Liên quan đến nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt ở TPHCM đều bị ô nhiễm: Mọi con đường ô nhiễm đều dẫn ra sông Đồng Nai

Cửa nào cũng xả chất độc vào sông
Liên quan đến nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt ở TPHCM đều bị ô nhiễm: Mọi con đường ô nhiễm đều dẫn ra sông Đồng Nai

Nước sông Đồng Nai bị ô nhiễm nghiêm trọng vốn là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Từ năm 2005 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo 12 tỉnh thành nhằm tìm kiếm giải pháp chung để cứu lấy sông Đồng Nai nhưng cho đến nay những hứa hẹn cùng chung tay bảo vệ dòng sông đang “hấp hối” vẫn chỉ là lời hứa… 

Cửa nào cũng xả chất độc vào sông

Khảo sát của PV Báo SGGP tại một số cửa xả nước thải ra sông Đồng Nai cho thấy, nguồn nước dẫn từ nội thành các tỉnh thành đều có nồng độ ô nhiễm rất cao. Tại khu vực cửa xả Suối Cái (hợp lưu của suối Nhum bắt nguồn từ tỉnh Bình Dương và suối Xuân Trường bắt nguồn từ phường Linh Xuân, quận Thủ Đức TPHCM, chảy qua phường Linh Xuân, Linh Trung quận Thủ Đức, Tân Phú và Hiệp Phú quận 9, sau đó chảy ra sông Tắc và ra sông Đồng Nai), anh Trần Công Tuấn nhà trên đường Lê Văn Việt đoạn gần cầu tạm Suối Cái bức xúc: “Mấy hôm nay nước hôi kinh khủng, đứng cách chục thước còn chịu không nổi nói chi đến gần. Gần chục năm trước, lúc gia đình tôi đến đây, thỉnh thoảng mới thấy dòng suối đổi màu đục ngầu thôi. Còn bây giờ suối này hết đỏ, tím rồi xanh lè như thuốc nhuộm...”.

Nhánh sông Tân Vạn bị ô nhiễm đang đổ nước trực tiếp vào sông Đồng Nai. Ảnh: CAO THĂNG

Nhánh sông Tân Vạn bị ô nhiễm đang đổ nước trực tiếp vào sông Đồng Nai. Ảnh: CAO THĂNG

Men theo suối Cái lên phía thượng nguồn, chúng tôi dường như không thở nổi vì phân rác kèm mùi hôi thối nồng nặc. Đơn giản là bởi phía thượng nguồn suối Nhum thuộc Bình Dương có rất nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) và đặc biệt là các hộ nuôi heo nhưng không có hệ thống xử lý phân và nước thải mà chỉ chôn lấp sơ sài hoặc thải thẳng ra suối.

Toàn tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật - rạch Nước Lên dài khoảng 33km, đi qua nhiều quận nội thành TPHCM rồi xả ra sông Sài Gòn (nhánh của sông Đồng Nai). Tại cửa xả của tuyến kênh này, dòng nước bị đổi màu đen ngòm. Tương tự, tại cửa xả ra sông Thị Tính, nước sông đã chuyển sang màu vàng sậm, hôi thối không chịu nổi. Anh Trần Quý, nhà gần khu vực suối Cầu Định thuộc ấp 3, xã Tân Định huyện Bến Cát tỉnh Bình Dương nói: “Chỉ xuống nước be bờ chừng 10 phút mà mình mẩy nổi mận đỏ, ngứa ngáy suốt cả tuần”.

Mạnh ai nấy xả

Giáo sư Lâm Minh Triết, Viện Tài nguyên và Môi trường cho biết, hệ thống sông Đồng Nai bao gồm các sông chính như lưu vực sông Đa Dung – Đa Nhim – Đồng Nai, sông La Ngà, sông Bé, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ và hạ lưu sông Đồng Nai. Đây vốn là nguồn cung cấp nước đồng thời cũng là nơi tiếp nhận chất thải sinh hoạt và sản xuất của 12 tỉnh, thành bao gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Long An.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện sông Đồng Nai đang tiếp nhận chất thải xả ra của gần 70 KCX-KCN đang hoạt động. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có 15 khu, Đồng Nai 16 khu (trong số 23 KCN được quy hoạch), Bình Dương 16 khu (trong số 25 khu đã được quy hoạch), Bà Rịa – Vũng Tàu 8 khu, Long An 3 khu (trong số 22 KCN được quy hoạch), Bình Phước 3 khu, Tây Ninh 1 khu...

Mỗi ngày hệ thống sông Đồng Nai còn tiếp nhận thêm khoảng 1,73 triệu m³ nước thải sinh hoạt (trong đó có khoảng 702 tấn cặn lơ lửng, 421 tấn BOD5, 756 tấn COD, 59 tấn nitơ tổng, 15 tấn phospho tổng, 243 tấn dầu mỡ phi khoáng và nhiều vi trùng gây bệnh) và khoảng 1,54 triệu m³ nước thải công nghiệp (trong đó có khoảng 278 tấn cặn lơ lửng, 231 tấn BOD5, 493 tấn COD, 89 tấn nitơ tổng, 12 tấn phospho và nhiều kim loại nặng...). Đấy là còn chưa tính đến sự “đóng góp” ô nhiễm của hàng vạn cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang tồn tại bên ngoài các khu công nghiệp tập trung.

Cha chung không ai khóc

Ông Trần Hồng Hà, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng khẳng định, việc phát triển kinh tế nhưng thiếu quan tâm đến bảo vệ môi trường đã và đang khiến cho con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, chính vì dòng sông liên quan đến nhiều tỉnh thành nên xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Trên thực tế, khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy dọc từ thượng nguồn đến hạ lưu hệ thống lưu vực sông Đồng Nai đều bị ô nhiễm. Tại một số đoạn sông, hồ như thác Cam Ly và nhất là hồ Trị An phía thượng nguồn, nồng độ ôxy hòa tan (DO) trong nước tụt giảm đến mức kỷ lục và kéo suốt một đoạn dài gần 10 km từ sau cầu La Ngà, kèm theo các mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ mặt hồ. Càng về phía hạ lưu, mức độ ô nhiễm càng tăng nặng hơn. Ô nhiễm hữu cơ, dầu và vi sinh nguồn nước tại các trạm Phú Cường, Bình Phước và Phú An thuộc khu vực TPHCM liên tục gia tăng, ô nhiễm vi sinh vượt tiêu chuẩn cho phép đến 168 lần, không đạt tiêu chuẩn chất lượng nước mặt dùng làm nguồn nước cấp sinh hoạt.

Cá biệt, tại lưu vực sông Thị Vải có một đoạn sông dài gần 10km đã chết. Nước bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, nước màu nâu đen và bốc mùi hôi thối kể cả thời gian thủy triều lên và xuống. Giá trị DO thường xuyên dưới 0,5mg/l – mức mà không còn loài sinh vật nào có khả năng sinh sống. Các chuyên gia môi trường khẳng định, nếu không có ngay các hành động chấn chỉnh tình trạng xả chất thải ô nhiễm ra sông thì cái chết của sông Đồng Nai chắc chắn sẽ đến trong tương lai rất gần.

Ái Vân – Ngọc Hiếu

Liên quan đến vấn đề “Nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt ở TPHCM - Đều bị ô nhiễm”

- Chuyện đã cảnh báo cách đây 10 năm

- Nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt ở TPHCM đều bị ô nhiễm

- Nhà máy nước Tân Hiệp “kêu cứu”

Tin cùng chuyên mục