Lính trẻ trên mặt trận khoa học

Tuổi trẻ lực lượng vũ trang Quân khu 7 không chỉ sẵn sàng trong huấn luyện chiến đấu mà còn hăng say trên mặt trận nghiên cứu khoa học, cải tiến trang thiết bị vũ khí phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Những công trình từ sức trẻ

Lữ đoàn Thông tin 23 (Quân khu 7) là binh chủng kỹ thuật, được chú trọng tiến thẳng lên hiện đại. Đơn vị được biên chế nhiều khí tài hiện đại, trong đó có nhiều tài liệu sử dụng tiếng nước ngoài. Yêu cầu đối với cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn là không chỉ giỏi kỹ thuật, bản lĩnh chính trị vững vàng mà còn phải giỏi ngoại ngữ, nên lữ đoàn đã tổ chức 3 lớp học tiếng Anh tại 3 tiểu đoàn. Nhóm sĩ quan trẻ còn đưa ra mô hình “Bổ trợ công tác học tập chính trị và tuyên truyền công nghệ cao”. Mô hình này sử dụng đa phương tiện, trong đó video, hình ảnh được tích hợp với nhiều nội dung về lời Bác dạy, những mẫu chuyện về Bác, tuyên truyền về lịch sử, truyền thống... Nhờ mô hình mới mà cán bộ, chiến sĩ hăng say học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, làm chủ trang thiết bị vũ khí, sẵn sàng chiến đấu.

Những chiến sĩ trẻ Lữ đoàn Thông tin 23 được học tập, huấn luyện trên mô hình mới, hiện đại, là sản phẩm khoa học của các sĩ quan trẻ trong đơn vị

Những chiến sĩ trẻ Lữ đoàn Thông tin 23 được học tập, huấn luyện

trên mô hình mới, hiện đại, là sản phẩm khoa học của các sĩ quan trẻ trong đơn vị

Không riêng tuổi trẻ Lữ đoàn Thông tin 23, mà ở hầu hết các đơn vị trong Quân khu 7 đều có những công trình khoa học, sáng kiến sáng tạo phục vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu do đoàn viên, thanh niên thực hiện. Nhóm nghiên cứu trẻ gồm Trung tá Hoàng Tuấn Hội, Thượng úy Phạm Văn Hòa và Trung úy Hồ Nguyên Thành của Trung đoàn 5, Sư đoàn 5 (Quân khu 7) là tác giả công trình “Ứng dụng nền tảng số mở trong tổ chức kiểm tra nhận thức, thi tuyên truyền trắc nghiệm trực tuyến”. Giờ đây, cán bộ, chiến sĩ ở Sư đoàn 5 chỉ cần lướt nhẹ màn hình, quét mã QR là truy cập vào phần mềm để tự kiểm tra đánh giá nhận thức và tham gia các bộ đề thi trắc nghiệm trực tuyến. “Cách làm truyền thống vừa mất nhiều thời gian, tốn kém kinh phí, công sức nhưng nội dung lại không hấp dẫn. Ứng dụng công nghệ mới đã giúp đơn vị trong cùng một thời gian có thể nhập nhiều bộ đề thi, tổ chức nhiều cuộc thi không hạn chế người tham gia. Công tác đánh giá chấm điểm lại khách quan, nhanh chóng và đảm bảo bảo mật cho người sử dụng”, Trung úy Hồ Nguyên Thành, thành viên nhóm tác giả, cho biết.

Tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An, những sĩ quan trẻ đưa ra công trình “Xử lý chất lượng đạn kém chất lượng, đạn không nổ”. Trung úy Ngô Trần Quang Minh, Trợ lý quân khí, Ban hậu cần kỹ thuật, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cần Đước, tác giả công trình, cho biết, trong quá trình bắn thường gặp trường hợp đạn không nổ, vừa phải xử lý tốn thời gian, lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Sau nhiều trăn trở, công trình khoa học cũng đã hình thành với 3 phần chính, gồm bộ phận chứa đạn, chân đế và vị trí để chìa bẻ đầu đạn. Công trình khoa học được đơn vị triển khai áp dụng, phát huy hiệu quả tích cực. Trước đây, thời gian xử lý thủ công mỗi viên đạn không nổ mất từ 1-2 phút, nay chỉ còn 5-10 giây, an toàn, dễ sử dụng và áp dụng cho nhiều loại đạn.

Đi đầu trong sáng tạo

Đại tá Nguyễn Hồng Cảnh, Phó Chính ủy Sư đoàn 5 (Quân khu 7), cho biết, bằng đam mê và tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” ở Sư đoàn 5 ngày càng phát triển và lan tỏa sâu rộng. Tuổi trẻ Sư đoàn 5 đã nghiên cứu, thực hiện hiệu quả hàng loạt sáng kiến kỹ thuật, giành nhiều giải cao trong các hội thi, hội thao các cấp. Tuổi trẻ lực lượng vũ trang Quân khu 7 luôn đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn quân khu. Tiêu biểu như giải nhì Hội thi “Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân năm 2014” với sáng kiến “Thiết bị học bắn ban đêm của súng bộ binh”; giải ba Hội thi “Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân năm 2020” với sáng kiến “Bộ đèn huấn luyện bắn súng bộ binh ban đêm”; giải khuyến khích Hội thi “Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân năm 2022” với sáng kiến “Thiết bị luyện tập và kiểm tra đường ngắm bắn mục tiêu vận động ban ngày và ban đêm súng tiểu liên AK”...

Năm 2022, Hội đồng sáng kiến Quân khu 7 đã tổ chức thẩm định, chấm điểm, lựa chọn 64 giải pháp tiêu biểu trong 115 hồ sơ của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân khu. Theo Đại tá, Tiến sĩ Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân khu 7, nét nổi bật của các sáng kiến là có nhiều nhóm tác giả trẻ, chiếm tỷ lệ gần 80% hồ sơ tham gia. Nhiều công trình ứng dụng trong thực tiễn được hội đồng chuyên môn đánh giá cao, như “Ứng dụng công nghệ thông tin để đăng ký khám chữa bệnh tại nhà” của đội ngũ nghiên cứu trẻ tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông; “Đạn báo điểm nổ và kiểm tra hiệu chỉnh có sử dụng thiết bị laser” của Trung tá Nguyễn Ngọc Điệp, Trưởng bộ môn Binh chủng chiến đấu, Trường Quân sự Quân khu 7...

Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh Quân khu 7, nhấn mạnh, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quan tâm, chỉ đạo để thúc đẩy phong trào phát huy sáng kiến, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực của lực lượng vũ trang quân khu. Những sáng kiến, công trình khoa học nhanh chóng ứng dụng vào các hoạt động của lực lượng vũ trang quân khu đã góp phần giúp quân khu hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục