Liên kết đào tạo: Thả nổi từ lượng đến chất

Bài 1: Bùng nổ liên kết ngoài luồng
Liên kết đào tạo: Thả nổi từ lượng đến chất

Bài 1: Bùng nổ liên kết ngoài luồng

Liên kết đào tạo trong nước là một mô hình giáo dục nhằm tạo cơ hội học tập cho toàn xã hội, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Nhờ cách làm này, nhiều người ở vùng sâu, vùng xa, nhiều người bận làm việc, không có thời gian... cũng có cơ hội học tập lên cao. Tuy nhiên, hiện nay mô hình này đang phát triển như vũ bão nhưng lại đi chệch hướng vì các cơ sở liên kết chỉ nhằm vào cái đích lớn nhất chính là nguồn thu, còn chất lượng giảng dạy thật sự đáng báo động.

Liên kết ma

Hiện nay, không chỉ các trường ĐH liên kết với các trường ĐH, CĐ mà các trung tâm, công ty cũng ồ ạt ký kết hợp đồng liên kết đào tạo. Dù quy định, quy chế về mô hình liên kết này đã được Bộ GD-ĐT ban hành, nhưng dường như các cơ sở đào tạo vẫn nhắm mắt làm liều khi tuyển sinh ngoài luồng với số lượng sinh viên lên đến hàng trăm, hàng ngàn chỉ tiêu.

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM bắt tay với Trường CĐ Nguyễn Tất Thành (nay đã nâng cấp thành trường ĐH) đào tạo ngoài luồng gần 1.000 sinh viên. Theo lý giải của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, do cùng cấp quản lý nên Trường ĐH Công nghiệp TPHCM giúp đỡ một cách nhiệt tình và hoàn toàn không có sự ăn chia. Và “sự giúp đỡ” này sau 3 năm học, sinh viên ra trường rơi vào cảnh éo le: bằng do Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cấp nhưng bảng điểm là của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Do đó, khi những sinh viên này nộp hồ sơ đăng ký dự thi liên thông, nhiều trường ĐH tại TPHCM đã trả lại hồ sơ cho thí sinh vì không dám mạo hiểm với những trường hợp bằng một nơi, bảng điểm một nẻo.

Chưa dừng lại đó, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM còn ra phía Bắc liên kết đào tạo với Trường ĐH Thành Đô tuyển sinh, đào tạo ngoài luồng 3.000 sinh viên ĐH và CĐ. Tại Đồng Nai, Trường CĐ Công nghệ Kỹ thuật Đồng Nai (nay đã nâng cấp thành Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai) cũng tranh thủ “xé rào” để tuyển 1.500 sinh viên hệ CĐ với danh nghĩa liên kết với Trường ĐH Công nghiệp TPHCM. Đáng nói hơn, sau khi nâng cấp lên trường ĐH, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai tiếp tục liên kết với một công ty tổ chức thi tuyển sinh chui và đào tạo liên thông chính quy gần 90 sinh viên tại quận Thủ Đức.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường ĐH tầm trung hoặc mới nâng cấp tại TPHCM cũng có hàng trăm hợp đồng liên kết hợp tác đào tạo và mở lớp đào tạo tại nhiều tỉnh thành lân cận. Rất nhiều hợp đồng liên kết ma (không đúng quy định, không giấy phép) đã và đang được triển khai tại các trung tâm dạy nghề, các công ty ở nhiều tỉnh thành.

Tuyển trước, chạy giấy phép sau

Ngày 12-5-2012, Trường Trung cấp (TC) Vạn Tường (TPHCM) ký kết hợp đồng liên kết đào tạo để tuyển sinh, đào tạo liên thông trình độ CĐ dược (cấp bằng chính quy) với Trường CĐ ASEAN ở tận Hưng Yên.

Sau khi “cầm đèn chạy trước ô tô”, Trường TC Vạn Tường đã gửi công văn lên Sở GD-ĐT TPHCM, UBND TPHCM xin liên kết với Trường CĐ ASEAN đào tạo liên thông hệ CĐ dược tại Trường TC Vạn Tường. Tiếp đó, ngày 4-10-2012, UBND TPHCM có công văn gửi Sở GD-ĐT TPHCM và Trường TC Vạn Tường truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận không chấp thuận cho Trường TC Vạn Tường liên kết đào tạo liên thông hệ CĐ ngành dược với Trường CĐ ASEAN.

Mặc dù cấp quản lý đã không chấp thuận nhưng tháng 10-2012 hai trường vẫn tuyển sinh lớp CĐ dược 1 (75 sinh viên) và tháng 12-2012 tuyển lớp CĐ dược 2 (36 sinh viên). Hiện nay, hai lớp này còn 93 sinh viên đang theo học tại số 110 Trường Chinh (quận 12, TPHCM).

