Liên kết sản xuất nông nghiệp - Rộng cửa tương lai

Trước xu thế hội nhập sâu và toàn diện, nền nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước sẽ không thể tiến lên mạnh mẽ nếu không khắc phục một cách căn cơ tình trạng kinh tế nông hộ mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Muốn làm ăn lớn phải liên kết lại sự tham gia của “4 nhà”. Đây là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp hiện đại - một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, theo yêu cầu thị trường.

Trước xu thế hội nhập sâu và toàn diện, nền nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước sẽ không thể tiến lên mạnh mẽ nếu không khắc phục một cách căn cơ tình trạng kinh tế nông hộ mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Muốn làm ăn lớn phải liên kết lại sự tham gia của “4 nhà”. Đây là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp hiện đại - một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, theo yêu cầu thị trường.

Khẳng định mô hình sản xuất mới

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian gần đây đã xuất hiện một số mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp, tạo ra triển vọng cho nền nông nghiệp nước nhà. Điển hình như các mô hình: Cánh đồng lớn; liên kết chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín; nông dân góp cổ phần với doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất; doanh nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp... Với “Cánh đồng lớn”, tham gia mô hình, nông dân được doanh nghiệp hỗ trợ vật tư đầu vào và giải quyết đầu ra, giúp tăng thu nhập từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), chia sẻ: Cánh đồng lớn là mô hình tiên tiến nhất hiện nay trong sản xuất và cung ứng lúa gạo, bởi nó mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông dân. Nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng, quy trình do doanh nghiệp đặt ra nên lúa bán được giá cao. Nhờ nắm được “vòng đời” hạt gạo từ ngoài đồng đến khi thành phẩm nên doanh nghiệp giành lợi thế khi thương thảo hợp đồng với các đối tác nước ngoài. Với những đặc tính ưu việt, mô hình cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL liên tục được nhân rộng. Nếu diện tích lúa đăng ký sản xuất theo mô hình chỉ đạt khoảng 7.200ha vào đầu năm 2011, thì đến vụ đông xuân năm 2015-2016, diện tích nâng lên hơn 150.000ha. Hiện nay, mô hình này không chỉ giới hạn ở các tỉnh Nam bộ mà đã lan ra các vùng, miền trong cả nước và từng bước “lấn sân” sang các sản phẩm nông sản khác như mía đường, cà phê, điều, chè, thủy sản và rau quả…

Không chỉ có “Cánh đồng lớn”, thời gian qua, một số địa phương ở ĐBSCL cũng hình thành chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín. Ngoài ra, hàng trăm hợp tác xã kiểu mới được hình thành và phát triển trong thời gian gần đây, đang sản xuất và kinh doanh khá hiệu quả, hỗ trợ tốt cho sự phát triển kinh tế hộ. 

Đổi mới chính sách để đáp ứng thực tiễn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chặng đường 7 năm thực hiện Nghị quyết 26 về “tam nông”, lĩnh vực nông nghiệp nước ta đã thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Dù sản xuất nông hộ nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng hệ thống sản xuất quy mô vừa và lớn đang hình thành, đặc biệt trong chăn nuôi, trồng lúa, thủy sản và cây lâu năm. Một số mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp được xem là xu thế tất yếu trong tương lai đã ra đời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất.

Theo các chuyên gia, từ thực tiễn của quá trình phát triển kinh tế, chúng ta đã nhận ra rằng: Quan hệ sản xuất lạc hậu hoặc “tiên tiến” hơn trình độ lực lượng sản xuất một cách giả tạo sẽ kìm hãm, hạn chế sự phát triển của lực lượng sản xuất. Do đó, thời kỳ quá độ ở một số nước nông nghiệp lạc hậu, tất yếu chúng ta phải tôn trọng nhiều hình thức sở hữu. Vì vậy, trong sản xuất nông nghiệp không chỉ có hình thức kinh tế tập thể mà vẫn phải đa hình thức sở hữu, đa dạng, đa quy mô, phù hợp với trình độ quản lý, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, đời sống của nông dân sẽ được nâng lên, bộ mặt nông thôn sẽ đổi mới, giải quyết được mâu thuẫn mất cân đối giữa thành thị và nông thôn. Đây là vấn đề lớn, đòi hỏi Đảng, Nhà nước tiếp tục có chủ trương, chính sách, giải pháp tạo thuận lợi cho các loại mô hình sản xuất nông nghiệp mới, phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn, đủ sức cạnh tranh với quốc tế trong giai đoạn hội nhập sâu sắp tới.

 Thực tế cho thấy, mô hình liên doanh liên kết với các doanh nghiệp và mô hình hợp tác xã cổ phần là những mô hình tiên tiến, tập trung tích tụ được ruộng đất, không còn tình trạng nhỏ lẻ, manh mún; tiến hành hiện đại hóa về nông nghiệp, nông thôn; tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, tiêu thụ sản phẩm nông dân làm ra, phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập… Thành công bước đầu của các mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp đang mở ra tương lai cho sự phát triển nền nông nghiệp vùng ĐBSCL và cả nước.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục