Trong lúc nhiều loại trái cây thường rơi vào tình cảnh “được mùa rớt giá” thì bưởi da xanh ở ĐBSCL luôn hút hàng và được giá cao. Mấy năm qua, bưởi da xanh dao động ở mức 30.000 - 50.000 đồng/kg, nhưng cũng không đủ cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Bưởi da xanh được giá đã giúp nông dân thu về tiền tỷ…
Giá cao, tiêu thụ dễ
Các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, TP Bến Tre… là những nơi phát triển vùng trồng bưởi da xanh nhiều nhất ở tỉnh Bến Tre. Ông Lê Văn Hoa, ngụ xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng nhiều loại cây như sầu riêng, nhãn, dừa… nhưng hiệu quả kinh tế không cao, bởi canh tác nhỏ lẻ, manh mún. Sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường, điều kiện canh tác… tôi mạnh dạn cải tạo khu vườn 5 công để trồng bưởi da xanh. Bên cạnh đó, tôi còn hợp tác với các cơ sở thu mua để nắm thông tin về giá cả nhằm thuận lợi trong việc tiêu thụ. Chỉ với 5 công, nhưng bình quân mỗi năm vườn bưởi của tôi cho thu nhập gần 500 triệu đồng, khá cao so với nhiều loại cây trồng khác”. Ông Đào Văn Minh, ngụ xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tiết lộ: “Tôi vừa bán 1,3 tấn bưởi da xanh với giá bình quân 40.000 đồng/kg, được hơn 48 triệu đồng. Tính chung vườn bưởi 8 công của gia đình tôi năm nay thu hoạch hơn 26 tấn, mang về khoảng 1 tỷ đồng”. Theo ông Minh, nếu so sánh với nhiều loại trái cây khác như chôm chôm, thanh long, cam, mận, ổi, nhãn… thì bưởi da xanh được giá cao nhất và tiêu thụ dễ nhất. Thương lái và các cơ sở tới vườn nhà mua, trả tiền “tươi” cái một. Chính vì thế, nhiều nông dân trồng bưởi da xanh phất lên thấy rõ.
Bưởi da xanh giúp nông dân thu tiền tỷ nhờ liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ
Không chỉ ở Bến Tre, nhiều nông dân ở Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang… cũng “lên đời” nhờ bưởi da xanh. Ông Đặng Văn Nám, ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, khoe: “Từ đầu năm 2015 đến nay, tôi đã “bỏ túi” gần 2 tỷ đồng từ 1,2ha bưởi da xanh. Loại bưởi này có ưu điểm cho trái ổn định, ít bị sâu bệnh, tuổi thọ cao…”.
Liên kết cùng phát triển
UBND tỉnh Bến Tre xác định, bưởi da xanh là đặc sản rất ngon nên tập trung phát triển. Ngành nông nghiệp tỉnh đã mở nhiều lớp tập huấn về giống, chuyển giao kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản… thu hút hàng ngàn nông dân tham dự. Cạnh đó, thành lập nhiều tổ hợp tác và hợp tác xã để đưa nông dân vào sản xuất liên kết nhằm tăng chất lượng, giảm giá thành. Bộ KH-CN và Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cũng tích cực hỗ trợ Bến Tre nhiều dự án về canh tác bưởi da xanh theo tiêu chuẩn GAP, nhờ đó người dân không ngừng nâng cao trình độ sản xuất. Nếu như năm 2005, toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 1.530ha bưởi da xanh, năng suất 9-10 tấn/ha; nay diện tích tăng lên hơn 5.000ha, năng suất từ 14-15 tấn/ha trở lên; có hộ đạt trên 20 tấn/ha... Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), khẳng định: “Song hành cùng việc đầu tư tích cực của các ngành chức năng để phát triển bưởi da xanh về năng suất, chất lượng… thì vấn đề khá quan trọng là các doanh nghiệp, cơ sở thu mua đã liên kết chặt với nông dân, đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị để trái bưởi da xanh hấp dẫn người tiêu dùng xa gần hơn nữa”.
Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở thu mua bưởi Hương Miền Tây (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre), người có công lớn trong việc quảng bá loại trái cây này, cho biết: “Để bưởi da xanh hút hàng và được giá cao như hôm nay, những người lo khâu tiếp thị như tôi đã tốn rất nhiều công sức. Lâu nay ở TPHCM, Hà Nội và các nơi khác chỉ quen ăn bưởi Năm Roi. Vì vậy, cả chục năm về trước khi đem trái bưởi da xanh đi tiếp thị ở thị trường phía Bắc thì nhiều người lắc đầu không chịu mua, họ chê trái bưởi “xanh lè xanh lét”, y như bưởi non nên ngó lơ. Tôi phải bỏ công giải thích đây là giống bưởi tuy da màu xanh nhưng ruột khô, ăn ngon, vị ngọt dịu, không đắng, múi to, giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, hỗ trợ giảm cân, tốt cho sức khỏe… Thấy nhiều người phân vân nên tôi gửi tặng luôn mấy trái cho họ ăn thử. Cứ tặng như vậy nhiều lần để khách hàng dùng cho quen dần với khẩu vị, riết rồi họ chuộng loại bưởi này luôn”. Sau khi tạo được chỗ đứng ở thị trường nội địa, cơ sở Hương Miền Tây đã mang bưởi da xanh xuất khẩu sang nhiều nước ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ… với giá bình quân 2 USD/kg. “9 tháng đầu năm 2015, cơ sở của tôi cung cấp cho thị trường hơn 10.000 tấn bưởi da xanh; trong đó khoảng 95% tiêu thụ nội địa và 5% xuất khẩu. Vui nhất là thị trường nội địa lại “khoái” ăn bưởi loại 1, dù giá từ 50.000 đồng/kg. Còn bưởi loại 2, loại 3 dành để… xuất khẩu”, ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, tiềm năng của bưởi da xanh rất lớn, nhất là gần đây nhiều đối tác nước ngoài liên hệ đặt hàng rất nhiều. Tuy nhiên, để phát triển bền vững thì vấn đề liên kết trong sản xuất và tiêu thụ rất quan trọng. Hiện tại, cơ sở Hương Miền Tây ký hợp đồng với 27 tổ hợp tác và HTX về sản xuất và tiêu thụ. “Tôi sẵn sàng mua hết số lượng và giá nhỉnh hơn thị trường để nông dân được lợi. Song yêu cầu nông dân phải tuân thủ các quy trình canh tác, đảm bảo an toàn, tuyệt đối không thu hoạch bưởi non dưới 8 tháng tuổi, bưởi có sử dụng thuốc tăng trưởng… vì như thế sẽ ảnh hưởng uy tín của bưởi da xanh”, ông Hưng bộc bạch.
HUỲNH LỢI