Với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, mang nhiều nét đặc trưng, riêng biệt, Tây Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển những sản phẩm đặc thù, hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, hiện du lịch khu vực này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chính do thiếu liên kết, hợp tác giữa các tỉnh Tây Nguyên.
Mảnh đất tiềm năng
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh xếp theo vị trí địa lý từ Bắc xuống Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Đây là khu vực rừng núi cao nguyên, có hơn 40 dân tộc anh em sinh sống. Do những đặc điểm về địa lý, văn hóa, khu vực Tây Nguyên chứa đựng một kho tàng di sản thiên nhiên và văn hóa hết sức đặc sắc. Đây là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch.
Có thể nói đây là vùng đất lý tưởng để làm du lịch, bởi có hệ thống hồ thác, hệ động thực vật và các tiểu vùng khí hậu ôn hòa mát mẻ. Những hồ thác, những khu rừng nguyên sinh, vườn quốc gia, với hệ động thực vật phong phú như: hồ Yaly, núi Ngọc Linh, những khu rừng nguyên sinh và đặc dụng Chư Mom Ray, Đắc Uy, Sa Thầy, suối nước nóng Đắk Tô (tỉnh Kon Tum); các cánh rừng nhiệt đới Kon Ka Kinh và Kon Chư Răng, thác Phú Cường, Biển Hồ T’nưng (tỉnh Gia Lai); thác Thủy Tiên và những hồ nước thơ mộng như hồ Lắk, hồ Buôn Triết, hồ Ea Kao (tỉnh Đắk Lắk); thác Gia Long, thác Dray Nur, thác Diệu Thanh, Ba Tầng, Drây Sáp (tỉnh Đắk Nông); Vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn quốc gia Bidup - Núi Bà và những hồ thác tên tuổi ở Đà Lạt, Lâm Đồng… chính là tiềm năng về du lịch sinh thái miền núi.
Về du lịch văn hóa, Tây Nguyên có một hệ thống buôn làng cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số, nơi còn lưu giữ được những đặc điểm cấu trúc, sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa K’Ho, Ê Đê, Jarai, Bahnar, M’Nông…
Đặc biệt, Tây Nguyên còn có một di sản văn hóa hết sức đặc sắc, tiêu biểu đó là “Không gian văn hóa cồng chiêng” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Cùng đó là các lễ hội truyền thống độc đáo, đậm đặc màu sắc tâm linh như lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ hội đâm trâu, lễ cúng bến nước, lễ hội đua voi… rất nổi tiếng và hấp dẫn.
Liên kết để phát triển
TS Lê Văn Minh, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, nhấn mạnh, muốn phát triển du lịch vùng Tây Nguyên thì trước hết việc liên kết và hợp tác giữa các tỉnh trong vùng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Việc liên kết, hợp tác này nhằm phát huy lợi thế của mỗi địa phương, đồng thời bổ sung, khắc phục những hạn chế. Thông qua việc liên kết, hợp tác sẽ làm phong phú và đa dạng hóa các sản phẩm, tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, có chất lượng cao, từ đó, tăng cường khả năng cạnh tranh và phát huy những lợi thế trong phát triển du lịch vùng Tây Nguyên.
Ông Vũ Văn Tư, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: Vùng đất Tây Nguyên rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Ngoài những điểm chung thì mỗi vùng đều có nét riêng, vì vậy, cần phải có sự liên kết để khai thác hợp lý tiềm năng, thế mạnh riêng, chung của vùng miền, tạo nên chuỗi sản phẩm văn hóa có giá trị. Lâu nay, Lâm Đồng đã chủ động liên kết với các địa phương khác như vùng duyên hải Nam Trung bộ, TPHCM cũng như với các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc liên kết chưa chặt chẽ nên chưa phát huy tốt hiệu quả.
Tính chung cả vùng Tây Nguyên du lịch vẫn ở hàng thứ yếu. Theo đánh giá của Vụ Thị trường du lịch (Bộ VH-TT-DL), phát triển du lịch Tây Nguyên còn nhiều hạn chế, giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng bình quân của du lịch Tây Nguyên đạt 12%/năm. Số lượng khách du lịch đến Tây Nguyên trong những năm qua tăng chậm và không đều, có lúc giảm đáng kể. Nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia du lịch cho rằng cần phải liên kết chặt chẽ hơn nữa, khai thác có hiệu quả hơn nữa những tiềm năng riêng có của Tây Nguyên. Văn hóa cồng chiêng, làng truyền thống, nghề truyền thống, những đặc sản địa phương… là những mảng văn hóa đặc trưng thu hút khách du lịch.
Tây Nguyên có sẵn “báu vật” để xây dựng thương hiệu du lịch khác biệt và hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành văn hóa bày tỏ lo ngại, môi trường sinh thái thay đổi, rừng bị tàn phá nặng nề, không gian văn hóa cồng chiêng đang bị mai một, cồng chiêng “chảy máu”, sử thi mất dần do không có người kế tục… là thách thức lớn đối với các tỉnh Tây Nguyên nếu muốn khai thác thế mạnh văn hóa thành thương hiệu du lịch.
PGS Trương Quốc Bình, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho rằng: “Bằng mọi cách, các tỉnh Tây Nguyên phải liên kết lại để bảo tồn không gian sống, khôi phục môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội cho cộng đồng cư dân bản địa. Đối với các dự án dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, không thể đánh giá bằng tốc độ tăng trưởng GDP mà nên lấy chỉ tiêu về hạnh phúc, xem đồng bào có hài lòng, hạnh phúc trong môi trường sống hay không, như thế mới giúp họ bảo tồn truyền thống văn hóa vốn có và phát huy nó. Và có như thế, ngành du lịch mới có cơ hội khai thác sự độc đáo này để phát triển du lịch”.
ĐỨC TRUNG