Từ Nghệ An, Trường ĐH Công nghệ Vạn Xuân đã “lén lút” bắt tay với Trung tâm Đào tạo nghề quận Bình Tân tổ chức tuyển sinh đào tạo liên thông từ trung cấp, CĐ lên ĐH (hệ chính quy) các ngành quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính ngân hàng. Trong vai người học, chúng tôi đến mua hồ sơ, đăng ký làm thẻ dự thi. Dù đã hết lịch ôn thi, nhưng hai cô nhân viên vẫn niềm nở: “Đề thi đã có sẵn nên anh về xem là được. Ngành quản trị kinh doanh thi hai môn marketing căn bản (13 câu) và môn kinh tế vi mô (6 câu). Đề thi sẽ được ra trong các câu hỏi nên các anh thi là đậu”. Vừa dứt lời giới thiệu, cô nhân viên xin chúng tôi 720.000 đồng tiền lệ phí ôn thi/2 môn, 30.000 tiền hồ sơ, tài liệu photocoppy và yêu cầu nộp hình thẻ, giấy CMND để làm thẻ dự thi. Ngoài ra, chúng tôi còn bị “móc túi” thêm 300.000 đồng lệ phí thi.

Thi tuyển như họp chợ

Sau khi hoàn tất các thủ tục đăng ký dự thi, PV SGGP đóng vai thí sinh dự kỳ thi liên thông cùng 117 thí sinh tổ chức vào ngày 21-4 tại Trung tâm Đào tạo nghề quận Bình Tân (565 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM). Buổi thi diễn ra y hệt cảnh họp chợ. Từ đề thi đến giám thị coi thi, tất cả đều do Trường Trung cấp Tây Sài Gòn và Trung tâm Đào tạo nghề quận Bình Tân tự biên tự diễn.

Giám thị kỳ thi liên thông tại Trung tâm Đào tạo nghề quận Bình Tân ngày 21-4 không đeo bảng tên và vô tư để thí sinh quay cóp tài liệu.

Giám thị kỳ thi liên thông tại Trung tâm Đào tạo nghề quận Bình Tân ngày 21-4 không đeo bảng tên và vô tư để thí sinh quay cóp tài liệu.

Tại phòng thi số 1, có 47/51 thí sinh dự thi làm bài môn Marketing với thời gian 60 phút. Sau khi bước vào phòng thi, hai cán bộ (không đeo bảng tên) phát giấy làm bài, giấy nháp rồi 7 giờ 30 phát đề thi. Sau khi phát đề, phòng thi bắt đầu nhộn nhịp với việc quay cóp tài liệu. Giám thị thấy cũng ngó lơ để thí sinh được vô tư chép tài liệu.

Đáng nói hơn, sau khi làm bài 15 phút, một thí sinh ngồi cạnh chúng tôi móc điện thoại ra và nói với giám thị: “Thầy ơi, bạn em nhắn tin nói đi trễ, em gọi điện bảo bạn vào thi được không thầy?”. Không cần đợi thí sinh dứt lời, vị giám thị liền bảo: “Được em! Cứ gọi bạn ấy vào đi”. Khoảng 15 phút sau, một nữ thí sinh khác đột nhiên chạy thục mạng vào phòng, xin giám thị giấy và đề thi rồi vô tư ngồi làm bài.

Theo ghi nhận của phóng viên, tất cả có 4 phòng thi và phòng thi nào cũng diễn ra cảnh thí sinh vô tư mở tài liệu chép bài. Tất cả giám thị đều không đeo bảng tên, cảnh quay cóp tài liệu diễn ra công khai như chốn không người.

Sau khi nhận được thông tin của PV, Đoàn Thanh tra Bộ GD-ĐT đã có mặt tại hiện trường và bắt quả tang kỳ thi được tổ chức chui. Đại diện Trường ĐH Công nghệ Vạn Xuân cho rằng danh sách thí sinh, đề thi phòng đào tạo không hay biết. Trong khi đó, đại diện Trường Trung cấp Tây Sài Gòn thừa nhận từ khâu ôn thi, ra đề, tổ chức thi đều do trường và Trung tâm Đào tạo nghề quận Bình Tân tự biên tự diễn.

Gần 50% chương trình liên kết chưa có phép

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã đưa ra kết luận hết sức bất ngờ khi kiểm tra 419 chương trình liên kết đào tạo tại 18 trường (liên kết với 569 cơ sở đào tạo, đào tạo 105 ngành hệ ĐH và 82 ngành sau ĐH với 192.916 sinh viên, học viên và đã tốt nghiệp 96.787 người).

Có đến 46,5% chương trình liên kết vừa học vừa làm chưa được bộ cho phép, một số trường khi hợp đồng đào tạo không xác định đối tượng tuyển sinh, không quy định cụ thể trách nhiệm cho đơn vị phối hợp tham gia vào quá trình đào tạo, mời giảng viên tổ chức đánh giá kết quả học phần, không có văn bản xác nhận nhu cầu của địa phương. 15/18 trường không có biên bản ghi nhận điều kiện cơ sở vật chất, danh sách giảng viên tham gia giảng dạy. 

THANH HÙNG
Bài 2: Chất lượng mù mờ

Tin cùng chuyên mục