngoài sổ sách

Thực tế cho thấy, nhiều đơn vị liên kết đào tạo trong nước đều chủ yếu nhắm đến bài toán nguồn thu cho trường hơn là chất lượng đào tạo. Rất nhiều trường ĐH từ công lập đến ngoài công lập đều cho rằng mức phân chia giữa trường chính và đơn vị được liên kết theo tỷ lệ 7-3 hoặc 6-4. Trong khi đó, phía trường chính dường như “ngồi mát ăn bát vàng” còn tất cả từ khâu tổ chức lớp, bố trí phòng học đến mời giảng viên, đều do đơn vị liên kết thực hiện. Vì vậy mới có cảnh trung tâm đào tạo nghề và trường trung cấp bao quát từ ôn thi, ra đề và đào tạo chương trình ĐH.

Mới đây, kết luận Thanh tra Chính phủ đã gây sốc khi kết quả thanh tra về mặt tài chính trong khâu liên kết đào tạo trong nước có vấn đề. Mức học phí của các cơ sở liên kết được thu ngoài quy định, trong đó thu thêm học phí khi tổ chức lớp học ngoài giờ, tự đặt mức phí tuyển sinh, phí cơ sở vật chất. Các khoản thu đều sử dụng biên lai do trường tự in, các khoản chi phí đều nằm ngoài hệ thống kế toán của trường và thay đổi tỷ lệ chi học phí từ 80% lên 85% thu về trường. Đơn cử như Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) thu vượt quy định 100.000 đồng/học viên/tháng, đã có được số tiền hơn 283 triệu đồng. Riêng ĐH Quốc gia Hà Nội tự đặt ra quy định trích nộp % số thu học phí liên kết và trích 0,15% kinh phí ngân sách nhà nước để ngoài sổ sách. Cụ thể 11 đơn vị thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội phải nộp lên Văn phòng ĐH Quốc gia Hà Nội tỷ lệ % các nguồn kinh phí và thu dịch vụ, trong đó có khoản thu 2%-5% trên số thực thu học phí liên kết, tổng số thu là 21,373 tỷ đồng.

Đại diện một trường ĐH lớn tại TPHCM chia sẻ: “Thực tế việc liên kết giữa các trường trong nước ngoài mối quan hệ thì vấn đề tăng nguồn thu cũng là yếu tố quan trọng. Trường liên kết gần như chỉ quản lý, theo dõi kết quả học tập, cấp phát bằng nên không tốn nhiều chi phí công tác đào tạo. Ngược lại, đối tác được liên kết gần như lo toàn bộ từ cả 3 khâu: đầu vào - đào tạo - đầu ra”.

        Xô bồ môi trường giáo dục

Sau nhiều lần làm quen với sinh viên, chúng tôi được dẫn vào học một số môn của lớp cao đẳng (CĐ) dược chính quy tại Trường Trung cấp (TC) Vạn Tường và hết sức bất ngờ với chất lượng bài giảng của các giảng viên. Đúng 18 giờ, chúng tôi vào lớp học môn hóa hữu cơ (giáo trình của Trường CĐ ASEAN). Lớp học rộng chừng 60m² được đặt tại lầu 3 (phòng hội trường) nhưng có đến gần 70 sinh viên ngồi học chen chúc. Mặc dù quạt máy đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn không làm dịu bớt cái nóng oi bức trong phòng học nên nhiều sinh viên mồ hôi nhễ nhại, người thì ngủ gật, người nằm nhoài ra bàn. Giảng viên vẫn thao thao bất tuyệt, trong khi sinh viên ngồi học cứ ngủ gật lia lịa và suốt cả buổi học không hề có câu hỏi từ giảng viên cũng như bất cứ cánh tay nào giơ lên phát biểu.

107 thí sinh tham gia kỳ thi “chui”, liên thông từ TC, CĐ lên ĐH vào ngành Quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng của Trường ĐH Công nghệ Vạn Xuân.

107 thí sinh tham gia kỳ thi “chui”, liên thông từ TC, CĐ lên ĐH vào ngành Quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng của Trường ĐH Công nghệ Vạn Xuân.

Khi sinh viên đang mệt lả người, cả lớp chợt bừng tỉnh khi nghe giảng viên thông báo: “Hôm nay là bữa học cuối và giờ tới sẽ phát đề cương ôn thi”. Không khí trong phòng bắt đầu nóng dần và trở nên ngột ngạt hơn khi sinh viên nhao nhao hỏi: “Cô ơi, đề thi ra phần nào, đề cương dài hay ngắn?”. Chưa dừng lại đó, một cảnh tượng hy hữu và nực cười nữa lại diễn ra ngay trước mặt chúng tôi. Khi giảng viên cầm danh sách lớp và thông báo ai vắng mặt không phép sẽ không được thi. Vị giảng viên vừa dứt lời, hàng loạt tiếng phạch phạch phát ra từ những trang giấy do sinh viên giật khỏi tập để viết đơn xin phép bù vào những hôm điểm danh vắng mặt không phép. Chừng 5 phút sau, mấy chục sinh viên vây kín và đưa đơn xin phép. Thế là vị giảng viên bắt đầu thực hiện điểm danh theo “chỉ đạo” của sinh viên: “Cô ơi, cô phải xóa ngày này đi và thay bằng ngày này để em được thi”, “Cô ơi, sửa lại thành có phép để em được thi và đơn em làm đây, cô điền đúng ngày giúp em”…

