Liên kết phát triển vùng: Giao thông là yếu tố quyết định

Cùng với hội thảo quốc tế liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận cũng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Bình Thuận, tranh thủ chất xám của các chuyên gia, đồng thời lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của 300 doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào tỉnh. Hầu hết các ý kiến cho rằng, bất lợi lớn nhất trong kêu gọi đầu tư, liên kết phát triển vùng của các tỉnh chính là… hệ thống giao thông quá kém!
Liên kết phát triển vùng: Giao thông là yếu tố quyết định

Cùng với hội thảo quốc tế liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận cũng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Bình Thuận, tranh thủ chất xám của các chuyên gia, đồng thời lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của 300 doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào tỉnh. Hầu hết các ý kiến cho rằng, bất lợi lớn nhất trong kêu gọi đầu tư, liên kết phát triển vùng của các tỉnh chính là… hệ thống giao thông quá kém!

Đồi cát - địa điểm du lịch của nhiều du khách khi đến Phan Thiết, Bình Thuận

“Nhà to, ngõ hẹp”…

Nói về thiên nhiên ưu đãi, ban tặng thì Bình Thuận có thế mạnh rất lớn, với bờ biển dài gần 200km, nơi nào cũng có thể tắm được, nhiều suối nước nóng, thác hồ đẹp, có cả đảo sinh thái… thế nhưng do hệ thống giao thông chưa tốt nên các tiềm năng chưa khai thác hết, đành phải chịu cảnh “nhà to, ngõ hẹp”, ít người tới! Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đến nay tỉnh đã có 1.156 dự án đầu tư, trong đó có 104 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.688 triệu USD thuộc 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tỉnh Bình Thuận hiện nay là nơi có nhiều khách sạn, resort ven biển được nhiều người biết đến như Hòn Rơm, Mũi Né. Vị thế đẹp, tiềm năng cao, thế nhưng, lượng khách du lịch mà tỉnh thu hút được hàng năm chỉ bằng một nửa so với Vũng Tàu. Nguyên nhân, cũng vì hạ tầng giao thông chưa thuận tiện.

Nói như TS Trần Du Lịch, nếu từ TPHCM có đường cao tốc đi thẳng ra Phan Thiết thì du khách từ TPHCM đến Phan Thiết chỉ mất hơn 2 giờ vận chuyển, như vậy sẽ thu hút được lượng khách rất lớn từ TPHCM. Đồng thời, nếu hạ tầng giao thông tốt, việc kết nối phát triển kinh tế nói chung giữa các tỉnh sẽ tốt hơn, khi đó đời sống người dân sẽ được nâng cao hơn.

Hạ tầng giao thông là vấn đề quan trọng bậc nhất để thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch. Thế nhưng, đây lại là vấn đề nhức nhối của các tỉnh hiện nay. Nói như lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh tuy có nhiều đường giao thông kết nối với Ninh Thuận, Đắk Nông, và một số tỉnh vùng Tây Nguyên… nhưng hầu hết các tuyến đường này xây dựng hàng chục năm trước, nay đã xuống cấp nên không thể thu hút du khách. Nếu Nhà nước xây dựng, sửa chữa, cải tạo tốt các tuyến giao thông thì mới giúp các tỉnh phát triển được.

Phan Thiết có thế mạnh về du lịch biển, nhưng do giao thông không thuận tiện nên chưa thu hút du khách

Hạ tầng phải đi trước…

Ông Vũ Đình Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Delta Vally, chủ đầu tư dự án tổ hợp Khu du lịch Thung Lũng Đại Dương - Phan Thiết cho biết, khi có sân bay, đường cao tốc hoàn thiện thì Phan Thiết mới có thể phát triển thêm nhiều các dự án du lịch biển hơn nữa. Tương tự, sau khi tìm hiểu dự án kêu gọi đầu tư, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân mong muốn được đầu tư vào tổ hợp Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né vì phù hợp với năng lực tài chính. “Mỗi tỉnh có tiềm năng khác nhau, theo chúng tôi, tiềm năng của Phan Thiết không thua kém Phú Quốc mà giá đầu tư lại rẻ hơn vì thương hiệu đã có từ lâu. Nhưng để phát triển mạnh hơn, hạ tầng giao thông phải phát triển, các tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay hoàn thiện thì mới thuận tiện trong việc đi lại cho du khách” - ông Tuấn chia sẻ.

Cũng cùng quan điểm trên, nhiều nhà đầu tư đang có ý định đầu tư, các nhà đầu tư đã có dự án tại đây cũng đang lo ngại nếu dự án giao thông chưa hoàn thành, đặc biệt là các tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, quốc lộ Đại Ninh, sân bay chậm triển khai thì nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn trong thu hút khách, trong chi phí vận chuyển… Do vậy, ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, nhấn mạnh: “Thời gian tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng. Trong đó, mong Chính phủ quan tâm hỗ trợ xúc tiến nhanh dự án sân bay Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, quốc lộ đi Lâm Đồng để tiềm năng tỉnh được bật dậy. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ triển khai thực hiện nhiều chính sách ưu đãi hợp lý, hỗ trợ đầu tư như: ưu đãi về miễn giảm thuế, tiền sử dụng đất, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu… để thu hút nhiều nhà đầu tư đến đây”.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận, các nhà đầu tư đã ký kết đầu tư 7 dự án vào tỉnh Bình Thuận. Trong đó, có một số dự án quy mô lớn, tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng lợi thế của tỉnh như: Xây dựng nhà máy phong điện Hòa Thắng 1; Nhà máy điện năng lượng mặt trời; Khu du lịch liên hiệp hữu nghị Việt Nam - Campuchia; Nhà máy chế biến sữa - trồng cỏ chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ…

THANH HẢI - NHI HOÀNG

Tin cùng chuyên mục