Lo chống hạn cứu miền Trung

Chiều 25-6, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức cuộc họp khẩn để tìm cách cứu miền Trung trước cơn đại hạn đã và sẽ còn xảy ra trên diện rộng, ở mức khốc liệt nhất trong lịch sử.

(SGGP).- Chiều 25-6, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức cuộc họp khẩn để tìm cách cứu miền Trung trước cơn đại hạn đã và sẽ còn xảy ra trên diện rộng, ở mức khốc liệt nhất trong lịch sử.

Theo ước tính của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng, hiện các tỉnh miền Trung đang có nguy cơ bị mất trắng 100.000ha lúa. Được biết, hiện khung thời vụ gieo cấy cho vụ hè thu và mùa ở miền Trung đã kết thúc, nhưng vẫn còn hơn 60.000 ha chưa được gieo cấy do chưa có nước.

Ông Trần Hữu Lực, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong tháng 6 đang thiếu hụt nghiêm trọng, lũ tiểu mãn về cũng chỉ đạt 60-70mm, trong khi trung bình nhiều năm là 150-200mm, cùng với tình trạng gió Lào khô nóng kéo dài hơn nửa tháng nay khiến toàn tỉnh như một lò lửa.

Cũng theo ông Lực, hiện Nghệ An vẫn còn hơn 26.000ha chưa thể tiến hành gieo cấy, trong đó 6.000ha có thể phải bỏ trắng vì nước tưới vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, nước sinh hoạt cho bà con vùng trung du miền núi của tỉnh này cũng đang gặp khó khăn, ở các cửa sông thì mặn hóa xâm nhập, chưa năm nào các sông trên địa bàn Nghệ An lại xuất hiện mặn sâu và sớm như năm nay.

Hà Tĩnh cũng đang phải gồng mình chống chọi tình trạng thiếu nước sản xuất, thiếu nước sinh hoạt diễn ra khắp nơi. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh, hiện có 165 trong tổng số 325 hồ chứa trên địa bàn đã bị cạn kiệt, trong khi lượng mưa thời gian qua chỉ đạt 13%-29%. Sông La ngay từ đầu tháng 3 đã bị mặn hóa xâm nhập, trong tháng 4 độ mặn đo được lên tới 8,53‰, vượt mức cho phép nhiều lần. Khoảng 39.000ha lúa đang chết khát. Không chỉ có lúa, hiện còn có 120.000 người dân thuộc các huyện như Hương Khê, Hương Sơn bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, kéo dài, phải dùng xe bồn chở nước từ hồ Kẻ Gỗ đưa lên cho bà con dùng làm nước sinh hoạt.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, chỉ có một giải pháp trong giai đoạn hiện nay là các tỉnh phải tiết kiệm nước, rà soát, quản lý chặt chẽ nguồn nước, không nên gieo cấy chạy theo thành tích, những nơi nào không thể cấy lúa thì nên chuyển sang trồng cây hoa màu để giúp nông dân sống chung với hạn.

Ông Vũ Văn Thặng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cũng đề nghị, để đảm bảo có nước tưới, các tỉnh phải triển khai đồng bộ các giải pháp như nạo vét cửa khẩu sông, lắp thêm trạm bơm dã chiến, đặc biệt là ưu tiên điện cho các trạm bơm hoạt động.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hôm qua (25-6), ở miền Bắc và miền Trung đã xảy ra nắng nóng trên diện rộng. Nguyên nhân là do các khu vực trên đang chịu ảnh hưởng của rìa phía Nam rãnh áp thấp nóng lan chuyển từ phía Tây sang nước ta, trong khi ở phía Bắc của nước ta lại xuất hiện một khối áp cao lạnh lục địa nên rãnh áp thấp nóng phía Tây bị nén dần về miền Bắc và miền Trung, làm cho nhiệt độ đột ngột tăng cao. Trong đó, khu vực các tỉnh ở Nam đồng bằng Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ đã xảy ra nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lên tới 35-37°C, một số nơi có nhiệt độ cao hơn như Hà Nội 37,6°C; Bái Thượng (Thanh Hóa) 38,2°C; Tam Kỳ (Quảng Nam) 38,5°C.

Trong ngày 26-6, khối áp cao lạnh lục địa sẽ tác động tới các tỉnh miền núi phía Bắc gây ra mưa rào. Tuy nhiên, rãnh áp thấp nóng phía Tây bị nén thì vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới khu vực Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ, cùng với hiệu ứng phơn mạnh nên miền Trung vẫn nắng nóng trên diện rộng, nhiệt độ còn tăng cao hơn khoảng 1°C và duy trì thêm 3-4 ngày nữa, khô hạn vẫn còn kéo dài. Còn ở Nam bộ, hiện gió Tây Nam đang giảm, trong hai ngày đầu trời sẽ nắng nóng, sau đó sẽ có nhiều mây, mưa rào xuất hiện.

Khoảng 15 giờ 40 phút ngày 25-6, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã xảy ra một trận mưa đá và lốc xoáy làm nhiều nhà dân và nhà kính trồng rau, hoa bị sập và tốc mái. Trong đó, tại đường Vạn Kiếp, gió lốc đã bốc nhiều mái nhà tôn bay xa hàng chục mét.  

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục