Liên kết hút ngoại tệ

Một con số ấn tượng của ngành du lịch là hơn 7,87 triệu lượt du khách đến Việt Nam trong năm qua - đông nhất từ trước tới nay. Lượng ngoại tệ thu được từ khách quốc tế chi tiêu tại Việt Nam năm 2014 đạt hơn 7 tỷ USD, nếu so với lượng kiều hối (12 tỷ USD), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (12,35 tỷ USD) thì con số thu được từ khách nước ngoài là khá cao.

Các quốc gia khác đều xem hoạt động đón khách quốc tế là ngành xuất khẩu tại chỗ. Khách quốc tế đến không chỉ đem lại ngoại tệ mà còn tạo ra hàng trăm ngàn công ăn việc làm ở trong nước, từ các cửa khẩu, sân bay, resort… Du lịch phát triển còn giúp khai thác, quảng bá, đánh thức tiềm năng kinh tế ở các vùng sâu, vùng xa khi mở những điểm tham quan du lịch mới.

Tuy nhiên, vấn đề thu hút khách quốc tế không chỉ là thu hút ngoại tệ mà quan trọng hơn, qua đó chúng ta tiếp thị trực tiếp hình ảnh đất nước Việt Nam đến bạn bè thế giới. Nó có mối liên hệ lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư làm ăn tại Việt Nam.

Nhìn vào doanh thu thu được từ du lịch năm qua, với 230.000 tỷ đồng, tương đương 6% GDP, đã chứng tỏ rằng du lịch là một ngành kinh tế thực sự - một ngành công nghiệp không khói - có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Do vậy, chúng ta không thể xem nhẹ. Thế nhưng, với thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, nhiều danh la thắng cảnh, nhiều biển đảo - những điểm mạnh để khai thác du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng - mà du lịch Việt Nam chỉ đóng góp cho GDP ở mức một con số là chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Trong khi, các nước trong khu vực, doanh số ngành du lịch đóng góp cho GDP ở mức 2 con số, điều đó cho thấy du lịch Việt Nam còn chậm so với kỳ vọng.

Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ về “một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới” vừa ra đời, tạo kỳ vọng về một “bước nhảy” mới cho ngành du lịch. Trong nghị quyết xác định những nhược điểm cần khắc phục, nâng cao nhận thức, tăng cường sự liên kết - liên ngành - liên vùng, tập trung tháo gỡ chính sách, nâng chất dịch vụ.

Bên cạnh sự liên kết, liên vùng thì liên ngành trong phát triển du lịch là vô cùng quan trọng. Đó là sự bắt tay hợp tác, nâng cao chất lượng dịch vụ đi lại (đường hàng không, đường thủy, đường biển, đường bộ, đường sắt) đến ăn uống… Phải rút ngắn các tuyến đường bộ bằng cách mở rộng đường, phân làn, phân luồng, phân tuyến.

Vấn đề giá vé máy bay cũng “hãm” sự phát triển du lịch trong nước. Bởi nhiều chuyến bay quốc tế có giá rẻ hơn tuyến nội địa, tuyến có nhiều hãng tham gia có giá cạnh tranh hơn tuyến độc quyền. Quan trọng hơn hết vẫn là việc giám sát, xử lý của cơ quan quản lý nhà nước, bởi theo quy định hiện nay mỗi kilômét đường bay có giá không quá 4.000 đồng, nhưng tuyến TPHCM - Côn Đảo chỉ 230km, theo quy định giá không quá 920.000 đồng nhưng thực tế giá bán trên 1,7 triệu đồng/lượt và chuyện này đã kéo dài nhiều năm qua, trên nhiều tuyến bay.

Nếu nhà nước không thúc đẩy liên ngành làm tốt cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch thì mục tiêu liên kết vùng du lịch theo Nghị quyết 92/NQ-CP chỉ sẽ nằm trên giấy, dừng ở mức phong trào!

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục