Ngoài yêu cầu cơ chế chính sách ổn định và đồng bộ, các nhà sản xuất lắp ráp và công nghiệp hỗ trợ cần “nắm tay” nhau tạo nên sức mạnh, thúc đẩy nền công nghiệp ô tô nội địa phát triển.
Nhận diện nguyên nhân tăng trưởng chậm
Theo đánh giá của Bộ Công thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây. Năm 2016, sản lượng đạt trên 2.000 xe/năm, tăng 38% so với năm 2015 và 109% so với năm 2014. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ… Tổng năng lực sản xuất lắp ráp ô tô khoảng 460.000 xe/năm, gồm hầu hết chủng loại xe con (công suất khoảng 200.000 xe/năm), xe tải và xe khách (công suất khoảng 215.000 xe/năm).
Đóng góp ngân sách nhà nước hàng tỷ USD mỗi năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp. Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô của nước ta hiện còn nhiều hạn chế như chưa thực sự đạt được tiêu chí của ngành do phần lớn chỉ dừng lại ở mức độ lắp ráp đơn giản, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Về tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi có mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010, nhưng đến nay mới đạt bình quân khoảng 7% - 10%; trong đó, Thaco đạt 15% - 18%, Toyota Việt Nam đạt 37%.
Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại được chỉ ra là do quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ (thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN, bằng 1/10 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan và 1/4 của Indonesia), trong khi ngành công nghiệp ô tô phát triển dựa vào lợi thế quy mô. Số lượng doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô quá nhiều so với quy mô thị trường; GDP bình quân đầu người giai đoạn vừa qua chưa đủ để người dân có thể sở hữu ô tô riêng.
Đáng chú ý, ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT), bước đầu đã hình thành và cung cấp được một số phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra, đáp ứng cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình trên 20%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45% - 55%, vượt chỉ tiêu so với quy hoạch).
Tuy nhiên, ngành CNHT mới chỉ sản xuất được số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, sản phẩm nhựa... Chỉ có số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe; chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn; các loại nguyên vật liệu cơ bản như thép chế tạo, cao su, nhựa và chất dẻo phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm phát triển của ngành công nghiệp ô tô là do sự thiếu hụt của ngành CNHT, sự phát triển thiếu đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông cũng như chính sách liên quan của Chính phủ”, TS Trần Minh Ngọc, Đại học Công nghiệp TPHCM, nhận xét.
Chính sách cần ổn định và đồng bộ
Để tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, chú trọng định hướng trong thời gian tới là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp lớn nước ngoài trong việc sản xuất CNHT. Tập trung vào các bộ phận linh kiện và phụ tùng quan trọng, hàm lượng công nghệ cao phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, thay thế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu. “Về các chính sách dành cho ngành công nghiệp ô tô, trong thời gian ngắn sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành nghị định về điều kiện kinh doanh, sản xuất ô tô. Theo đó, sẽ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, bởi chỉ những doanh nghiệp đủ lớn mới có thể kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, CNHT; từ đó, tạo động lực để các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi lên. Quan điểm của Chính phủ thời gian tới là ưu tiên kêu gọi các tập đoàn, tổng công ty đa quốc gia đảm bảo đủ tiêu chí lớn mạnh để kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô nước nhà”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết.
Theo các chuyên gia, để tiếp lực cho ngành CNHT ô tô Việt Nam phát triển, 2 yếu tố cần được đặc biệt quan tâm là ổn định và đồng bộ. Về hỗ trợ sản xuất, trong ngắn hạn, cần giảm hoặc tiến tới bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhằm giảm chênh lệch chi phí giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. Đưa ra ưu đãi sản xuất với các nhà sản xuất nội địa để duy trì sản xuất trong nước khi thị trường còn chưa đủ lớn. Trong dài hạn, cần có chính sách hỗ trợ nội địa hóa cho cả nhà sản xuất và nhà cung ứng nhằm cắt giảm chi phí và tăng năng lực cạnh tranh. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, đòi hỏi phải có sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô và CNHT để nâng cao sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa, vì điều kiện tiên quyết để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cần phải có sản lượng đủ lớn mới có thể đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm và giá thành hợp lý.