Ngao ngán trước cảnh học này, một sinh viên tỏ ra bức xúc: “Anh thấy đó, giờ học từ 18 giờ đến 21 giờ nhưng hôm nay mới 19 giờ 30 đã được nghỉ rồi. Có tổng cộng 30 tiết (học 6 buổi, mỗi buổi 5 tiết) nhưng thực tế học như thế làm sao đủ giờ. Đã vậy, trong quá trình học chúng em chẳng có nơi để thực hành. Lỡ đóng tiền nên tụi em phải theo học chứ học CĐ mà giảng dạy và thực hành còn thua cả hồi em học trung cấp ở Trường ĐH Nguyễn Tất Thành”.

Trong khi đó, 97 sinh viên liên thông từ hệ CĐ lên ĐH chính quy ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng của Trường ĐH Công nghệ Vạn Xuân liên kết với Trường TC Tây Sài Gòn được giao trọn gói đào tạo cho Trường TC Tây Sài Gòn và Trung tâm Đào tạo nghề quận Bình Tân chủ trì… Tương tự, hàng loạt chương trình liên kết đào tạo khác cũng dường như khoán trắng việc đào tạo (bố trí phòng học, thuê giảng viên, thực hành thực tập…) đều do các đối tác tại địa phương đạo diễn.

Có luật cũng như không

Thực tế việc liên kết, liên thông đã quy định khá rõ trong Quyết định 42 về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT. Trong Điều 7, chương II của quyết định 42 có nêu ra những điều kiện bắt buộc như: đơn vị chủ trì phải có văn bản mở ngành đào tạo; được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chỉ tiêu; đảm bảo đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất phù hợp; đơn vị phối hợp đào tạo phải xác định được nhu cầu đào tạo, địa điểm đặt lớp (đối với các khóa liên kết đào tạo cấp bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ, địa điểm đặt lớp phải là các trường, các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh). Có thể thấy, điều cốt yếu trong quyết định này chính là việc nhấn mạnh nội dung “phải đảm bảo về cơ sở vật chất, thiết bị dạy - thực hành, đội ngũ giảng viên phù hợp”. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các đơn vị liên kết đều không chú tâm đến những quy định này.

Thừa nhận tình trạng một số ĐH, học viện, ĐH, CĐ tổ chức liên kết tuyển sinh và đào tạo liên thông không đúng quy định, từ tháng 11-2011, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở đào tạo có tổ chức liên kết tuyển sinh và đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ thực hiện ngay việc “Không liên kết tuyển sinh và đào tạo liên thông ngoài cơ sở đào tạo để cấp bằng ĐH, CĐ hệ chính quy”. Thế nhưng, dường như liều thuốc này đã lờn đối với hàng loạt cơ sở.

Vậy nguyên nhân do đâu? Theo một cán bộ thanh tra Bộ GD-ĐT thừa nhận: Thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra chưa thể bao quát hết. Một phần cũng do địa phương chưa nắm hết hoạt động đào tạo trên địa bàn của mình. Hơn nữa, về quyết định xử phạt hành chính hiện nay còn khá nhẹ nên nhiều đơn vị vẫn bất chấp để “cố đấm ăn xôi”.

Nhìn ở góc độ quản lý, một chuyên gia cho rằng: “Khâu cấp phép của Bộ GD-ĐT và các địa phương cũng cần xem xét lại. Hiện nay hễ trường nào muốn liên kết chỉ cần làm đúng lập trình “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương” thì y như rằng bất kể ngành nghề gì cũng được từ địa phương đến bộ thông qua và cho liên kết”. Do đó, theo vị chuyên gia này, ở những đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ… việc xét duyệt cấp phép phải suy tính kỹ, những ngành nghề nào dư thừa hoặc có nhiều trường đang đào tạo thì không nên cấp phép. Nếu thực hiện tốt điều này thì mô hình liên kết mới thật sự đi đúng hướng “tạo cơ hội học tập cho toàn xã hội, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương” chứ như hiện nay nơi thừa lại càng thừa còn nơi thiếu vẫn hoàn thiếu.

Buộc đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động giảng dạy và hoàn trả học phí cho người học

Theo Nghị định 40/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 49/2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Buộc đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động giảng dạy, giáo dục; buộc hoàn trả người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức hoàn trả do hành vi vi phạm gây ra; buộc thu hồi văn bằng, chứng chỉ đã cấp trái phép; dừng thực hiện hợp đồng liên kết đào tạo. Ngoài ra, các cơ sở liên kết đào tạo còn bị phạt tiền 40 - 60 triệu đồng về hành vi đào tạo, cấp văn bằng vượt quá thẩm quyền và đào tạo các chuyên ngành ngoài thẩm quyền được giao; phạt tiền 10-20 triệu đồng nếu tuyển sinh sai đối tượng từ 51 người trở lên.

THANH HÙNG

- Thông tin liên quan:

>> Liên kết đào tạo: Thả nổi từ lượng đến chất

- Bài 1: Bùng nổ liên kết ngoài luồng

Tin cùng chuyên mục